Libya trục xuất cơ quan tỵ nạn Liên Hiệp Quốc

  • Lisa Schlein
Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn Liệp Quốc cho biết chính phủ Libya đã ra lệnh cho cơ quan này phải rời khỏi nước họ. Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn cho biết rất lấy làm tiếc về quyết định của Libya, nhất là khi Cao Ủy còn có rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và trợ giúp người tỵ nạn và những người muốn xin tỵ nạn hiện đang có mặt tại Libya.

Nữ phát ngôn viên của Cao Ủy Tỵ Nạn, bà Melissa Fleming, cho biết cơ quan này rất thắc mắc về quyết định của Libya và đang tìm cách thương thảo để có thể lưu lại nước này. Bà cho biết hy vọng là lệnh trục xuất chỉ có hiệu lực tạm thời.

Theo bà, sẽ có những hệ quả nghiêm trọng cho những người tỵ nạn và những ai muốn xin tỵ nạn nếu như Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc rời khỏi Libya. Bà cho biết Libya không có thủ tục để đăng ký cho người tỵ nạn. Bà nói:

”Cao Ủy Tỵ Nạn là hệ thống cứu giúp người tỵ nạn tại Libya, và nếu Cao Ủy không còn được hoạt động ở đó nữa thì sẽ để lại một khoảng trống cho hàng ngàn người tỵ nạn và những người muốn xin qui chế tỵ nạn đã có mặt ở Libya, và dĩ nhiên, là cả những thuyền nhân vẫn tiếp tục đều đặn đến Libya mỗi tuần.”

Hằng năm hàng ngàn di dân từ khu vực dưới sa mạc Sahara của châu Phi vẫn băng ngang qua Libya để tới châu Âu. Trong số những di dân và người tỵ nạn có rất nhiều người sử dụng tàu bè để đến nước Ý.

Phát ngôn viên Fleming cho hay Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc chống lại chính sách của nước Ý giao trả những người tìm cách đến được bến bờ của họ về lại Libya. Bà cho biết tiếp:

”Chúng tôi đã chỉ trích về lề lối đẩy người tỵ nạn trở về Libya. Tôi cho rằng tất cả mọi chính phủ châu Âu, dùng Libya như một nơi có thể tiếp nhận những người phải chạy trốn khỏi chiến tranh và sự ngược đãi, cần phải duyệt xét lại điều này thật cẩn thận nếu như Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc không còn hiện diện ở đây nữa.”

Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc có 26 nhân viên làm việc ở nước này, phần lớn đều là người Libya.

Phát ngôn viên Fleming nói rằng người ta không rõ có bao nhiêu người muốn xin tỵ nạn có mặt tại Libya.

Tuy nhiên theo bà cho biết thì cơ quan đã đăng ký cho chừng 9.000 người tỵ nạn. Hầu hết đều là người Palestine, kế tiếp là người Iraq, Sudan, Somali, Ethiopia và Eritrea.

Bà cũng cho biết phần lớn con số khoảng chừng 3.700 người muốn xin tỵ nạn ở đó đến từ Eritrea.