Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời ở tuổi 68, mới sau 7 tháng nghỉ hưu

Ông Lý Khắc Cường khi còn là thủ tướng Trung Quốc hồi tháng 3/2017.

Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời vì đau tim hôm thứ Sáu 27/10, ở thời điểm mới được 7 tháng tính từ khi nghỉ hưu sau một thập kỷ nắm quyền và trở nên mờ nhạt trong vai trò thúc đẩy cải cách. Ông thọ 68 tuổi.

Từng được coi là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ lãnh đạo Đảng Cộng sản, ông Lý đã bị Chủ tịch Tập Cận Bình gạt sang một bên trong những năm gần đây. Ông Tập đã siết chặt quyền lực và lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sang hướng nhà nước kiểm soát nhiều hơn.

Ông Lý là nhà kinh tế học ưu tú và ủng hộ một nền kinh tế thị trường cởi mở hơn, cổ súy các cải cách ở đầu cung, với cách tiếp cận được đặt tên là "thuyết kinh tế họ Lý" nhưng công cuộc này chưa bao giờ được thực hiện đến nơi đến chốn.

Rốt cuộc, ông Lý đã phải tuân theo ưu tiên của ông Tập là nhà nước nắm quyền kiểm soát nhiều hơn, và nền tảng sức mạnh trước đây của ông Lý suy yếu dần về tầm ảnh hưởng khi ông Tập đưa tay chân của mình vào các vị trí quyền lực.

“Đồng chí Lý Khắc Cường, trong khi đang nghỉ ngơi ở Thượng Hải trong những ngày gần đây, đã bị lên cơn đau tim đột ngột vào ngày 26/10 và sau khi các bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng không thành công, đồng chí đã qua đời tại Thượng Hải vào lúc 0h10 sáng ngày 27/10”, đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin.

Ông Lý từng là thủ tướng và đứng đầu nội các Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình trong một thập kỷ cho đến khi rời khỏi mọi chức vụ chính trị vào tháng 3/2023.

Hồi tháng 8/2022, khi đến đặt vòng hoa tại tượng Đặng Tiểu Bình - nhà lãnh đạo đã tiến hành cải cách làm thay đổi mạnh mẽ nền kinh tế Trung Quốc - ông Lý tuyên bố: "Cải cách và mở cửa sẽ không dừng lại. Sẽ không có chuyện sông Dương Tử và Hoàng Hà lại chảy ngược".

Các đoạn video về lời tuyên bố này đã lan truyền chóng mặt nhưng sau đó bị kiểm duyệt trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người coi đó là lời chỉ trích kín đáo nhằm vào các chính sách của ông Tập.

Ông Lý đã châm ngòi cuộc tranh luận về nghèo đói và bất bình đẳng thu nhập vào năm 2020, khi nói rằng ở quốc gia ngày càng giàu lên này, có tới 600 triệu người chỉ kiếm được chưa tới 140 đô la mỗi tháng.

Một số trí thức Trung Quốc và những người thuộc tầng lớp cao có tư tưởng tự do bày tỏ bàng hoàng và thất vọng trong một nhóm không công khai trên nền tảng WeChat khi biết tin là nhân vật nổi tiếng về cải cách kinh tế tự do của Trung Quốc mới qua đời. Một số người cho rằng điều này báo hiệu cả một kỷ nguyên đã kết thúc.

Wen-Ti Sung, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Australia, nói: “Có lẽ người ta sẽ nhớ đến ông Lý là người ủng hộ cho thị trường tự do hơn và những người nghèo. Nhưng trên hết, ông ấy sẽ được nhớ đến về những tiềm năng không trở thành hiện thực".

Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, nhận xét: “Tất cả những kiểu người như thế này không còn tồn tại trong chính trường Trung Quốc nữa”.

Ông Lý sinh ra ở tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc, một vùng nông nghiệp nghèo khó.

Khi học luật tại Đại học Bắc Kinh danh tiếng, ông Lý kết bạn với những người ủng hộ dân chủ nhiệt thành, một số người trong số họ về sau trở thành những người công khai thách thức sự kiểm soát của đảng.

Ông Lý nói được tiếng Anh đầy tự tin và đã hòa vào giới trí thức và chính trị đầy nhiệt huyết trong thập kỷ cải cách dưới thời ông Đặng. Thời kỳ đó kết thúc bằng cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 bị quân đội đàn áp thẳng tay.

Sau khi tốt nghiệp, ông Lý gia nhập Đoàn Thanh niên của Đảng Cộng sản, khi đó được coi là nấc thang cho những ngươi cải cách để leo lên các chức vụ cao hơn.

Ông thăng tiến trong Đoàn Thanh niên khi học lấy bằng thạc sĩ luật và sau đó lấy bằng tiến sĩ kinh tế.

Về kinh nghiệm chính trị, ông Lý từng là lãnh đạo tỉnh Hà Nam. Ông cũng từng giữ chức bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh.

Người đàn anh bảo trợ cho ông Lý là ông Hồ Cẩm Đào, một cựu chủ tịch nước thuộc một phe chính trị gồm những người xuất phát từ Đoàn Thanh niên và gắn bó với nhau một cách lỏng lẻo. Sau khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, ông ấy đã ra tay phá phe này.

Ông Lý mất đi để lại phu nhân là bà Trình Hồng, một giáo sư môn tiếng Anh, và con gái của hai ông bà.