Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2009

<!-- IMAGE -->

Ngày 10 tháng 12 vừa qua, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam phối hợp với Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt Tại Hoa Kỳ tổ chức một buổi lễ tại khách sạn The Washington Court, Washington D.C. để trao tặng giải thưởng nhân quyền cho 2 nhà hoạt động nhân quyền hiện đang sống tại Việt Nam là Mục sư Nguyễn Công Chính và nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Hiện diện trong buổi lễ ngoài một số quan khách Việt Nam và Hoa Kỳ còn có một số dân biểu và Nghị sĩ thuộc Quốc hội Mỹ hằng quan tâm đến nhân quyền tại Việt Nam. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết buổi lễ này qua phần trình bày của Hà Vũ.

Giải Nhân Quyền Việt Nam do Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam thành lập từ năm 2002 nhằm mục đích vinh danh những người đã tranh đấu bất bạo động cho nhân quyền và dân quyền của người dân Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2002, lễ trao tặng giải Nhân quyền Việt Nam được tổ chức tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ trong một khách sạn nằm cạnh tòa nhà Quốc hội của nước Mỹ nhằm ngày Quốc tế Nhân quyền 10 tháng 12.

Đoạt giải Nhân Quyền năm nay là Mục sư Nguyễn Công Chính thuộc Giáo hội Tin lành Menonite Việt Nam hiện thường trú tại Pleiku-Gia Lai và nhà văn Trần Khải Thanh Thủy cư ngụ tại Hà Nội.

Theo Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam thì Mục sư Nguyễn Công Chính tham gia đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo từ năm 2001 cho tới nay nên thường bị công an địa phương sách nhiễu.

Bảng tóm tắt thành tích hoạt động của Mục sư Nguyễn Công Chính do luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam Về Nhân Quyền tại Paris tuyên đọc có đoạn:

“Mục sư Nguyễn Công Chính đã trải qua 298 lần bị công an cưỡng ép thẩm vấn, 19 lần bị công an tra tấn đánh đập dã man, 86 lần bị trục xuất ra khỏi chỗ ở, 2 lần bị chính quyền cưỡng chế ủi sập nhà nguyện và tịch thu tài sản, 4 lần bị mưu sát và 6 lần bị bắt giam”

Thành tích của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy được bà Ngô Thị Hiền, chủ tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam tuyên đọc tóm lược:

“Bà đã can đảm phản kháng chế độ, tranh đấu cho nhân quyền của dân oan, viết rất nhiều ký sự tố giác tội ác của nhà cầm quyền CSVN. Bà đã liên tục bị nhà nước sách nhiễu đe dọa trong nhiều năm.”

Đại diện cho nhà văn Trần Khải Thanh Thủy để nhận giải là cô Đỗ Thủy Tiên con gái của nhà văn đến từ Pháp. Phát biểu sau khi nhận được một tấm plaque kỷ niệm do Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, chủ tịch Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao tặng, cô Thủy Tiên chuyển lời cám ơn của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đến Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam và cô cho biết tiếp về quyết định của gia đình đối với số tiền thưởng của giải.

Cô Ðỗ Thủy Tiên nói: “Cháu tin là công luận cho đến nay đã biết lý do chính khiến công an dàn dựng vụ hành hung để giam giữ mẹ cháu bởi vì họ muốn tách rời những nỗ lực của mẹ cháu với 9 nhà yêu nước bị kết án vào đầu tháng 10 vừa qua và vụ xử của cô Phạm Thanh Nhiên sắp tới. Đây là các bác, các cô chú mẹ cháu rất yêu quý. Mẹ cháu không những tự hứa sẽ làm hết sức mình để trợ giúp các bác, cô chú trong tù mà còn mong ước có khả năng chia sẻ đùm bọc cho cả 10 gia đình đang lâm nạn. Chính vì vậy để thực hiện niềm mong ước của mẹ cháu, bố cháu và cả gia đình đồng ý quyết định chia đều số tiền của giải thưởng để kính tặng gia đình các cô chú đang lâm nạn.”

Đại diện cho Mục sư Nguyễn Công Chính để nhận giải thưởng là Thượng tọa Thích Tâm Thọ đến từ Pensylvania.

Nghị sĩ Cộng hòa Sam Brownback bang Kansas cho rằng vẫn còn có những nhóm thuộc Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo chưa được tự do.

Ông nói là cộng đồng Việt Nam cần phải vận động cho những nhóm này bằng cách tiếp xúc với các dân biểu, nghị sĩ qua thư từ, qua e-mail, qua tiếp xúc trực tiếp, để thúc đẩy những vị dân cử Mỹ hành động, bênh vực cho họ cũng như vận động để đạo luật về Nhân quyền cho Việt Nam được Thượng Viện Mỹ thông qua.

Dân biểu Cao Quang Ánh đồng ý với nhận định của nghị sĩ Sam Brownback là cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại phải nói lên tiếng nói của những người không được quyền nói ở trong nước và ông cho rằng qua lá phiếu bầu các dân biểu nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ, cộng đồng Việt Nam có thể làm được điều này.

Dân biểu Cao Quang Ánh nói thêm là cộng đồng Việt Nam phải có một vai trò.

Vai trò đó là ủng hộ những cử viên hỗ trợ cho chương trình của cộng đồng.

Ủng hộ không những bằng cách bỏ phiếu cho những ứng cử viên này mà còn phải giúp họ thắng cử bởi vì nếu những ứng cử viên này không thắng cử thì họ không thể nói lên tiếng nói của cộng đồng Việt Nam.

Trong số những người đến tham dự buổi trao giải thưởng Nhân Quyền Việt Nam năm 2009 đến từ nước ngoài, ngoài cô Đỗ Thủy Tiên, con gái của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và luật sư Trần Thanh Hiệp đến từ Pháp còn có học giả Đỗ Thông Minh đến từ Nhật Bản.

Ông Minh nêu lên nhận xét về buổi lễ năm nay: “Buổi lễ hôm nay rất tốt, ngoài chuyện người Việt tham dự đông đảo còn có sự hiện diện của một số nghị sĩ dân biểu Hoa Kỳ trong đó có cả dân biểu Cao Quang Ánh góp tiếng nói. Xưa giờ toàn tổ chức bên Cali. Đây là lần đầu tiên tổ chức bên đây, chúng tôi hy vọng sẽ đánh động dư luận Hoa Kỳ và thế giới nhiều hơn. Chúng tôi hy vọng giải này là niềm khích lệ lớn lao. Chúng tôi có liên lạc với gia đình chị Thủy và Mục sư Nguyễn Công Chính. Họ rất vui không những cho cá nhân họ mà thấy sự quan tâm của người Việt hải ngoại đối với sự đấu tranh trong nước là niềm an ủi rất lớn. Chúng tôi nghĩ là việc làm của Mạng Lưới Nhân Quyền là một việc làm rất ý nghĩa.”

Phát biểu chào mừng buổi lễ còn có dân biểu Loretta Sanchez, dân biểu Ed Royce, bang California, Tiến sĩ Sophie Richarson thuộc Human Rights Watch Washington D.C., tíến sĩ Scott Flipse thuộc Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, chủ tịch Mạng lưới Nhân Quyền Việt Nam cho biết là ngoài việc tổ chức lễ trao giải thưởng nhân quyền năm nay tại thủ đô Washington, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cũng tiếp xúc trong hai ngày thứ Năm 10 và thứ Sáu 11 tháng 12 với một số dân biểu và nghị sĩ để vận động ủng hộ đạo luật nhân quyền cho Việt Nam được nghị sĩ Barbara Boxer bang California đệ nạp vào tháng 5 năm nay.