Đường dẫn truy cập

Cựu phó Tổng thống Al Gore, Ủy ban LHQ đoạt giải Nobel Hòa Bình


Cựu phó Tổng thống Mỹ Al Gore và một Ủy ban của Liên Hiệp Quốc đã đoạt giải Nobel Hòa bình 2007 nhờ đóng góp của họ cho những nỗ lực giáo dục công chúng về hiểm họa trái đất nóng dần. Từ Stockholm, thông tín viên Kevin Billinghurst của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây:

Trong thông cáo công bố ngày hôm nay, Ủy ban Nobel Na Uy gọi ông Gore là 'một trong những chính khách bảo vệ môi trường hàng đầu thế giới'. Họ cũng nói thêm rằng Ủy ban Liên chính phủ về khí hậu thay đổi của Liên Hiệp Quốc đã 'tạo ra sự đồng thuận rộng rãi nhất về mối liên hệ giữa những hoạt động của con người với hiện tướng trái đất tăng nhiệt'.

Hàng ngàn khoa học gia và các giới chức đại diện cho hơn 100 quốc gia đã hoạt động trong Ủy ban này để nghiên cứu về nguyên do và tác động của hiện tượng khí hậu thay đổi. Các thẩm định và khuyến nghị của Ủy ban này dựa trên những kết quả nghiên cứu đã được công bố hoặc đã thông qua sự duyệt xét của các chuyên gia cùng ngành.

Ông Al Gore phục vụ ở quốc hội Mỹ từ năm 1977 đến năm 1993, và làm phó Tổng thống dưới thời ông Bill Clinton từ năm 1993 đến năm 2001. Khi ra tranh chức Tổng thống vào năm 2000, ông bị đương kim Tổng thống George W Bush đánh bại trong lúc có nhiều tranh cãi về kết quả kiểm phiếu. Sau khi rời khỏi chính phủ, ông Gore đã dồn hết thời giờ cho việc diễn thuyết về các vấn đề liên quan tới khí hậu và môi trường.

Năm 2006 ông sản xuất một phim tài liệu về vấn đề môi trường có tên là An Inconvenient Truth (Sự thật phũ phàng). Phim này đã đạt được giải Oscar.

Trước khi giải Nobel Hòa bình được loan báo, những người ủng hộ cho cuộc vận động để yêu cầu ông Gore ra tái tranh cử Tổng thống vào năm tới đã nói rằng việc được trao giảo Nobel sẽ khiến ông xem xét lại quyết định không ra tranh cử. Những lời yêu cầu này giờ đây chắc chắn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Ngay sau khi giải thưởng được công bố, các ký giả đã hỏi ông Ole Danbolt Mjos, Chủ tịch Ủy ban Nobel, về ý nghĩa chính trị của giải thưởng năm nay. Họ cũng nêu nghi vấn là phải chăng đây là một sự chỉ trích công khai đối với các chính sách về môi trường của Tổng thống Bush -- là người vẫn tỏ ý nghi ngờ về các cuộc thẩm định của Ủy ban liên chính phủ về khí hậu thay đổi và đã từ chối không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto. Ông Mjos đã trả lời như sau:

"Chúng tôi mạnh mẽ hậu thuẫn cho tất cả những phương thức dùng để đối phó với hiểm hõa trái đất nóng dần. Giải thưởng này sẽ mang lại cho tất cả mọi người -- tất cả các nhà lãnh đạo quốc gia, các chính khách, tất cả mọi người, một khí cụ để nhắc nhở với nhau về vấn đề là chúng ta có thể làm gì để giúp giải quyết tình hình hiện nay. Bởi vì cuộc chiến đấu này đòi hỏi sự tham dự của tất cả mọi người."

Giải Nobel Hòa bình có thể nói là giải thưởng cao quí nhất của thế giới, và Ủy ban Nobel Na uy thường dùng giải thưởng này để hỗ trợ cho các cá nhân và tổ chức có công trong cuộc chiến đấu chống lại những hiểm họa đương thời.

Những người Mỹ nhận được giải Nobel trong quá khứ gồm có: Tổng thống Theodore Roosevel năm 1906; lãnh tụ dân quyền Martin Luther King năm 1964; ngoại trưởng Henry Kissinger -- đoạt giải chung với ông Lê Đức Thọ của Việt Nam năm 1973; và cựu Tổng thống Jimmy Carter năm 2002.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG