TQ chặn thí sinh Hoa hậu Thế giới Anastasia Lin vào vòng chung kết?

Thí sinh Canada dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới Anastasia Lin trong cuộc phỏng vấn tại tư gia ở Toronto. Cô Lin cho biết hiện cô vẫn chưa nhận được giấy báo tham dự vòng thi chung kết vào tháng tới diễn ra ở khu du lịch Tam Á ở Trung Quốc, sau khi cô lên tiếng về vấn đề nhân quyền.

Anastasia Lin, thí sinh Canada dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới là người gốc Trung Quốc. Cô Lin nói hiện cô vẫn chưa nhận được giấy báo tham dự vòng thi chung kết vào tháng tới, sau khi cô lên tiếng về vấn đề nhân quyền.

Cô Annastasia Lin, 25 tuổi, là một diễn viên và nghệ sĩ dương cầm, tốt nghiệp đại học Toronto. Cô cáo buộc các giới chức Trung Quốc đang đàn áp cha cô và ngăn cô đến tham gia vòng chung kết của cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức tại nước này. Cô Lin cũng là người theo Pháp Luân Công, một giáo phái bị cấm và bị đối xử như tội phạm ở Trung Quốc. Cô Lin giành được vương miện Hoa hậu Thế giới Canada vào tháng 5.

Không giống như những thí sinh khác, cho tới nay cô Lin vẫn chưa nhận được giấy mời tham dự vòng chung kết diễn ra ở khu du lịch Tam Á vào ngày 19/12 tới, nên cô không thể nộp đơn xin visa được.

“Những thí sinh khác, một số người nói với tôi họ nhận được từ ngày 30/10, tức 10 ngày trước, và bây giờ chỉ còn khoảng 10 ngày là đến hạn chót xin visa. Do đó nếu đến ngày 20/11 mà tôi không có visa thì tôi không thể đến dự chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới được. Tôi sẽ tự động tôi bị loại khỏi cuộc thi”.

Cô Lin cho rằng việc trì hoãn cơ hội nhận visa của cô có thể do những lần cô lên tiếng về những vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc trước đây.

Lần gần đây nhất là hồi tháng 7 khi cô ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về vấn đề đàn áp tôn giáo tại Trung Quốc. Trong bài phát biểu đăng trên trang web của Ủy ban Hành pháp-Quốc hội về vấn đề Trung Quốc, cô Lin nói cô “muốn lên tiếng cho những người ở Trung Quốc đang bị đánh đập, bị thiêu và chích điện vì kiên quyết giữ niềm tin của họ”.

“Tôi quan tâm tới những vấn đề nhân quyền từ rất lâu trước khi tôi nghĩ tới chuyện thi sắc đẹp”, cô Lin nói với Reuters.

“Nếu họ có thể buộc tôi im lặng bây giờ, tôi sẽ không bao giờ có cơ hội lên tiếng lần nữa bởi vì họ biết thủ đoạn này có hiệu quả với tôi và tôi sẽ tuân theo họ. Cho nên khi càng có nhiều sự chú ý của quốc tế thì cha tôi càng được bảo vệ, tôi nghĩ thế”.

Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, khi được hỏi về trường hợp của cô Lin, đã trả lời rằng ông “không biết về trường hợp này”.
Trong khi đó, các giới chức trong ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới chưa lên tiếng bình luận gì.

Một giới chức của Bộ Ngoại Giao Canada nói với Reuters rằng Ottawa biết trường hợp của cô Lin nhưng không thể bình luận về những quyết định về visa của Trung Quốc, nhưng việc cổ xúy nhân quyền vẫn là ưu tiên trong mối quan hệ của Canada với Trung Quốc.

Cô Lin đến Canada cùng với mẹ khi cô 13 tuổi. Cô nói các giới chức Trung Quốc đã liên lạc với cha cô sau khi cô giành chiến thắng trong cuộc thi ở Canada và khiến cho dư luận chú ý về chiến dịch chống lại sự đàn áp của Trung Quốc đối với người Phật giáo Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công. Cô Lin cho biết:

“Vài ngày sau[khi thắng giải], ông ấy[cha cô Lin] gửi tin nhắn cho tôi nói ‘Con phải dừng những công việc về nhân quyền ngay lập tức, nếu không, gia đình ta sẽ bị tấn công’, giống như trong cuộc cách mạng văn hóa. Cha tôi cho biết nhân viên an ninh đã đến gặp ông ấy”.

Pháp Luân Công bị cấm ở Trung Quốc kể từ năm 1999 sau khi hàng ngàn thành viên tập trung tại khu vực trung tâm Bắc Kinh để biểu tình phản đối Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhóm này cho biết hơn 3.300 học viên Pháp Luân Công đã bị chết trong tù hoặc bị tra tấn trong cuộc đàn áp kéo dài cả thập niên.

Nguồn: Reuters, The Global and Mail.

Your browser doesn’t support HTML5

Truyền hình vệ tinh VOA 12/11/2015