Hôm 26/3, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nói rằng việc vị chủ tịch nước thứ nhì từ chức trong vòng chưa đầy một năm qua ở đất nước do cộng sản cai trị sẽ không ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế và đối ngoại của Hà Nội, do nước này có cơ chế lãnh đạo và hoạch định chính sách tập thể, theo tin của Reuters.
Khi được hỏi trong chuyến thăm Hoa Kỳ về việc ông Võ Văn Thưởng từ chức vào tuần trước, Ngoại trưởng Sơn nói tại Viện Brookings ở thủ đô Washington rằng Việt Nam đang thực hiện một chiến dịch chống tham nhũng được cộng đồng quốc tế và các doanh nghiệp hoan nghênh.
Ông nói: “Tôi nghĩ việc chủ tịch nước từ chức ở Việt Nam không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại cũng như chính sách phát triển kinh tế của chúng tôi”.
“Nếu quý vị nhìn vào tình hình ở Việt Nam, chúng tôi có sự lãnh đạo tập thể, chúng tôi có chính sách đối ngoại tập thể. Chúng tôi có sự phát triển kinh tế do tập thể quyết định”.
Ông Sơn viện dẫn các sự kiện đại hội Đảng Cộng sản được tổ chức 5 năm một lần, nơi các kế hoạch phát triển kinh tế được đề ra và thống nhất giữa các lãnh đạo đảng. “Và tôi nghĩ (nếu) một hoặc hai nhân vật trong ban lãnh đạo từ chức, điều đó cũng không làm thay đổi tình hình”.
Ông Sơn, người đã hội đàm tại Washington hôm 25/3 với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power, nói rằng Việt Nam hy vọng Washington sẽ sớm công nhận đất nước này là nền kinh tế thị trường.
Hoa Kỳ hiện coi Việt Nam là một “nền kinh tế phi thị trường” trong các vụ kiện về thiệt hại do nhập khẩu gây ra, điều này có thể dẫn đến mức thuế chống bán phá giá cao hơn đáng kể và đại sứ Việt Nam tại Washington đã cảnh báo trong năm nay rằng việc duy trì các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Việt Nam là không tốt cho mối quan hệ song phương đang ngày càng chặt chẽ. Ông Sơn cho rằng Hoa Kỳ và Việt Nam nên tăng cường hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư sau khi hai bên thống nhất Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm ngoái.
Ông nói: “Chúng ta nên tập trung vào khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, kết nối cơ sở hạ tầng, nền kinh tế kỹ thuật số, năng lượng, nền kinh tế xanh và hậu cần”.
Việc ông Thưởng từ chức đã đặt ra nghi vấn về sự ổn định ở Việt Nam, vì ông chỉ mới được bầu vào chức vụ này vào năm ngoái sau khi người tiền nhiệm bất ngờ bị miễn nhiệm.
Với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lũy tiến cao hơn tổng sản phẩm quốc nội, sự ổn định của Việt Nam là rất quan trọng đối với các công ty đa quốc gia có hoạt động lớn tại trung tâm sản xuất Đông Nam Á này, bao gồm cả công ty Apple của Mỹ, bản thân hãng này cũng có nhiều nhà cung cấp chính cùng ở trong Việt Nam.
Các nhà phân tích nói rằng sự ổn định đó, vốn đã được đảm bảo trong nhiều thập kỷ qua bởi một nhà nước do Đảng Cộng sản kiểm soát chặt chẽ, giờ đây có vẻ kém chắc chắn hơn, mặc dù họ đồng ý rằng những thay đổi lãnh đạo hiện tại sẽ không ảnh hưởng đến các chính sách quan trọng của đất nước, bao gồm cả chính sách “ngoại giao cây tre” nhằm mục đích giữ cân bằng mối quan hệ tốt đẹp với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc.
Ông Sơn phát biểu rằng Việt Nam tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các cường quốc và hoan nghênh những nỗ lực đang diễn ra nhằm ổn định quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.