Các công ty Mỹ hối thúc USTR giao cuộc điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ cho Bộ Tài chính

Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) trong một cuộc họp với TT Donald Trump tại Phòng Bầu dục, Tòa Bạch Ốc, ngày 16/9/2019. Reuters/Al Drago

Các công ty Mỹ yêu cầu Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) bỏ cuộc điều tra vào cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ vốn có thể dẫn tới việc Mỹ áp thuế lên hàng loạt sản phẩm Việt Nam, và giao trách nhiệm điều tra lại cho Bộ Tài chính, báo Politico của Mỹ đưa tin hôm 29/12.

“Bất cứ hành động nào của USTR tại thời điểm này đều có nguy cơ phá vỡ đòn bẫy của Bộ Tài chính với Việt Nam, và khả năng khôi phục lại cán cân trên thị trường,” ông Jerry Cook, Phó Chủ tịch đặc trách quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp của tập đoàn HanesBrands, được Politico trích phát biểu tại cuộc điều trần của chính phủ Trump để tìm hiểu xem liệu Việt Nam có cố tình định giá tiền đồng thấp để hưởng lợi về thương mại hay không.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã phát động cuộc điều tra vào tháng 10 vừa qua dựa trên điều 301 của Đạo luật thương mại 1974, vốn cho phép USTR đơn phương áp các mức thuế quan để đáp trả một khi cơ quan này quyết định đây là một cách hành sử bất công về thương mại đối với nước Mỹ.

Đạo luật này chưa từng được dùng để điều tra cách định giá tiền tệ của một nước khác, và hành động của ông Lighthizer được xem là một sự can thiệp vào phạm vi chính sách mà theo truyền thống, vẫn thuộc Bộ Tài chính.

Quan tâm của các ngành công nghiệp

Nhiều lãnh đạo công nghiệp lo ngại Đại diện thương mại Lighthizer và Tổng thống Trump đã quyết định áp đặt thuế quan lên hàng hóa Việt Nam trước khi ông Trump rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2021. Nhưng họ tận dụng cuộc điều trần hôm thứ Ba để một lần nữa, nêu bật tác hại tiềm tàng của hành động đó đối với các ngành công nghiệp Mỹ, cũng như đối với các quan hệ giữa Hoa Kỳ và một trong các thị trường phát triển nhanh nhất tại Châu Á,

Lãnh đạo công nghiệp khuyến cáo rằng áp thuế lên Việt Nam sẽ tác động tới các hàng hóa Mỹ, như hàng may mặc và hàng điện tử, trong khi khiêu khích Hà Nội trả đũa với các biện pháp chống hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, từ thịt heo tới máy bay, điện lực và thiết bị y khoa.

Nhiều nhà xuất khẩu Mỹ đã bị thiệt thòi vì các hành động trả đũa của Trung Quốc, EU, và các nước khác sau khi bị chính quyền Tổng thống Trump áp thuế.

Trang mạng Politico dẫn lời bà Maria Zieba, Giám đốc đặc trách các vấn đề đối ngoại của Hội đồng các nhà sản xuất thịt heo quốc gia, phát biểu trong cuộc điều trần:

“Sau 3 năm chịu đựng, các nông gia sản xuất thịt heo không thể nào kham thêm các mức thuế quan trả đũa, dù do Việt Nam hay các nước khác áp đặt.”

Các đại diện từ Phòng Thương mại Mỹ, Hội đồng Thương mại quốc tế của Hoa Kỳ, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ và nhiều nhóm khác cũng hối thúc USTR hãy ngưng đe dọa áp thuế quan lên Việt Nam và để cho Bộ Tài chính tiếp tục cuộc điều tra.

Trong cuộc điều trần ngày 29/12, trong số hơn 20 bên ra làm chứng, chỉ có 3 bên ủng hộ cuộc điều tra của USTR. Các nhóm này là đại diện của Công đoàn đoàn kết Thép Hoa Kỳ, một liên minh các nhà sản xuất bàn ghế bằng gỗ, và một nhà sản xuất nam châm ở Ohio.

Như VOA đã tường trình, USTR công bố cuộc điều tra hồi đầu tháng 10 “theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump”, và kêu gọi các bên có quyền lợi liên quan đóng góp thông tin liên quan tới cuộc điều tra này.