Đường dẫn truy cập

Trò chơi điện tử giúp phát triển những kỹ năng đa dạng


Thanh thiếu niên Mỹ, tuổi từ 8 đến 18, mỗi ngày bỏ ra hơn 8 tiếng đồng hồ để tiếp xúc với các phương tiện truyền thông; từ việc nghe những bản nhạc được tải xuống từ Internet, trao đổi với bạn bè qua máy tính, đi tìm thông tin trên Internet, cho tới chơi các trò chơi điện tử. Có những em làm những chuyện này cùng một lúc, thay vì hết cái này rồi mới tới cái kia. Hiện tượng làm làm nhiều người quan tâm, nhưng cũng có nhiều người bảo rằng không có gì đáng lo ngại. Thông Tín Viên Faiza Elmasry của VOA có câu chuyện sau đây.

Những người quan tâm nói rằng nếu lớp thanh thiếu niên này tiếp xúc với quá nhiều phương tiện điện tử hiện đại như thế, các em sẽ không còn thì giờ cho những sinh hoạt thực tế, để phát triển và hoàn chỉnh óc sáng tạo và các kỹ năng khác. Nhưng cũng có các chuyên gia xem việc tiếp xúc với nhiều máy móc điện tử cùng một lúc, sẽ giúp các em có những kỹ năng đa dạng mà các em sẽ cần đến sau này khi ra đời để đi làm.

Nhiều người lớn không thể hiểu được tại sao trẻ con mê các trò chơi điện tử đến thế. Khi ta hỏi các em câu này, nhiều em thường trả lời rằng các em muốn đạt tới trình độ cao hơn.

Ông Marc Prensky, một người từng theo dõi hướng đi của các trò chơi điện tử từ gần 20 năm qua, xem chuyện các em chơi như vậy, trong thực tế là học đấy. Ông cho biết:

Đa số các trò chơi điện tử ngày nay đều được nối mạng với nhau. Các em chơi chung với nhau, dù không ngồi chung một địa điểm. Khi chơi chung như vậy, các em sẽ phát triển tính hợp tác, tính làm việc theo tinh thần đồng đội. Cách làm việc không ngồi cùng một chỗ với nhau như vậy, nhất định sẽ là một kỹ năng hữu dụng cho thế kỷ 21.

Ngoài ra ông còn nói rằng có vài trò chơi điện tử giúp các em phát huy thể lực, tương tự như tập thể dục.

Trong các trò chơi mang những cái tên như Dance hoặc Dance Revolution, ta phải có những bước nhảy theo nhịp, và nhảy trên một tấm trải có ghi những vị trí rõ ràng. Người chơi phải bước đúng nhịp và đúng vị trí trong tấm trải. Muốn thắng trong trò chơi này cũng phải đồ mồ hôi chứ không phải chơi. Có những trò chơi mà ta phải vận động cánh tay, cơ bắp hai bên ngực, và càng ngày ta càng thấy nhiều loại trò chơi như thế. Trong thực tế, đã có nhiều trường học mua các trò chơi này về cho học sinh chơi.

Trong cuốn sách viết về trò chơi điện tử của cho thanh thiếu niên, ông Prensky ghi nhận không phải là chuyện dễ, khi ta muốn đạt một cấp cao hơn và thắng cuộc; nhưng ông giải thích: chơi các trò chơi điện tử có nhiều thú vị, đi kèm với những kinh nghiệm học hỏi.

Rõ ràng là trẻ em học được cách làm một số công việc, ví dụ như làm thế nào vượt qua chướng ngại, dù biết rằng đó cũng chỉ là trò chơi. Các em cũng học cách làm cái gì. Bởi vì các luật lệ không đưa ra cho các em, mà các em phải biết đặt ra các luật lệ đó. Trẻ em cũng học được tại sao phải làm như vậy, và đây là phần khó của trò chơi. Các em học được nơi chốn của trò chơi, tức là bối cảnh của trò chơi. Khi nói đến trò chơi, ta muốn nói về một đề tài nào đó, có thể là người đến từ một hành tinh khác, có thể đó là một cuộc chạy đua cần phải thắng. Nhưng điều quan trọng nhất mà các em học được, là liệu có nên làm hay nên không làm một điều gì đó hay không. Ví dụ như trong khi chơi, ta có cơ hội lấy một gậy đập vào đầu một người nào đó, thì ta có nên làm hay không.

Hầu hết các trò chơi điện tử đều mang một cốt truyện nào đó, và ông Prensky nói rằng nhờ vậy, trí tưởng tượng của các em được mở mang.

Khi chơi trò chơi điện tử , ta trở thành một nhân vật nào đó. Hầu như trò chơi nào cũng vậy, ta phải hóa thân làm nhân vật đó, phải có dáng vẻ như thế nào, tính tình và đường nét như thế nào. Nói cách khác đó là vấn đề sáng tạo và tưởng tượng. Thành thật mà nói, tôi nhận thấy trong hầu hết các trường hợp, óc tưởng tượng thực sự là do người thiết kế trò chơi đặt ra. Nhưng ở đây, chưa chắc gì người thiết kế lại có nhiều óc tưởng tượng và có cơ hội học hỏi nhiều hơn những người chơi trò chơi đó.

Ông Mitch Resnick, Trưởng Ban Nghiên cứu về trẻ em tại trường đại học công nghệ MIT cho biết:

Khi trẻ em chơi trò chơi điện tử , mặc dù có tương tác theo cách này hay cách khác thì phần lớn vẫn chỉ là một loại tương tác thụ động. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng kinh nghiệm học hỏi tốt nhất của trẻ em chỉ có được khi chúng tham gia tích cực vào các khâu thiết kế, sáng tạo, và phát minh.

Ông Resnick nói rằng muốn có kinh nghiệm đó, trẻ em cần được huấn luyện theo kiểu tiếp cận thực tế với thế giới ngoài đời. Ông giải thích:

Khi ta đến thăm một nhà giữ trẻ, ta sẽ thấy trẻ con xây cầu, xây tháp bằng những phiến gỗ. Làm như vậy, chúng học được những cấu trúc, biết được cái gì làm cho mọi vật được dựng lên hoặc đổ xuống. Chúng vẽ bằng mực bôi vào những ngón tay, nhờ vậy chúng biết được cách thức màu sắc hòa trộn với nhau. Nhưng khi lớn hơn một chút, học các lớp cao hơn, chúng sẽ không còn cơ hội thiết kế giống vậy. Phần lớn thời giờ của chúng là dành để làm bài tập trên giấy, hoặc nghe các thầy cô nói. Ngay cả ngoài giờ học, khi ở nhà hay đến chơi ở các trung tâm cộng đồng , chúng không có nhiều cơ hội để thiết kế và sáng tạo những món giống như khi còn ở nhà trẻ.

Nhận được cảm hứng từ cách học hỏi của trẻ em, nhóm của ông Resnick đã soạn ra được những công nghệ mới, giúp trẻ em mọi lứa tuổi thiết kế và sáng tạo những món đồ chơi hoặc những trò chơi, để rồi qua đó các em sẽ phát huy thêm kỹ năng.

Trong phòng nghiên cứu, chúng tôi đã chế được những bộ xây dựng bằng robot, để khi sử dụng những bộ này, trẻ em có thể tạo ra những robot của chính mình, và soạn ra những phần mềm để kiểm soát thái độ của các robot. Chúng tôi thấy rằng trẻ em học hỏi nhiều hơn khi tạo ra robot cho chính mình, thay vì chỉ chơi với những robot mà người khác đã tạo ra.

Trên thị trường có bán những trò chơi điện tử mà người chơi có thể thiết kế và chế ra những nhân vật hoặc những khung cảnh theo ý mình. Tuy nhiên, ông Resnick nói, thời giờ vui chơi bên ngoài máy tính và các trò chơi điện tử, vẫn là một phần quan trọng đối với một tuổi thơ ấu được gọi là phát triển đầy đủ và tốt đẹp.

Không phải ý tôi muốn là xấu hoặc nguy hại khi trẻ em dành quá nhiều thời giờ để chơi trò chơi điện tử , nhưng quả thực là tôi lo khi thấy trẻ em quá bị thu hút, quá bị tập trung sự chú ý và năng lực, đến độ chúng không còn chú ý đến những thứ khác có tính cách sáng tạo và giàu óc tưởng tượng hơn.

Các công nghệ mới sẽ du nhập vào cuộc sống và công việc trong kế kỷ 21. Ông Resnick hy vọng rằng rồi đây sẽ có thêm công ty sản xuất loại phần mềm mới, giúp trẻ em dùng các công nghệ đó để tạo ra các trò chơi cho chính mình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG