Các cơ xưởng chế xuất ở nam TQ trên đà dọn đi nơi khác

  • Pros Laput

Giá thành sản xuất tăng cao khiến một số công ty đã thực sự dọn ra khỏi Trung Quốc

Giá sản xuất tại khu công nghiệp duyên hải phía nam Trung Quốc đang gia tăng, buộc một số công ty phải dọn vào sâu trong nội địa hay dọn ra nước ngoài. Các chuyên gia về doanh nghiệp cho biết có một số cơ xưởng đã phải đóng cửa.

Chủ nhân các xưởng máy ở miền nam Trung Quốc cho hay việc định giá lại tiền tệ mới đây và những vụ tăng lương sau khi xảy ra các cuộc đình công của giới công nhân khiến cho việc kinh doanh ngày càng khó khăn hơn.

Ông Cliff Sun, chủ tịch của Liên đoàn Công nghệ Hồng Kông, một tổ chức qui tụ chừng 3.000 công ty, hầu hết có các xưởng máy ở Trung Quốc, lo ngại rằng giá sản xuất có thể sẽ tăng quá nhanh. Ông nói:

"Những công ty sản xuất những mặt hàng giá rẻ chỉ cần đến ít kỹ thuật, có lợi nhuận ít trên mỗi món hàng bán ra, là những công ty gặp nhiều rủi ro hơn cả, khi mà đồng lương trả cho công nhân tăng đến mức họ chịu không thấu. "

Đồng nguyên tăng giá khiến cho giá hàng xuất khẩu của trung Quốc đắt hơn. Ông Sun dự kiến là ít nhất có 3.000 công ty, hiện còn đang vất vả chống đỡ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sẽ không tồn tại được. Ông cho biết ý kiến:

"Tình hình không dễ một chút nào cả. Một số các công ty đang phải đa dạng hóa. Họ sáp nhập các cơ xưởng sản xuất tại trụ sở ở Thẩm Quyến, đưa các các công việc sản xuất cần đến nhiều lao động sang các tỉnh lân cận như Thiểm Tây, Hồ Nam, Tứ Xuyên."

Nhưng theo kinh tế gia của ngân hàng Chartered Bank, ông Kelvin Lau, thì dọn đi như vậy có lợi về mặt thuê mướn nhân công nhưng lại thiệt hại về mặt khác. Ông giải thích:

"Cơ xưởng cần ở gần nơi các nguồn cung cấp tiếp liệu, và do đó khi các cơ xường dọn vào sâu trông nội địa, nơi mà đồng lương công nhân rẻ hơn, lại có thể gặp phải tình trạng các các công ty tiếp liệu có thể sẽ không dọn theo."

Ông cho biết một bất lợi thứ ba nữa của việc giá thành tăng cao là các công ty thực sự đã dọn ra khỏi Trung Quốc. Những quốc gia như Việt Nam và Campuchia đã hăng hái thiết lập đường sá và hạ tầng cơ sở cũng như những biện pháp khuyến khích để thu hút các công ty sản xuất nước ngoài.

Ông Abe Junji điều khiển một xưởng sản xuất giày dép ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng: ”Tương lai ở đây rất tốt vì chính phủ nước này đã tạo dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đây làm ăn, cho họ được hưởng mức thuế khuyến khích.”

Việt Nam đã thiết lập một nền tảng cho các cơ xưởng sản xuất các mặt hàng giá rẻ, cung cấp việc làm cho các công nhân hầu hết là những lao động phổ thông trẻ tuổi. Số ngươi này chiếm phân nửa dân số quốc gia.

Nhưng ở những nước này lại thiếu những điều mà Trung Quốc có thể cung ứng cho các công ty sản xuất. Ông Kelvin Lau cho biết tiếp:

“Các công ty sản xuất muốn dọn đi nơi khác cũng phải xét đến những vấn đề khác. Thí dụ như phải xét xem là những nơi họ muốn dọn tới có hệ thống tiếp vận hay cơ sở hạ tầng có thể so sánh được như những gì họ có ở Trung Quốc hay không."

Các chuyên gia về sản xuất hàng hóa cho rằng những quốc gia như Việt Nam sẽ cần phải làm việc cật lực để bắt kịp hạ tầng cơ sở xuất khẩu của Trung Quốc, đã được thiết lập từ trên 20 năm nay.