Thượng nghị sĩ Dân chủ Harry Reid bày tỏ ủng hộ đối với thỏa thuận mà Mỹ cùng với 5 nước khác đạt được với Iran nhằm khống chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc tháo dỡ các biện pháp chế tài.
Trong thông cáo hôm qua, lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện gọi thỏa thuận này là ‘con đường tốt nhất để ngăn không cho Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân.’
Ủng hộ của ông Reid làm giảm khả năng các nhà lập pháp phe Cộng hòa trong Quốc hội có thể hội đủ số phiếu để ngăn chặn thỏa thuận mà họ cùng với Israel chỉ trích là để ngỏ quá nhiều cho chương trình hạt nhân của Iran trong khi tháo dỡ hàng tỷ đô la chế tài.
Thượng nghị sĩ Reid nói một phần sự ủng hộ của ông là do điều mà ông gọi là phe chống đối thiếu các giải pháp thay thế khả dĩ cho vấn đề.
Ông nói ‘Sẽ là một điều tưởng tượng nếu cho rằng nếu Quốc hội bác thỏa thuận này thì chính quyền có thể đơn thuần quay ngược lại và có được một thỏa thuận tốt hơn với Iran. Đây không phải là một sự chọn lựa mang tính thực tế và chúng ta không nên tưởng tượng như thế.’
Ông cũng nhấn mạnh quan điểm của ông rằng các cuộc thương lượng của Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, và Đức dẫn tới các điều khoản có thể giúp bảo vệ đồng minh Israel trước khả năng bị đe dọa bởi một quốc gia Iran trang bị hạt nhân.
Ông Reid nói: "Bảo đảm an ninh cho Israel đối với tôi là điều tối quan trọng. Tôi ủng hộ thỏa thuận này vì tôi tin đây là sự chọn lựa tốt nhất để ngăn bất kỳ chương trình hạt nhân nào của Iran và vì thế có thể bảo vệ nhà nước Israel".
Iran lâu nay nhất mực quả quyết chương trình hạt nhân của họ chỉ mang mục đích dân sự và không bao gồm chương trình vũ khí.
Các cuộc đàm phán quốc tế kết thúc giữa tháng 7 sau nhiều vòng thương lượng và nhiều lần triển hạn có mục đích làm sao cho chương trình hạt nhân của Iran mang mục đích hòa bình.
Thỏa thuận cắt giảm hoạt động hạt nhân của Iran để kéo dài thời gian Iran cần có để tiến tới chỗ có thể tạo một quả bom hạt nhân. Thỏa thuận cũng đe dọa sẽ áp đặt lại các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc vốn đã làm ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế Iran trong thập kỷ qua.
Trước khi đi đến một thỏa thuận chung cuộc, Quốc hội Mỹ yêu cầu Tổng thống Barack Obama cho các nhà lập pháp xem lại bất kỳ thỏa thuận nào trước khi nó chính thức có hiệu lực. Trong thời gian 60 ngày, nghĩa là trước ngày 17/9, Quốc hội phải biểu quyết tán thành hay bác bỏ các điều khoản, và quyết định xem có cho phép dỡ bỏ các biện pháp chế tài Iran mà Quốc hội đã ban ra, từ đó, hoàn tất các cam kết của phía Mỹ đối với Iran hay không.
Nhưng Tổng thống Obama đã cam kết sẽ dùng quyền phủ quyết nếu Quốc hội biểu quyết chống lại thỏa thuận này.
Lúc đó, Hạ và Thượng viện Hoa Kỳ có thể cố gắng vô hiệu hóa sự phủ quyết của Tổng thống, một việc hiếm xảy ra đòi hỏi phải đạt 2/3 số phiếu thuận ở cả Thượng lẫn Hạ viện.
Phe Cộng hòa chiếm đa số ở cả Thượng và Hạ viện Hoa Kỳ, nhưng không đủ lớn để có thể tự vô hiệu hóa sự phủ quyết của Tổng thống.
Để ngăn điều đó xảy ra, Tổng thống Obama cần sự ủng hộ của 34 Thượng nghị sĩ. Với Thượng nghị sĩ Reid vừa lên tiếng, ông Obama đã có được 27 Thượng nghị sĩ Dân chủ loan báo ủng hộ thỏa thuận vừa kể trong khi 15 người khác chưa công khai quan điểm.
Hai Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer và Robert Menendez cho biết sẽ biểu quyết chống lại thỏa thuận.
Tinh thế ở Hạ viện không rõ ràng bằng ở Thượng viện. Khoảng 1/3 dân biểu chưa công khai lập trường. Trong số những người đã tỏ rõ quan điểm có 16 dân biểu bên đảng Dân chủ cho biết sẽ không ủng hộ thỏa thuận. Các dân biểu Cộng hòa ở Hạ viện cần thêm ít nhất là 27 dân biểu Cộng hòa đứng về phe mình để đạt tới ngưỡng 2/3.
Quốc hội Mỹ sẽ tập trung bàn về thỏa thuận hạt nhân Iran khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ vào ngày 8/9 tới đây.