NASA: Vẫn còn đủ thời giờ theo dõi dữ liệu mực nước biển dâng cao

Giám đốc NASA Charles Bolden tại Bangkok ngày 28/8/2015.

Các khoa học gia tại Cơ quan Quản trị Không gian và Hàng không Quốc gia Hoa Kỳ nói nước tăng nhiệt và băng tan có nghĩa là điều khá chắc chắn rằng đến năm 2100, hành tinh bị rơi vào tình trạng mực nước biển dâng thêm 1 mét. Thông tín viên VOA Steve Herman ở Bangkok nói chuyện với giám đốc cơ quan NASA về cuộc khảo cứu mới và về cách thức giúp cho châu Á giảm thiểu tác động về biến đổi khí hậu.

Giám đốc NASA Charles Bolden thừa nhận lời tiên liệu nghe có vẻ “chắc chắn và đáng lo ngại”, nhưng đó là kết quả của nhiều chục năm cơ quan không gia đã dành ra để tìm hiểu sự biến đổi khí hậu và các ảnh hưởng của việc sử dụng ồ ạt các nhiên liệu carbon.

“Chúng ta vẫn còn thời giờ để xoay chuyển tình thế nếu chúng ta chú ý đến những gì dữ liệu nói lên”.

Dữ liệu đặc biệt quan trọng đối với châu Á, nơi hơn 150 triệu người sống trong vòng 1 mét gần mực nước biển.

Thứ Hai tới đây tại thủ đô Thái Lan, người đứng đầu NASA sẽ phát động, phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Chuẩn bị Thiên tai châu Á (ADPC), một dự án dữ liệu địa lý không gian kéo dài 5 năm cho khu vực có tên là SERVIR - Mekong.

Ông Bolden nói với Đài VOA dự án sẽ có lợi cho người dân Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

“Dự án sẽ cung cấp cho các nước này 30 năm kho dữ liệu khoa học về trái đất cùng với những dữ liệu thực tế hàng ngày từ các vệ tinh quan sát địa cầu”.

Việc này sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách và nông dân các phương cách để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và giúp vạch kế hoạch về hạn hán và lũ lụt cũng như những kế hoạch trong trường hợp thiên tai và kế hoạch cứu trợ.