TQ bênh vực thành tích nhân quyền trước Hội đồng LHQ

Thành tích của Trung Quốc về nhân quyền lần đầu tiên được 47 thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đưa ra cứu xét tỉ mỉ dưới một cơ chế mới có tên gọi là Duyệt xét Tổng quát Thường kỳ. Bản tường trình xem xét đến những tiến bộ về nhân quyền căn cứ trên phát triển kinh tế nhưng đã không nhắc đến những vấn đề như việc đàn áp chính trị và tôn giáo.Tổ chức bảo vệ nhân quyền cáo buộc Trung Quốc đã che dấu những khuyết điểm của họ. Thông Tín Viên đài VOA Lise Schlein tường trình từ một phiên họp của Hội Đồng tại Geneve như sau.

Trung Quốc đã rất nghiêm chỉnh chuẩn bị bảo vệ lập trường của họ trước thế giới. Bắc Kinh đã gởi một phái đoàn hùng hậu để bênh vực thành tích về nhân quyền của họ trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Tuy nhiên Trung Quốc không có gì phải lo ngại cả. Dư luận rõ ràng là thuận lợi cho Trung Quốc khi hết nước này đến nước khác lên diễn đàn ca ngợi những gì Trung Quốc đã đạt được trên lãnh vực nhân quyền. Trưởng đoàn Trung Quốc ông Lý Bảo Đông đưa ra những luận cứ trong tiến trình này.

Khi trình bày báo cáo của Trung Quốc, ông Lý Bảo Đông nhấn mạnh đến những bước mà nước ông thực hiện để bảo vệ quyền của người dân, quản trị đất nước trên căn bản luật pháp và tăng tiến phúc lợi của dân chúng trong nước.

Lên tiếng qua một thông dịch viên, ông Lý cho biết Trung Quốc theo đuổi một chính sách bình đẳng cho mọi sắc tộc cũng như có những khu vực tự trị cho các nhóm sắc tộc khác nhau.

Ông Lý Bảo Đông nói: “Những nhóm sắc tộc khác nhau tại Trung Quốc được hưởng những đối xử đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích việc giảng dạy nhiều thứ tiếng khác nhau tại các trường học của người sắc tộc, nhiều khoản đầu tư khổng lồ được thực hiện để bảo vệ những hoạt động tôn giáo cũng như những nền văn hóa khác biệt và truyền thống của những nhóm sắc tộc khác nhau.”

Trong 3 giờ đồng hồ tranh luận, Trung Quốc được ca ngợi về những thành tích đáng ngạc nhiên trong lãnh vực kinh tế và tăng tiến nhân quyền. Nhiều diễn giả ủng hộ việc Trung Quốc áp dụng án tử hình và kiểm duyệt internet.

Algeri phàn nàn điều mà họ gọi là chính trị hóa thành tích nhân quyền của Trung Quốc bởi một số quốc gia. Ai Cập tán thành việc Trung Quốc áp dụng án tử hình và cho rằng việc này cần phải được nới rộng hơn nữa. Sudan cũng ca ngợi hệ thống cải tạo các tù nhân bằng lao động.

Đại sứ Sri Lanka Dayan Jayatilleka bác bỏ những lời chỉ trích Trung Quốc và cho đó là biểu hiện của chế độ thuộc địa.

Ông Jayatilleka nói: “Trung Quốc đã bảo đảm quyền chính trị cho người dân của họ. Quyền được độc lập, tự quyết và chủ quyền quốc gia cũng như những quyền về xã hội và kinh tế, đến sự giành lấy tự do từ chế độ phong kiến và sự thỏa mãn nhu cầu vật chất của người dân, chúng tôi bác bỏ những chỉ trích liên quan đến Tây Tạng mà Sri Lanka coi như là một lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.”

Một nhóm nhỏ các quốc gia phương Tây chống lại thành tích nhân quyền của Trung Quốc. Đại diện Canada, ông Louis-Martin Aumais đặt nghi vấn về việc Trung Quốc bị nghi ngờ sử dụng những chứng cứ lấy được bằng tra tấn và cách thức Trung Quốc đối xử với các tù nhân chính trị.

Ông Aumais nói: “Canada quan tâm sâu sắc đến những báo cáo cho thấy có sự bắt bớ tù đày một cách tùy tiện những người dân thuộc các nhóm sắc tộc, bao gồm người Tây Tạng, người Uighur và người Mông Cổ cũng như những tín đồ các tôn giáo trong đó có Pháp Luân Công mà không cho họ biết những thông tin về lý do họ bị bắt bớ, nơi họ bị giam cầm và tình trạng sức khỏe của họ.”

Cuối buổi họp, một số chuyên viên của Trung Quốc trả lời những câu hỏi liên hệ đến cách thức họ đối xử đối với những sắc tộc thiểu số, đối với người Tây Tạng và những nhà tranh đấu cho nhân quyền. Họ bảo đảm với các phái đoàn tham dự cuộc họp của Hội đồng là quyền của các sắc dân thiểu số cũng như quyền tự do tôn giáo và hội họp được bảo vệ đến nơi đến chốn.