Công ty nước ngoài ở VN gặp khó khăn tuyển nhân viên tay nghề cao

Trong ngày thứ Tư 13/5/2009, hãng tin Reuters có bài viết về tình trạng các công ty nước ngoài ở Việt Nam gặp khó khăn trong việc tuyển dụng những nhân viên có tay nghề cao. Bài báo trích thuật lại câu chuyện tuyển dụng của tập đoàn Intel cách đây một năm. Khi đó họ đã mời 2,000 sinh viên xuất sắc của 5 trường đại học hàng đầu ở Việt Nam làm một bài thi trắc nghiệm để được tuyển chọn vào một vị trí ở Tập đoàn Intel.

Đại công ty sản xuất chip máy tính đã khởi công xây dựng một nhà máy lớn nhất ở Việt Nam với dây chuyền sản xuất và kiểm định chip trị giá 1 tỉ đô la và họ cần những kỹ sư giỏi làm việc tại đây.

Tuy nhiên, kết quả từ bài thi của Intel cho thấy rào cản lớn ở Việt Nam chính là hệ thống giáo dục thiếu linh hoạt và không phù hợp.

Chỉ có một số ít sinh viên làm được bài thi viết gồm có kiến thức về vật lý, kỹ thuật điện tử, toán và các chủ đề khác. Họ cũng phải làm một bài kiểm tra Anh ngữ và chỉ có 40% vượt qua được bài thi này.

Câu chuyện của Intel đã sớm trở thành giai thoại trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài khi nói đến sự thất bại của hệ thống giáo dục Việt Nam, và một trong những vấn đề lớn mà các công ty nước ngoài phải đối mặt khi đầu tư vào Việt Nam đó là tình trạng thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao.

Bài viết cũng cho rằng hệ thống giáo dục bậc đại học của Việt Nam vẫn tụt hậu như giai đoạn Việt Nam chưa cải cách kinh tế.

Ông Jeffrey Waite một người chuyên theo dõi các vấn đề về giáo dục ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới nói rằng nhu cầu giáo dục sau trung học ở Việt Nam là rất lớn và hệ thống giáo dục của Việt Nam đang phải chịu nhiều áp lực nhằm đáp ứng nhu cầu này bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận các hình thức giáo dục đại học, tuy nhiên việc mở rộng này luôn luôn có nguy cơ phải đối mặt với việc đảm bảo chất lượng.

Chất lượng giáo dục thực sự là một vấn đề đáng quan ngại ở Việt Nam.

Một vấn đề lớn nữa là các giảng viên đại học. Ông Waite cho biết chưa tới 15% các giảng viên tại các trường đại học có bằng tiến sĩ và tỉ lệ này đã không thay đổi trong 10 năm qua.

Các trường học cũng không có quyền sửa đổi giáo trình và sinh viên thì được điểm cao nếu có kỹ năng học thuộc lòng tốt chứ không phải kỹ năng phân tích hay phê bình tốt.

Một sinh viên giấu tên nói rằng anh tin là chỉ có vài sinh viên tốt nghiệp có thể trả lời đúng câu hỏi kinh tế thị trường là gì. Thế nhưng ở trường thì sinh viên lại phải học thuộc lòng Luật Đầu tư có hiệu lực từ năm 1987.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục của Việt Nam còn có tình trạng tham nhũng, hiện tượng đạo văn. Vì vậy mà không ngạc nhiên khi hệ thống giáo dục như vậy cho ra những sản phẩm kém chất lượng.

Theo số liệu của Bộ giáo dục và Đào tạo Việt Nam thì chỉ có 30% sinh viên tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng.

Từ nay cho đến năm 2015, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ cần tới khoảng 4 triệu công nhân có tay nghề cao trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, du lịch, đóng tàu, tài chính v.v.

Theo chất lượng đào tạo hiện nay thì nhiều nhất cũng chỉ có thể đáp ứng được từ 40% đến 60% nhu cầu này.

Việc thiếu nhân tài không chỉ giới hạn ở lĩnh vực công nghệ.

Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, ông Michael Michalak, nói rằng khi ông trao đổi với bất cứ một công ty nào ở Việt Nam, bất kể họ là công ty của Mỹ hay của nước khác, thì họ đều nói rằng tìm được nhân viên tốt là một vấn đề nan giải mà họ phải đối mặt.

Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận thấy nhu cầu cần phải thay đổi, tuy nhiên vấn đề ở đây là liệu những thay đổi này có được thực hiện đủ sớm hay không.