Đường dẫn truy cập

Chính phủ Mỹ yêu cầu Quốc Hội chấp thuận thỏa thuận PNTR với Việt Nam


Chính quyền của Tổng Thống Bush đang kêu gọi Quốc Hội Mỹ chấp thuận cho Việt Nam được hưởng qui chế quan hệ mậu dịch bình thường vĩnh viễn. Phóng viên đài VOA Deborah Tate từ trụ sở Quốc Hội Mỹ tường thuật rằng chính phủ Mỹ yêu cầu Quốc Hội chấp thuận thỏa thuận thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam, trước khi Việt Nam có thể gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, gọi tắt là WTO.

Phó Đại Diện Thương Mại của Hoa Kỳ, ông Karan Bhatia nhận định rằng dự luật đang được cứu xét là một dấu mốc lịch sử khác trong một quá trình đã khởi sự cách đây hơn 15 năm khi Hoa Kỳ phục hồi các quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Hiệp định này đòi hỏi Hà Nội phải hạ các rào cản đối với nhiều sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu của Hoa Kỳ, trong khi đó Hoa Kỳ cũng sẽ phải cho Việt Nam được hưởng mức thuế quan như các nước thành viên khác của WTO.

Trong buổi điều trần trước Ủy Ban Tài Chính Thượng Viện, ông Bhatia kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ phê chuẩn hiệp định này trước khi Quốc Hội nghỉ họp vào tháng 8. Sau đây là lời ông Bhatia.

Chúng tôi tin rằng việc Việt Nam được nhận vào WTO sẽ có lợi cho về mặt kinh tế đối với Hoa Kỳ, và sẽ thúc đẩy việc thực hiện các cải cách ở Việt Nam và điều này sẽ hổ trợ cho các quyền lợi rộng rãi hơn của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á.

Dường như cả hai đảng trong Quốc Hội đều ủng hộ mạnh mẽ việc mở rộng các quan hệ thương mại đối với Việt Nam. Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Max Baucus đại diện bang Montana phát biểu như sau.

Giờ đã đến lúc thực hiện việc này, trước khi các nước khác như Trung Quốc chẳng hạn đã đi trước chúng ta, và đã hưởng các lợi lộc trước từ việc Việt Nam mở cửa thị trường.

Tuy nhiên một số người chỉ trích vẫn e ngại về vấn đề thành tích nhân quyền của Việt Nam.

Phó Trợ Lý Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Eric John thừa nhận về các quan ngại đó, tuy nhiên ông nói rằng có những bằng chứng cho thấy Việt Nam đã có tiến bộ trong vấn đề này. Ông John nhận định như sau.

Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế các quyền tự do cơ bản và phúc trình về nhân quyền trong năm 2005 của bộ Ngoại Giao đã xếp hạng thành tích nhân quyền của quốc gia này là không thỏa đáng. Song mặt khác, Việt Nam đã có một số tiến bộ trong vài lãnh vực. Trong 18 tháng qua, 18 tù nhân mà Hoa Kỳ xếp vào danh sách cần quan tâm đã được trả tự do.

Ông John cũng nêu các tiến bộ trong lãnh vực tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Các giới chức chính quyền Mỹ lập luận rằng cho Việt Nam hưởng qui chế PNTR sẽ giúp thúc đẩy chế độ pháp quyền và sự minh bạch tại nước này, và sẽ mang lại các cải thiện về tự do và nhân quyền hơn nữa.

Tuy nhiên các nhà chỉ trích cho rằng các chế độ bao cấp và lề lối kinh doanh thiếu công bằng của Việt Nam, đã gây thiệt hại cho công nghiệp vải sợi của Mỹ, và giờ chưa phải là lúc để dành cho Việt Nam các quan hệ thương mại bình thường.

Ông Augustine Tantilo, Tổng Giám Đốc của tổ chức American Trade Action Coalition, nói rằng việc chấp thuận cho Việt Nam được hưởng qui chế Qui Chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn sẽ lại lập lại chính sách giao thương không hoàn thiện cho phép Trung Quốc gia nhập WTO, trước khi nước này thực hiện những tiến bộ đầy đủ, trong việc chuyển từ nền kinh tế phi thị trường do nhà nước quản lý sang nền kinh tế thị trường tự do không bao cấp.

Chúng tôi tin rằng làm ngơ trước bài học kinh nghiệm này , và cho phép Việt nam trở thành thành viên trước khi nước này thực hiện tiến bộ quan trọng chuyển từ nền kinh tế do nhà nước quản lý sang nền kinh tế thị trường cởi mở hơn nhiều, là điều không khôn ngoan.

Tuy nhiên, các giới chức chính quyền Mỹ đã lập luận theo cách khác, họ nói rằng việc thiết lập các quan hệ bình thường với Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy các cải cách thị trường ở nước này.

Trong năm 2005 giao thương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lên đến gần 8 tỉ đô la.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG