Đường dẫn truy cập

Việt Nam 2008: Cơ Hội và Thách Thức-Phỏng Vấn Giáo Sư Carl Thayer


Giáo Sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Australia, là một quan sát viên và là nhà phân tích chuyên về Việt Nam được nhiều người biết tiếng trên thế giới, hiện ông là giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học Ohio-Hoa Kỳ, về môn Đông Nam Á Học. Trước khi lên đường sang Singapore tham gia một hội nghị về Việt Nam mới đây, Giáo sư Thayer đã dành cho Ban Việt Ngữ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ một cuộc phỏng vấn đề cập đến những thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2007, đồng thời nhận định về những thách thức chính mà Việt Nam sẽ phải đương đầu trong năm 2008. Mời quý vị theo dõi một số chi tiết trong câu chuyện giữa Giáo Sư Thayer với Hoài Hương sau đây.

Giáo Sư Carl Thayer nói trong năm 2007, ngoài những thành công kinh tế đáng kể với mức tăng trưởng lên tới 8%, Việt Nam còn đạt được nhiều thành tích về mặt đối ngoại. Giáo Sư Thayer điểm qua những thành tích này như sau:

"Đà tăng trưởng kinh tế cao, trở thành hội viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, và về mặt đối ngoại, đóng một vai trò quốc tế quan trọng hơn. Đó là những diễn biến đánh dấu năm 2007 đối với Việt Nam."

Quả vậy, đầu năm 2007, Việt Nam trở thành hội viên thứ 150 của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, và đến tháng 10, được bầu làm hội viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Theo Giáo sư Thayer, chính sách đối ngoại của Hà Nội phản ánh một thái độ tự tin hơn.

Giáo sư Thayer nói: "Việt Nam cố gắng đóng một vai trò tích cực hơn trong nỗ lực cổ võ cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, bằng cách chủ trì các cuộc thảo luận giữa Nhật Bản với Bắc Triều Tiên, kín đáo đề nghị chọn Hà Nội làm địa điểm cho một cuộc tiếp xúc giữa Hoa Kỳ với Bắc Triều Tiên, và tìm cách khích lệ Miến Điện thực hiện một vài bước hướng tới cải cách."

Được hỏi ông đánh giá thế nào vai trò của một thế hệ lãnh đạo mới, trẻ trung và năng động hơn trong những thay đổi có tính cách hướng ngoại ấy của Hà Nội, và liệu điều đó có nghĩa là đã có những thay đổi về tư duy trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp Đảng Cộng Sản Việt Nam hay không, Giáo Sư Thayer nhận định:

"Tôi xin trở lại với nhận định bấy lâu nay của tôi là sự tiếp nối đã thắng thế sự thay đổi. Từ năm 1982 tới bây giờ, Việt Nam đã tìm cách thay đổi thành phần lãnh đạo trong nội bộ Đảng Cộng Sản. Điều đó được phản ánh trong cuộc cải tổ nội các mới đây, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị áp lực nặng nề khi chọn người vào êkíp lãnh đạo mới, mặc dù chỉ có từ 10 đến 22 Bộ Trưởng, thế nhưng phân tích kỹ lưỡng thành phần lãnh đạo, chúng ta sẽ thấy một số nhà lãnh đạo lớn tuổi được nắm những chức vụ quan yếu như lĩnh vực an ninh, quốc phòng..., họ là những người đã phục vụ nhiều nhiệm kỳ rồi, thế rồi bên cạnh đó là một khối có thể gọi là khối đứng giữa...Thế cho nên thay đổi thế hệ lãnh đạo trong bối cảnh Việt Nam có nghĩa là khối các nhà lãnh đạo lão thành, có trình độ học vấn thấp hơn, ít du hành ra nước ngoài hơn, có lập trường bảo thủ hơn về mặt ý thức hệ, được đóng vai trò một cái phanh để hãm lại thế hệ lãnh đạo trẻ hơn. Tôi xin đơn cử một ví dụ, khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tìm cách cải tổ thành phần Nội Các và cố gắng đưa vào một số thay đổi về phong cách lãnh đạo, thì căng thẳng xảy ra. Mục đích là để duy trì hiện trạng, không cho thay đổi quá nhiều. Ông Nguyễn Tấn Dũng có thêm hai Phó Thủ Tướng, nhưng ông không đưa được những người ông chọn vào những chức vụ ông thực sự muốn trao cho họ. Ông Dũng đã thực hiện được việc cải tổ một số bộ sở, thế nhưng không cải tổ được nhiều bộ hơn như ý ông muốn. Thế cho nên có thể nói đó là một thỏa hiệp, và cũng là dấu hiệu cho thấy thế hệ lãnh đạo lão thành có khả năng gây căng thẳng để ngăn cản một thành phần lãnh đạo mới, trẻ trung hơn, tiến lên theo nhịp tiến của họ."

Nhấn mạnh khái niệm về sự tiếp nối trong hàng ngũ lãnh đạo chính trị Việt Nam, Giáo sư Thayer nói Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bước lên địa vị từ trong hàng ngũ, chứ không phải một nhân vật mới đến từ bên ngoài.

Giáo sư Thayer nói: "Đương kim Thủ Tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng là một nhân vật đã theo học* (understudy) vị Thủ Tướng tiền nhiệm, cá nhân ông này cũng từng học hỏi kinh nghiệm của vị Thủ Tướng đi trước ông. Thế cho nên, họ không phải là một nhân vật hoàn toàn mới được đưa vào chức Thủ Tướng, mà là một người đã tiến lên từ bên trong hàng ngũ, chẳng khác nào một người tiếp tục đi lên nấc thang lên bậc cao nhất, thay thế một nhà lãnh đạo lớn tuổi hơn khi ông này về hưu, để tiếp tục đeo đuổi những chính sách của người đi trước."

Nhận định về những thử thách chủ yếu mà Việt Nam sẽ phải đương đầu trong năm 2008, Giáo Sư Thayer nói có hai thử thách chính đối với giới lãnh đạo Việt Nam, đó là phân phối một cách công bằng thành quả của tăng trưởng kinh tế, và thứ hai là công lý cho mọi người. Giáo Sư Thayer giải thích hai điểm ấy như sau:

"Về điểm đầu tiên, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích tốt đẹp trong những cố gắng xóa đói giảm nghèo ở trong nước, thế nhưng hãy còn một số khu vực chưa thoát được các điều kiện hết sức khó khăn, lại còn có vấn đề xóa đói trong các cộng đồng sắc tộc thiểu số, những vấn đề này tiếp tục nổi cộm, và chúng cần phải được giải quyết."

Giáo sư Thayer nói: "Về điểm công lý cho nhân dân, ở Việt Nam hiện đang có một phong trào cổ võ dân chủ, và người ta đã thấy sự xuất hiện của một xã hội công dân."

Giáo Sư Thayer còn đề cập đến một số vấn đề mà ông cho là rất quan trọng ít được chú ý tới như: nạn ô nhiễm môi trường, nạn tham nhũng, nạn ùn tắc giao thông...

Giáo sư Thayer nói: "Ai nấy đều muốn đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, không ai chú ý đến khía cạnh phẩm chất của tăng trưởng, không ai nói tới nạn tham nhũng một cách thực sự nghiêm túc, trong khi những vấn đề đó sẽ tồn tại lâu dài. Sự thay đổi là ở chỗ: khi kinh tế khởi sự tăng trưởng cách đây nhiều năm, tinh thần người dân lên cao, giờ đây, họ đòi hỏi một cuộc sống có phẩm chất hơn, và đây là một khía cạnh mới của vấn đề."

Giáo sư Thayer tóm lược những thách thức lớn mà ông cho là Hà Nội cần phải giải quyết trong thời gian tới:

"Giải quyết các vấn đề liên quan tới công bằng kinh tế cho các nhóm thiểu số, giải quyết các đòi hỏi của những nhóm người muốn nới rộng quyền tự do ngôn luận, phát biểu ý kiến, nhiều quyền tự do tôn giáo hơn, những điều đó, và phẩm chất đời sống, đó là những thách thức quan trọng đối với chính quyền Việt Nam hiện nay."

Được hỏi về ý nghĩa của những hoạt động dân chủ ở trong nước mà trong thời gian qua đã khiến thế giới phải chú ý, chẳng hạn như hoạt động của khối 8406, Giáo Sư Thayer nhận định: không thể nào thay đổi cả một hệ thống trong một sớm một chiều, ông nói tiếp:

"Những hoạt động ấy có ý nghĩa nếu ta có một cái nhìn lâu dài, nhiều thập niên về sau. Khối 8406 là một mạng lưới có sự tham gia của hàng trăm, có thể tới một vài ngàn người, về mặt địa lý trải rộng trên khắp nước Việt Nam. Trong mạng lưới này có rất nhiều người thuộc thành phần chuyên nghiệp, có bằng cấp, và khối này đã bắt đầu có những tiếp xúc với nước ngoài, được hỗ trợ về tài chánh, về mặt đào tạo, và có sự đóng góp ý kiến cố vấn từ bên ngoài. Đó là một thay đổi về chất."

Giáo Sư Thayer nói các vấn đề nổi cộm hiện nay như những khiếu kiện đất đai, những cuộc đình công của công nhân lao động, và mới đây nhất những cuộc biểu tình chống Trung Quốc liên quan tới quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, là những vấn đề khác nhau nhưng có thể tương tác lẫn nhau, đã được giới lãnh đạo khối 8406 và những tổ chức khác chú ý đến và khai thác, và theo nhận định của Giáo Sư Thayer, các vấn đề vừa kể có tiềm năng huy động một khối lớn dân chúng. Tuy nhiên, Giáo Sư Thayer bày tỏ thái độ thận trọng với nhận xét sau đây:

"Tôi cho rằng có một tiềm năng, nhưng chưa thật sự hiển nhiên, để những lực ấy hiệp lại với nhau, tạo ra một khối lớn có tiềm năng mang lại thay đổi. Tôi xin nói rõ đây chỉ là một sự suy diễn, có thể một số quan chức lão thành đã về hưu và không mấy hài lòng với đà thay đổi hiện tại, hoặc về phẩm chất của sự thay đổi, có thể cung cấp một tiếng nói, một tiếng nói có tính chính đáng- cho những bất bình không được giải quyết lâu ngày trở thành bức xúc, đòi hỏi phải cởi mở xã hội và nhiều quyền dân chủ hơn ở trong nước."

Nhận định về vai trò cộng đồng người Việt hải ngoại đóng trong tiềm năng ấy, Giáo sư Thayer nói:

"Hà Nội muốn chúng ta coi một số người Việt ở nước ngoài như những kẻ khủng bố và phản động, thế nhưng quan điểm ấy quá xa rời thực tế và là một sự diễn giải sai lạc... Như tôi đã nói lúc nãy, có chứng cớ cho thấy người Việt ở nước ngoài đã gửi tiền bạc về nước, có chứng cớ là một số người Việt ở nước ngoài đã về Việt Nam mở các lớp đào tạo, hoặc cung cấp cơ hội đào tạo ở nước ngoài cho người Việt trong nước, như đưa họ sang Philippines hoặc Thái Lan, là những nơi có môi trường tự do hơn nhiều so với Việt Nam."

Giáo sư Thayer nói: "Trước đây nói chung các tổ chức người Việt ở hải ngoại là những nhóm chống cộng, theo nghĩa đối đầu. Bây giờ, tôi tin rằng đã có một sự thay đổi trong lối tư duy của các nhóm này... Lẽ dĩ nhiên, họ vẫn chống cộng, nhưng họ khuyến khích dân chủ, và đã tiếp xúc với một thành phần ở trong nước, với một thành phần mới người Việt trong nước, thế cho nên, tôi cho rằng có một tiềm năng, nhưng như tôi đã xác định, ngay bây giờ, khó có thể thay đổi chế độ hiện tại; nhưng nếu chúng ta nhìn vào 5 năm,10 năm sau, tôi tin rằng có tiềm năng rất lớn sẽ đưa đến những thay đổi tại đất nước Việt Nam."

Thưa quý vị, vừa rồi là những nhận định của Giáo Sư Carl Thayer liên quan tới những thành tích và thử thách đối với Việt Nam trong cuộc phỏng vấn dành cho ban Việt Ngữ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, trước khi ông sang Singapore trình bày một bài thuyết trình quan trọng về đề tài Việt Nam: Chính quyền Độc Đảng và sự Thách Thức của Xã Hội Công Dân.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống toàn bộ bài phỏng vấn do Hoài Hương thực hiện:

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG