Việt Nam sau Đại hội Đảng: Tương lai nào cho nhân quyền

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Đại hội Đảng 13 ở Hà Nội hôm 1/2. Đại hội 13 được cho là "gia cố thêm chế độ độc đoán của Việt Nam trong 5 năm tới.

Với một dàn lãnh đạo ‘mới mà không mới’ vừa được lựa chọn tại Đại hội Đảng lần thứ 13, giới nhân quyền lo ngại một tương lai không mấy sáng sủa cho tự do ngôn luận và đấu tranh dân chủ tại Việt Nam

Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và tổ chức thành viên, Uỷ ban Nhân quyền Việt Nam (VCHR), hôm 1/2 nhận định rằng đại hội 5 năm một lần của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa kết thúc tại Hà Nội, đã “gia cố thêm chế độc độc đoán”, điều mà các tổ chức này cho rằng báo hiệu trong 5 năm tới người dân Việt Nam tiếp tục chịu “ách đàn áp nhân quyền.”

Đại hội Đảng lần thứ 13 kết thúc hôm 1/2 với việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu chọn tiếp tục lãnh đạo Đảng Cộng sản, cũng là đảng duy nhất đang cầm quyền ở Việt Nam, thêm 1 nhiệm kỳ nữa.

Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự dẫn dắt của ông Trọng, người đã giữ chức Tổng bí thư 2 nhiệm kỳ trước đó, tập trung vào chiến dịch chống tham nhũng, được truyền thông trong nước ca ngợi, trong những năm vừa qua. Sự dẫn dắt của Đảng cũng được khen ngợi trong việc giúp chính phủ khống chế hiệu quả đại dịch COVID-19 để Việt Nam có được một sự tăng trưởng kinh tế dương trong bối cảnh hầu hết thế giới rơi vào khủng hoảng.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, cùng với đó là sự gia tăng đàn áp nhân quyền của Đảng Cộng sản, đặc biệt trước thềm Đại hội 13.

Dàn lãnh đạo ‘mới’ vẫn như cũ và họ là những người chưa bao giờ ngừng tay chà đạp bất cứ ai dám khẳng định các quyền hiến định của mình.
Võ Văn Ái, chủ tịch VCHR


“Trong khi cộng đồng quốc tế ca ngợi chính phủ Việt Nam về cách ứng phó với đại dịch thì họ hoàn toàn không lên án cuộc đàn áp dữ dội đối với giới bất đồng chính kiến ôn hoà trong những năm vừa qua”, Tổng thư ký FIDH Adilur Rahman Khan nói trong tuyên bố đưa ra từ Paris, Pháp. “Sự im lặng của cộng đồng quốc tế đã khuyến khích Đảng Cộng sản tưởng thưởng giới lãnh đạo trong nước”.

Mặc dù năm 2020 chìm vào đại dịch, chính phủ Việt Nam đã bắt giam ít nhất 32 người vì hành xử ôn hoà quyền tự do ngôn luận và biểu đạt, theo FIDH và VCHR, cùng có trụ sở tại Paris. Cùng thời gian này 23 người khác bị đưa ra trước vành móng ngựa với các mức án lên đến 12 năm tù.

Những người bị kết án là các nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo, hay những người phê phán chính quyền. Hầu hết họ bị bắt giam hay cầm tù theo điều 117 vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước” hay điều 331 vì tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Có ít nhất 5 nhà hoạt động thuộc nhóm tôn giáo không được Nhà nước thừa nhận bị cầm tù chiếu theo điều 116 của BLHS vì tội “vi phạm đoàn kết dân tộc” và 11 người sắc tộc H’Mong bị kết án 8 năm tù đến chung thân theo điều 109 cũng của BLHS vì tội “lật đổ chính quyền,” theo thống kê của FIDH và VCHR.

Khuynh hướng đàn áp này, theo các tổ chức nhân quyền quốc tế, được tiếp tục cho đến ngày khai mạc Đại hội Đảng 13.

Dưới thời ông Trọng [lãnh đạo Đảng] tự do ngôn luận ôn hoà bị bóp nghẹt và những người thực hiện quyền hiến định của mình bị bắt bỏ tù rất đông. Số lượng tăng lên sau và trước [Đại hội Đảng] rất là nhiều và như thế có thể suy đoán rằng trong 5 năm tới còn gay gắt hơn nữa.
Nguyễn Quang A, Tiến sỹ và nhà đấu tranh dân chủ


Trong tháng 1 năm nay, đã có 4 người bị kết án, gồm 3 thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn, trong đó ông Dũng nhận bản án lên đến 15 năm tù. Sau đó không lâu, kỹ sư ngành nuôi trồng thuỷ sản Đinh Thị Thu Thuỷ bị kết án 7 năm tù vì tội “chế giễu” lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên mạng xã hội.

“Dàn lãnh đạo ‘mới’ vẫn như cũ và họ là những người chưa bao giờ ngừng tay chà đạp bất cứ ai dám khẳng định các quyền hiến định của mình”, Chủ tịch VCHR Võ Văn Ái nói trong thông cáo chung.

Nhân quyền còn ‘gay go’

Nhận định từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà đấu tranh dân chủ, cũng cho rằng với những lãnh đạo hầu hết là từ nhiệm kỳ trước được bầu lại vào Bộ Chính trị thì “tình hình nhân quyền dân chủ ở Việt Nam sẽ còn gay go lắm” trong 5 năm tới.

“Chúng ta có thể thấy dưới thời ông Trọng [lãnh đạo Đảng] tự do ngôn luận ôn hoà bị bóp nghẹt và những người thực hiện quyền hiến định của mình bị bắt bỏ tù rất đông”, TS Quang A nói. “Số lượng tăng lên sau và trước [Đại hội Đảng] rất là nhiều và như thế có thể suy đoán rằng trong 5 năm tới còn gay gắt hơn nữa”.

Cùng nhận định này, ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch, nói rằng ông không thấy được sự chấm dứt đàn áp tự do ngôn luận khi ông Trọng tiếp tục nắm quyền.

“Việc ông Nguyễn Phú Trọng, một người có lập trường cứng rắn, tái đắc cử có nghĩa là Đảng Cộng sản cầm quyền đang khẳng định thêm việc đàn áp những người ủng hộ dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam”, ông Robertson nói với New York Times. “Đại hội lần này cho thấy khả năng cải tổ trong chính trị ngày nay ít thế nào ở Việt Nam, quốc gia tiếp tục là một trong những chính phủ độc tài nhất ở Đông Nam Á”.

Việc ông Nguyễn Phú Trọng, một người có lập trường cứng rắn, tái đắc cử có nghĩa là Đảng Cộng sản cầm quyền đang khẳng định thêm việc đàn áp những người ủng hộ dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của HRW


Ông Trọng, sau khi tái cử chức tổng bí thư nhiệm kỳ 3, nói rằng ông tiếp tục nắm quyền vì phải “chấp hành nhiệm vụ đảng viên” mặc dù ông đã từng xin nghỉ. Trong buổi họp báo sau lễ bế mạch Đại hội 13 sáng ngày 1/2, ông Trọng, người đầu tiên giữ chức Tổng bí thư 3 nhiệm kỳ liên tiếp, nói ông “không được khoẻ lắm” và “tuổi đã cao” nhưng do “Đại hội vẫn bầu” nên ông, với tư cách là đảng viên, “phải chấp hành.”

Cũng giống như ông Trọng, các uỷ viên của Bộ Chính trị khoá 13 hầu hết là những gương mặt ‘cũ’ từ nhiệm kỳ trước đó, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người được cho là sẽ trở thành chủ tịch nước. Theo nhận định của The Diplomat, Bộ Chính trị khoá 13 sẽ vẫn “phản ánh dấu ấn” của ông Trọng, bao gồm “cuộc đàn áp tàn bạo gần đây của Đảng đối với những người bất đồng chính kiến”.

Cuộc “đàn áp tàn bạo” của Đảng trong những năm gần đây bao gồm việc áp dụng Luật An ninh mạng gây tranh cãi, mà giới nhân quyền cho là một công cụ hữu hiệu của chính quyền trong việc ngăn chặn hơn nữa tự do ngôn luận trên mạng, và buộc các mạng xã hội, như Facebook, phải kiểm duyệt thông tin người dùng theo yêu cầu của chính quyền Hà Nội.

Cuộc bố ráp đẫm máu của cảnh sát Hà Nội tại làng Đồng Tâm hồi đầu năm 2020 cũng được coi là một sự kiện đàn áp nhân quyền của Đảng. Ngoài ra trong những năm vừa qua, các cuộc biểu tình của người dân phản ứng trước khủng hoảng môi trường ở miền Trung hay chống lại việc các đặc khu kinh tế cũng đều bị chính quyền dập tắt.

Hiệp định thương mại tự do mà Nghị viện châu Âu thông qua với Việt Nam vào năm ngoái được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Nhưng ngược lại, Nghị viện châu Âu vào đầu năm nay đã phải thông qua 1 nghị quyết lên án những vi phạm nhân quyền rộng khắp ở quốc gia Đông Nam Á này ngay trước thềm Đại hội Đảng 13.

“Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định sự lãnh đạo lạm quyền trong 5 năm tới trong bối cảnh gia tăng đàn áp trong nước”, điều phối viên Claudio Francavilla của tổ chức Human Rights Watch nhận định trên Twitter và cho rằng "có quá nhiều ảo tưởng về việc tăng cường mối liên kết thương mại với Liên minh châu Âu sẽ mang lại những thay đổi và tiến bộ trong nhân quyền”.

Dù vậy, theo TS Quang A, giới hoạt động vì dân chủ và nhân quyền trong nước không vì thế mà nản lòng.

“Họ vẫn phải cố gắng đấu tranh một cách ôn hoà, một cách xây dựng và tìm cách khai quang trí”, TS Quang A nói và ông hy vọng họ phát triển được một xã hội dân sự một cách lành mạnh mà ông cho là “có lợi đất nước và cho bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam”.