Những lời khai của bà Trương Mỹ Lan trước tòa về chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhằm giúp bà thâu tóm ngân hàng SCB ‘cần phải được xác minh thêm’, một chuyên gia tài chính-ngân hàng từ trong nước nói với VOA.
Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đang hầu tòa kể từ ngày 5/3 với cáo buộc rút ruột ngân hàng SCB với số tiền thiệt hại ước tính lên đến 500.000 tỷ đồng, tương đương 20 tỷ đô la Mỹ, trong đại án kinh tế lớn nhất lịch sử Việt Nam từ trước đến nay.
‘Làm theo chỉ đạo’
Cáo trạng của bên công tố cho rằng bà Lan đã tìm cách sở hữu đến 91,5% cổ phần của ngân hàng này trong khi luật pháp quy định một cá nhân hay tổ chức không được sở hữu quá 5%. Từ đó, bà đã khuynh loát và lũng đoạn toàn bộ hệ thống SCB và biến ngân hàng này thành công cụ phục vụ lợi ích của bà và tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Tuy nhiên, trong lời khai trước tòa hôm 11/3 được báo chí trong nước dẫn lại, bà Lan nói rằng sở dĩ bà thâu tóm cổ phần SCB là để ‘thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước’ về việc phải làm sao sát nhập được ba ngân hàng yếu kém ‘bằng mọi giá’.
Ngân hàng SCB ra đời vào ngày 1/1/2012 trên cơ sở hợp nhất ba ngân hàng yếu kém là Ngân hàng Sài Gòn, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ nhất dưới vai trò chủ đạo của bà Lan.
“Ngân hàng Nhà nước nhờ tôi phải đi kêu gọi bạn bè đầu tư, để làm sao phải nắm số cổ phần trên 65% nhóm này góp tiếng nói cùng bị cáo để hợp nhất thành công,” bà Lan nói trong lời khai trước Tòa được Tuổi Trẻ dẫn lại.
Bà cũng khai rằng mặc dù bà không hiểu biết về lĩnh vực ngân hàng nhưng bà vẫn được các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khi đó động viên đứng ra làm việc hợp nhất vì bà ‘có tiếng nói, có uy tín’ và có tài sản để đưa vào cơ cấu ngân hàng.
Bà Lan, vốn là một tiểu thương ở Chợ Lớn trước khi trở thành tỷ phú bất động sản, cho biết bà đã đổ nhiều tiền của vào để vực dậy SCB trong giai đoạn đầu vì ‘tài sản của SCB lúc đó rất xấu’ và phải ‘chịu áp lực trả 20.000 tỷ đồng khoản vay để tái cơ cấu cho Nhà nước’, theo tường thuật của VnExpress.
Chính vì vậy mà ‘toàn bộ tài sản’ của bà Lan hiện giờ ‘đều ở SCB’ và ‘cả gia tộc họ Trương của bà đều nợ nần, cũng theo lời khai của bà trước Tòa được Tuổi Trẻ dẫn lại.
Bà Lan cho rằng bà nhảy vào SCB ‘không phải vì tham tiền mà vì muốn cứu SCB’. Nhưng bà bị Bộ Công an cáo buộc chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng của SCB thông qua các hồ sơ vay vốn khống. Theo truyền thông trong nước, số tiền lãi của số tiền chiếm đoạt lên đến 130.000 tỷ đồng và bà còn bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ đồng do vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
‘Cần có bằng chứng’
“Nếu lời bà Lan khai [thâu tóm cổ phần theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước] là đúng thì Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản chính thức cho phép bà ấy được sở hữu cổ phần vượt quy định,” Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng người Mỹ gốc Việt hiện đang làm việc ở Hà Nội, phân tích với VOA.
Ông cho rằng ‘Ngân hàng Nhà nước có quyền làm chuyện đó’.
“Còn nếu không có quyết định chính thức của Ngân hàng Nhà nước thì bà Lan đã làm sai,” ông nói thêm.
Theo ông Hiếu, để xác minh lời khai của bà Lan thì cần phải có sự đối chất của bà với các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vào thời điểm bà Lan đứng ra sáp nhập ba ngân hàng.
Khi được hỏi một cá nhân có cần phải có cổ phần chi phối để có thể đứng ra thành lập một ngân hàng mới hay không, ông Hiếu, vốn có kinh nghiệm làm việc trong ngành ngân hàng nhiều năm ở Mỹ, nói rằng ‘trên nguyên tắc là không’.
“Khi ba ngân hàng sáp nhập, hội đồng quản trị và ban quản lý của ba ngân hàng cũ cần thống nhất với nhau để có một cơ chế làm việc và bộ máy điều hành phù hợp để đưa ngân hàng vào quỹ đạo mới,” ông giải thích.
“Việc sáp nhập dưới trướng của một người là không cần thiết. Nó còn có thể dẫn đến tập quyền và độc quyền, đi ngược lại luật Tổ chức Tín dụng là quyền lực trong Hội đồng quản trị cần được phân bổ ra,” ông nói thêm.
Tuy nhiên, trong lời khai trước Tòa, bà Lan cho rằng tình hình ba ngân hàng trước khi sáp nhập ‘rất hỗn loạn’ với nhiều cổ đông chống đối nên bà phải đứng ra thâu tóm cổ phần mới thực hiện được việc sáp nhập.
Bà Lan cũng khẳng định trước Tòa rằng bà ‘không làm trái luật’ khi số cổ phần mà bà nắm giữ ở SCB chỉ có 4,9% – dưới ngưỡng 5% – chứ không phải đến 91,5% theo như cáo trạng.
Theo tường thuật của Tuổi Trẻ thì bà Lan khai rằng bà ‘chưa bao giờ xác nhận tỷ lệ sở hữu cổ phần của SCB trên 90%’. Tuy nhiên, bà thừa nhận hai con gái của bà nắm giữ mỗi người gần 5% còn tất cả thành viên trong gia đình bà nắm giữ dưới 15% trong khi bạn bè trong nước của bà nắm 30% và bạn bè ở nước ngoài có 30% cổ phần.
Tiến sỹ Hiếu nhìn nhận rằng tỷ lệ sở hữu cổ phần trên giấy tờ của bà Lan ‘không trái luật’.
“Nhưng nếu bà ấy có những người thân quen và những người đó sở hữu lượng cổ phần rất lớn, mang tính khuynh đảo mà không báo cho ngân hàng Nhà nước thì đó là việc trái quy định,” ông phân tích.
‘Ngân hàng là của tôi’
“Vấn đề SCB là một trường hợp điển hình về sự thao túng ngân hàng của các đại gia trong ngành bất động sản,” ông Hiếu bình luận về việc bà Lan nhảy từ bất động sản sang làm ngân hàng dù bà khai nhận ‘không biết gì về ngân hàng’.
Ông Hiếu cho biết khi ông về làm việc ở Việt Nam cách nay 15 năm, ông đã nhận thấy tình trạng ‘các đại gia bất động sản gia nhập hệ thống ngân hàng một cách mạnh mẽ’.
“Họ có thực lực tài chính rất mạnh nên xâm nhập vào ngân hàng và giữ các chức vụ lãnh đạo,” ông cho biết.
Từ đó, theo lập luận của ông, những ông, bà chủ ngân hàng xuất thân từ giới bất động sản này đã quên rằng sứ mạng của ngân hàng ‘là phục vụ cho đại chúng’ chứ ‘không phải làm công cụ cho một nhóm lợi ích’.
“Hình như những người làm ngân hàng ở Việt Nam mang ý thức rằng ngân hàng là của tôi, tôi muốn làm gì thì làm. Từ nhận thức sai lầm họ đã đi đến hành động sai lầm,” ông nói.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Hiếu bày tỏ hy vọng Đạo luật các Tổ chức Tín dụng sửa đổi vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7 tới ‘sẽ chống lại sự khuynh đảo của các nhóm lợi ích đối với ngân hàng’.
Theo ông, luật mới có quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ cổ phần, quy định về việc cho vay cũng như trách nhiệm của Hội đồng quản trị.
Ông Hiếu cũng bày tỏ quan ngại về việc các luật không được thi hành nghiêm ở Việt Nam và nhấn mạnh rằng việc các ngân hàng bắt buộc phải khai báo ‘thành khẩn nhất’ về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cá nhân, tổ chức cùng các bên liên quan của họ, nếu không sẽ bị tước giấy phép hoạt động.
Bình luận về lời khai của bà Lan rằng do bà đã đổ tài sản rất nhiều vào SCB nên tài sản của SCB cũng là của bà và ‘không có chuyện’ bà ‘chiếm đoạt tài sản của chính mình’, ông Hiếu nói rằng ‘lập luận như vậy là sai’.
Ông dẫn ra quy định cho phép ngân hàng có thể huy động vốn gấp 11 lần vốn sở hữu và tất cả số vốn này đều được coi là tài sản của ngân hàng, cho nên bà Lan không thể cho rằng bà có quyền đối với tài sản của ngân hàng bao gồm vốn huy động của người gửi tiền hay số dư nợ cho vay.