Kinh tế gia, doanh nghiệp Thái Lan thảo luận về mức lương tối thiểu

Pope Francis prays in front of the Western Wall in Jerusalem's Old City, May 26, 2014.

Thái Lan đã áp dụng lương tối thiểu cho cả nước quy định mức lương ngày là gần 10 đôla. Mặc dù công nhân khắp nước hoan nghênh khoản thu nhập cao hơn, một số doanh nghiệp đã sa thải nhân viên và than phiền không đủ điều kiện để trả lương cho họ.

Một chính sách tăng mức lương tối thiểu toàn quốc ở Thái Lan đã là cương lĩnh chủ chốt của đảng Pheu Thai đương quyền của thủ tướng Yingluck Shinawatra trước cuộc tổng tuyển cử năm 2011.

Mức lương tối thiểu toàn quốc đánh dấu một sự khác biệt rõ ràng với các chính sách về lương hướng trước đây quy định mức lương ngày thấp hơn cho những khu vực tỉnh và mức lương cao hơn cho những khu vực công nghiệp hóa hơn gần thủ đô Bangkok.

Kể từ khi có hiệu lực vào ngày 1 tháng giêng năm mới, Bộ Lao động Thái Lan cho hay đã có tới 2 ngàn 500 người bị mất việc.

Ông Chiwat Withit-Thammawong, chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái của các tỉnh Tak ở tây bắc Thái Lan, gần biên giới giáp với Miến Ðiện, cho biết vụ tăng lương đã đưa đến việc một số nhà máy phải đóng cửa.

Ông Chiwat nói các công nghiệp cấp tỉnh đã phải tăng mức lương lần đầu từ 5 đôla 40 xu lên tới 7 đôla 44 xu hồi năm ngoái, và nay lại tăng lên mức cao hơn là 9 đôla 87 xu.

Doanh nghiệp ở tỉnh Tak phần lớn tập trung vào các công nghiệp dệt may và đồ gốm sứ, mà có tới 80% những người được tuyển dụng là nữ.

Ông Supavud Saicheua, giám đốc điều hành một cơ sở kinh doanh Patra Securities, nói nhiều phụ nữ trong các công nghiệp như dệt may dễ bị thất nghiệp nhất là vì cạnh tranh ngày càng nhiều từ phía các nhà sản xuất với tổn phí thấp hơn như Cambodia. Các công nghiệp này được gọi là “hoàng hôn” vì triển vọng công ăn việc làm ngày càng lu mờ. Ông nói:

“Ðiều đáng buồn là những người này biết mình là hoàng hôn và có lẽ đang tìm cách tái cấu trúc và cố gắng dời cư, việc tăng lương này có thể thúc nhanh hơn ngày tàn của họ. Nhưng lúc đó, ta sẽ phải tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu các công ty này sử dụng phụ nữ trung niên thực sự không có kỹ năng nào khác mà lại bị sa thải.”

Ông Supavud nói việc tăng lương diễn ra vào lúc các công ty còn đang phục hồi sau vụ lụt năm ngoái và một nền kinh tế toàn cầu trì trệ.

Nhưng nhà kinh tế chính trị tại trường đại học Chulalongkorn, Pasuk Phongpaichit nói rằng lương hướng ở Thái Lan lâu nay vẫn đứng yên bất kể tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Pasuk nếu không có một phong trào công đoàn mạnh, thì quyết định tăng lương tối thiểu là hợp thời:

“Thái Lan đã đi đến một giai đoạn không còn là một nước đang phát triển phải dựa vào lao động rẻ nữa. Thái Lan cần tiến lên mức độ khác là nâng cao mức sống của nhân dân. Ðồng thời, nền kinh tế cũng đạt thành quả tốt. Do đó đây là lúc thích hợp để tăng lương.”

Ông Pasuk nói các nhà tuyển dụng Thái lâu nay vẫn dựa vào lao động rẻ, kể cả việc lợi dụng lao động di trú, nhất là từ Miến Ðiện. Nhưng, tiến bộ kinh tế ở Miến Ðiện có thể dẫn đến con số công nhân di trú ít hơn trong tương lai.

Một phúc trình của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO hồi tháng 12 nói rằng lương bổng ở châu Á tăng gần gấp đôi trong thập niên tính tớì 2011, trước mức trung bình toàn cầu nhiều, phần lớn như mức lương cao hơn ở Trung Quốc.

Chuyên gia kỳ cựu về lương hướng khu vực của ILO Malte Leubker nói tăng lương sẽ dẫn tới việc tái cấu trúc công nghiệp ở Thái Lan:

“Ta sẽ dứt khoát nhìn thấy một sự chuyển biến cơ chế ở Thái Lan hướng tới các nhà sản xuất tập trung nhiều hơn vào kỹ năng và sản phẩm giá trị cao và bứt ra khỏi việc chỉ sản xuất áo thun và đồ điện tử. Tôi có thể nói đó thực sự là một dấu hiệu của thành quả kinh tế. Ta tiến vào các công nghiệp tạo ra nhiều giá trị hơn.”

Chính phủ Thái Lan đã cực lực bênh vực chính sách nâng mức lương bằng một kế hoạch hỗ trợ kinh tế được nội các loan báo cho gần 300 ngàn cơ sở kinh doanh cỡ nhỏ và cỡ vừa. Các lợi ích bao gồm giảm thuế và các chương trình tái huấn luyện nhân sự. Chính phủ cũng hy vọng lương cao hơn có thể thúc đẩy tiêu thụ trong nước và giúp bù đắp cho nền kinh tế toàn cầu trì trệ.