Indonesia: Miến Điện phải thả bà Suu Kyi

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia nói rằng Miến Điện phải phóng thích lãnh tụ tranh đấu cho dân chủ Aung San Suu Kyi nếu muốn các cuộc bầu cử vào năm 2010 của họ mang tính khả tín. Trong các cuộc họp của ASEAN vào tuần này ở Thái Lan, Indonesia đã vận động đòi có biện pháp gắt gao hơn đối với những nước vi phạm nhân quyền. Từ địa điểm hội nghị trên đảo Phuket, thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.

Hôm nay, Ngoại trưởng Hassan Wirayuda của Indonesia đã gửi một thông điệp rõ rệt cho chính quyền quân nhân Miến Điện.

Ông nói các cuộc tuyển cử vào năm tới của Miến không thể được coi là tự do và công bằng nếu có ai đó bị cấm tham gia, kể cả vị lãnh tụ dân chủ đang bị cầm giữ.

Ông Wirayuda nói: "Chúng tôi đã nói thẳng với họ rằng tiến trình tuyển cử phải bao gồm mọi nhóm trong xã hội kể cả bà Aung San Suu Kyi.”

Ông Wirayuda đã đưa ra nhận định như vậy vào ngày thứ nhì của các cuộc họp ngoại trưởng ASEAN mà Miến Điện có tham dự.

Indonesia đã vận động để thành lập một cơ quan nhân quyền mạnh hơn nhằm đối phó với các tình huống như ở Miến Điện, nơi có hơn 2 ngàn tù nhân chính trị đang bị bỏ tù.

Indonesia được coi là mẫu mực thành công tại châu Á vì đã chuyển đổi thành công từ chế độ độc tài quân phiệt sang thể chế dân chủ ûvà đã lên tiếng công khai về những vụ xâm phạm nhân quyền.

Chế độ độc tài quân phiệt Miến điện hiện đang bị áp lực mạnh mẽ buộc phải trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, người đã bị quản chế tại gia từ 13 năm. Hiện bà đang bị đưa ra tòa vì đã vi phạm lệnh quản chế tại gia, và có thể bị kết án 5 năm tù giam.

Các nhóm nhân quyền và các chính phủ tây phương đã gọi phiên xửa vừa nêu là một sự ngụy trang nhằm giữ bà Aung San Suu Kyi trong lúc chính quyền quân phiệt sắp xếp cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.

Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà đã thắng trong cuộc tổng tuyển cử kỳ trước vào năm 1990, nhưng quân đội đã không chịu từ bỏ quyền lực.

Tình hình tại Miến Điện đã khiến một số quốc gia thành viên ASEAN phá lệ thường là không bình luận về nội bộ của các nước thành viên khác.

Tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan hôm qua nói với các phóng viên rằng chứng nào mà các vấn đề chính trị của Miến Điện chưa được giải quyết, thì ASEAN sẽ tiếp tục mang một gánh nặng phải giải thích với thế giới. Ông nói rằng các nước thành viên ASEAN đang tìm cách thuyết phục các tướng lãnh Miến Điện rằng đây là lúc phải cởi mở, trong khi những chính phủ như Hoa Kỳ, đang lượng định lại các chính sách của họ.

Ông Surin nói: “Tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt đẹp và ASEAN cần phải giở tài thuyết phục để Myanmar thử nhìn vào hình thức cởi mở ấy, loại hình cơ hội ấy. Và tôi cho rằng chúng ta đã có khả năng gây ấn tượng đối với họ rằng đây là một thời điểm tốt để cố gắng đáp ứng một đề nghị của quốc tế, sự trông đợi của quốc tế, và ý nguyện của ASEAN muốn giúp họ giao tiếp.”

Chính phủ Hoa Kỳ đang lượng định chính sách của họ đối với Miến Điện và nói rằng cả các biện pháp trừng phạt lẫn sự giao tiếp đã không có tác dụng.