Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 7 tháng 10 chính thức phản hồi về một phóng sự của VOA tường trình về cái chết của một thiếu nữ người Việt sau hai năm lao động ở Ả-rập Xê-út, nhưng vẫn để ngỏ những nghi vấn về sự sai lệch tuổi tác của em trên hộ chiếu.
H Xuân Siu, 17 tuổi, thuộc dân tộc Gia Rai quê ở Đắk Lắk, tử vong vào ngày 18 tháng 7 tại một bệnh viện ở thành phố Arar ở miền bắc Ả-rập Xê-út vì “tim ngừng đập, thiếu oxy trong phổi, và thuyên tắc phổi,” theo báo cáo y khoa của bệnh viện.
Hơn hai tháng sau khi qua đời, thi thể của em hiện vẫn đang được bảo quản tại bệnh viện. Những thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất trước khi tiến hành hồi hương, một quan chức Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Riyadh nói với VOA.
VOA xem xét các tài liệu liên quan đến nhân thân của H Xuân Siu và phát hiện năm sinh của em đã bị thay đổi trên hộ chiếu để làm cho em lớn hơn tuổi thật bảy tuổi. Những cuộc điện thoại và email yêu cầu bình luận của VOA gửi tới các cơ quan quản lý lao động, quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự ở Việt Nam đều không nhận được phản hồi.
XEM THÊM: Một cuộc mưu sinh nhọc nhằn, một kết cục cay đắngBộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về vụ việc của H Xuân sau khi được phóng viên đặt câu hỏi trong một cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày thứ Năm, trong đó người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng thông tin về “nữ lao động Việt Nam sinh năm 1996.”
H Xuân sinh năm 2003, theo giấy khai sinh, sổ hộ khẩu và giấy chứng nhận hộ nghèo-hộ cận nghèo do gia đình em cung cấp cho VOA.
Bà Hằng nói ngay sau khi nhận được tin Đại sứ quán Việt Nam đã chủ động trao đổi với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng của Ả-rập Xê-út để xác minh, làm rõ thông tin liên quan, đồng thời làm việc với doanh nghiệp xuất khẩu lao động để tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, theo bản ghi cuộc họp báo được đăng trên website của Bộ Ngoại giao.
“Bộ Ngoại giao cũng đã trao đổi với các cơ quan chức năng ở trong nước và chính quyền địa phương, thông báo và hướng dẫn gia đình nạn nhân các thủ tục cần thiết để xử lý vấn đề hậu sự,” bà nói.
“Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để sớm hoàn tất các thủ tục liên quan, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.”
Phát ngôn viên không đề cập tới sự sai lệch năm sinh của H Xuân trên hộ chiếu. Bà cũng không bình luận về việc thiếu nữ này nói đã bị chủ lao động bạo hành thể xác trước khi qua đời.
VOA trước đây đã đưa tin các trường hợp nữ lao động Việt Nam làm việc ở Ả-rập Xê-út báo cáo bị chủ ngược đãi dẫn tới những tổn thương về thể xác và tinh thần. H Xuân Siu dường như là trường hợp đầu tiên được biết tới mà nạn nhân là trẻ vị thành niên tử vong khi đi lao động ở nước ngoài.
Di cư lao động trong những năm gần đây trở thành một trọng tâm chính sách quan trọng của Việt Nam khi ngày càng nhiều người chọn con đường sang các nước khác làm việc trong ngắn hạn. Xuất khẩu lao động được chính phủ tích cực thúc đẩy như một phương tiện nhằm tạo công ăn việc làm, nâng cao kĩ năng cho người lao động, và giảm nghèo.
Hơn một triệu người Việt Nam đã ra nước ngoài làm việc kể từ năm 2006, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.