Người Việt tại Châu Âu hỗ trợ đồng hương tị nạn từ Ukraine

Những người tị nạn từ Ukraine đứng chờ trước tại một điểm quyên góp ở Dresden, Đức, ngày 20 tháng 3 năm 2022.

Người Việt khắp nơi ở châu Âu bằng cách này hay cách khác đang dang tay trợ giúp đồng hương lánh nạn từ Ukraine giữa lúc cuộc xâm lược của Nga đến nước này chưa có dấu hiệu kết thúc.

Tính từ khi chiến sự nổ ra từ 24/2 cho đến nay, hơn 3 triệu người Ukraine đã rời khỏi đất nước, hàng ngàn trong số này là người gốc Việt. Sau khi Đức và Liên minh châu Âu (EU) quyết định tiếp nhận và cấp quy chế bảo vệ tạm thời dành cho người sơ tán từ Ukraine sang, dòng người sơ tán – trong đó có nhiều người Việt – đã nhanh chóng đến Đức.

Hỗ trợ tìm việc làm và trợ giúp làm giấy tờ tị nạn là những hành động có ý nghĩa thiết thực và quan trọng trong thời điểm này.

Ông Chu Quốc Cường ở Dresden, Đức, nói với VOA về sự hỗ trợ của ông và doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà hàng sushi nơi ông đang làm việc:

“Chúng tôi cũng muốn hỗ trợ để họ có việc làm. Chúng tôi tạo điều kiện cho họ làm việc cho công ty, lo chỗ ăn, chỗ ở, giấy tờ, giấy phép lao động... nếu họ muốn ở lại Đức lâu dài.”

“Sau này khi họ đã đi làm, có lương thì sẽ tiếp tục hỗ trợ tìm nhà cho họ, họ có thể đứng tên cái nhà đó và ở lại Đức lâu dài. Công ty của chúng tôi thống nhất là vài ba tháng đầu tiên thì công ty sẽ hỗ trợ trả tiền nhà cho họ, chứ họ không phải trả tiền nhà.”

Trong tuần qua có đến 200.000 người từ Ukraine sang Đức tị nạn và chính phủ Đức cũng lập hẳn một trang web hỗ trợ và tiếp nhận người tị nạn. Thông Tấn Xã Việt Nam tại Đức cho biết trong số này có rất nhiều người Việt.

Truyền thông Việt Nam cho biết người Việt sơ tán sang Đức chủ yếu đi thành các nhóm nhỏ dưới 20 người, vào Đức bằng tàu hoặc phương tiện cá nhân.

Được biết khi người tị nạn được tiếp nhận, họ được chính phủ Đức chấp thuận cho tạm trú khoảng 90 ngày, sau đó sẽ được cấp thẻ cư trú tạm thời từ 1-3 năm, và sau đó có thể chọn ở lại Đức hoặc chuyển sang các nước khác ở châu Âu.

Nhóm Nhịp Cầu Sinh Ngữ, một mạng lưới giáo dục cộng đồng, đang tổ chức các lớp dạy tiếng Đức online miễn phí cho cả người lớn và trẻ em Việt Nam từ Ukraine sang tị nạn, giúp họ tận dụng thời gian rảnh rỗi trong trại tị nạn muốn học gấp tiếng Đức để có thể sớm hoà nhập cuộc sống mới.

Nhóm này cũng cung cấp các khóa huấn nghiệp đào tạo nghề miễn phí, lo ăn ở cho kiều bào Ukraine lánh nạn tại Đức.

Your browser doesn’t support HTML5

Người Việt ở Ba Lan hỗ trợ đồng hương tị nạn từ Ukraine

Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương trượng chùa Viên Giác ở Hannover, chia sẻ với VOA rằng các phật tử tại chùa nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ Đức để hỗ trợ cho người tị nạn từ Ukraine:

“Tại chùa Viên Giác trong thời gian vừa qua, chúng tôi giúp thức ăn, thực thẩm. Các tổ chức tình nguyện từng nhóm khác nhau nhận lãnh áo quần, bánh kẹo, nước uống...chùa mang một số vật phẩm như vậy cung cấp cho họ. Mỗi 2-3 thì xe hồng thập tự của Đức sẽ chở đi.

“Phật tử cũng gửi về tài khoản của chùa để đóng góp. Chùa cũng gây quỹ bữa ăn xã hội, kêu gọi trên mạng để phật tử đóng góp. Sau đó chùa gửi qua số tài khoản của chính phủ Đức.”

Hòa thượng Thích Như Điển cho biết rằng ngài vừa tiếp xúc với một nhóm bốn người Việt từ Ukraine sang Đức và đang hỗ trợ họ tìm nơi lưu trú tại một cơ sở tị nạn của chính phủ Đức cách chùa Viên Giác không xa.

Ngoài ra, phật tử Việt Nam tại Đức cũng quyên góp vật phẩm và tiền để hỗ trợ cho người Việt đang tá túc tại chùa Nhân Hòa, Ba Lan, nước láng giềng với Ukraine.

“Chùa Nhân Hòa ở Przyszlosci, Ba Lan, họ đón người Việt vượt biên giới từ Ukraine sang. Họ ở đó hàng mấy trăm người.

“Một số người ở Đức cũng gửi thẳng tiền, quà qua chùa Nhân Hòa để giúp cho người Việt đang ở tại chùa.”

XEM THÊM: Hòa Thượng Thích Như Điển được trao tặng Huân Chương Danh Dự của Đức

Hòa thượng Thích Như Điển, đồng thời là chánh Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, người vừa được chính phủ Đức trao huân chương danh dự, chia sẻ thêm với VOA:

“Tại Âu châu có rất nhiều chùa đang quyên góp như vậy, như chùa Khánh Anh ở Pháp, chùa Đôn Hậu ở Na Uy...hầu hết là các chùa trong Giáo hội Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Linh Sơn, Làng Mai.

“Các tổ chức và cá nhân thấy nỗi khổ của người dân Ukraine cũng giống như của người Việt Nam thời điểm chiến tranh 1975 nên họ rất động lòng và ai cũng phát tâm bằng hình thức này hay hình thức khác.”

Trước đó, hôm 12/3, một bản lên tiếng của các Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc và New Zealand, Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada đồng thanh kêu gọi quân đội Nga “lập tức ngưng ném bom và bắn hỏa tiễn vào Ukraine, rút toàn bộ binh lính ra khỏi đất nước Ukraine”.

Bản lên tiếng cho biết: “Dù viện dẫn bất kỳ lý do nào, sự việc đưa quân đội vào một đất nước khác, ném bom vào lãnh thổ nước khác, chúng tôi đều xem là hành vi xâm lăng, vi phạm Chương I, về mục đích và nguyên tắc của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.”