Vua điện ảnh Á Châu ăn mừng sinh nhật 100 tuổi

Vua điện ảnh Á Châu vừa ăn mừng sinh nhật 100 tuổi. Từ nhiều thập niên, nhà tài phiệt lừng danh về điện ảnh và truyền hình, ông Thiệu Dật Phu - được thế giới biết đến dưới cái tên Anh ngữ là Run Run Shaw - đã ngự trị công nghiệp điện ảnh Hong Kong, biến thành phố này thành một Hollywood của phương đông và làm cho loại phim võ hiệp được khán giả trên khắp thế giới ưa chuộng. Claudia Blume nhìn lại thời vàng son điện ảnh Hong Kong và nhân vật đã hình thành kỷ nguyên ấy.

Các phim võ hiệp và lịch sử tình tiết ly kỳ là đặc điểm của hãng phim Shaw ở Hong Kong. Vào thập niên 1960 và 1970, hãng phim này sản xuất khoảng 1,000 cuốn phim, nhiều cuốn đã trở thành phim kinh điển của Trung Hoa.

Người sáng lập ra công ty sản xuất những phim này là người đã có hơn 80 năm kinh nghiệm trong ngành kinh doanh điện ảnh. Ông Thiệu Dật Phu, tên tục là Thiệu Nhân Lăng chào đời năm 1907, người con thứ sáu trong một gia đình thương nhân ngành dệt may ở Thượng Hải. Lúc 18 tuổi, ông đã giúp các người anh của mình lập một công ty phim ảnh ở Thượng Hải.

Mấy anh em sau đó đã sản xuất và phân phối phim cho một hệ thống rạp chiếu phim mà họ làm chủ ở khắp Châu Á cũng như ở các khu của người Hoa trên khắp thế giới.

Vào cuối thập niên 1950, ông Thiệu sáng lập một phim trường lúc đó được coi như là phim trường tư nhân lớn nhất thế giới ở Hong Kong. Ông Lưu Gia Lương, một người từng làm giám đốc Phim trường Shaw, cho biết chẳng bao lâu phim trường này đã chế ngự công nghiệp điện ảnh ở đông nam Châu Á.

Ông Lưu Gia Lương nói: “Ông Thiệu Dật Phu đã lập ra một vương quốc điên ảnh ở đông nam Châu Á. Hãng phim này là hãng phim số 1 trong vùng.”

Ông Lý Trác Đào, một thành viên trong ban quản trị của Hội Liên hoan Phim Quốc tế của Hong Kong, cho rằng những phim của hãng Shaw đặc biệt được người Hoa ở nước ngoài ưa chuộng.

Ông Lý Trác Đào nói: “Hoa kiều thường hay tưởng nhớ về cố hương Trung quốc, văn hóa của người Hoa – là những thứ họ có thể thấy trực tiếp hay gián tiếp trong các phim do hãng Shaw sản xuất.”

Các phim của hãng Shaw, nhất là các phim võ hiệp, cũng rất ăn khách ở phương Tây. Chẳng hạn như cuốn phim “Ngũ Chỉ Sơn” đã đạt kỷ lục người xem ở Hoa Kỳ và Châu Âu vào năm 1973. Một số các nhà làm phim đương đại, như đạo diễn Quentin Tarantino của Hollywood, đã chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của các phim võ hiệp do hãng Shaw sản xuất.

Ông Lý nói rằng một trong những lý do thành công của hãng phim là ông Run Run Shaw vừa là một nhà kinh doanh linh lợi, lại vừa là một người say mê điện ảnh.

Ông Lý nói: “Ông ấy nổi tiếng là ngày nào cũng xem ít nhất vài phim, ngay cả lúc ông đã rất cao tuổi, sau khi về hưu, ông ấy cũng còn xem nhiều phim.”

Mặc dù ông Thiệu rất tinh nhanh về thương mại và nhận xét tài năng, ông nổi tiếng về vụ không chịu thu nhận một diễn viên trẻ sau này đã trở thành tài tử lừng danh về võ hiệp, đó là Lý Tiểu Long. Ông Thiệu để mất anh ta vào tay một hãng phim đối thủ vì ông không chịu du di chính sách cứng ngắc về việc trả một khoản lương nhất định cho các tài tử mới. Hãng Shaw là một xưởng sản xuất phim cổ thụ cho đến khi ngưng sản xuất vào năm 1985.

Phim được sản xuất hàng loạt bằng phương pháp dây chuyền. Một người từng làm đạo diễn cho hãng phim, ông Trương Triệt, cho biết mọi người phải làm việc theo giờ giấc rất căng. Để thuận lợi cho công việc, hầu hết các tài tử và chuyên viên kỹ thuật phải nội trú luôn trong phim trường.

Ông Trương nói: “Thường chúng tôi phải làm việc mỗi ngày. Tôi đạo diễn chừng 5 cuốn phim mỗi năm, cứ 2 hay 3 tháng 1 phim. Chúng tôi gặp nhau hàng ngày tại phim trường, làm việc, ăn ở ngày trong phim trường.”

Lý Lợi Lợi, một trong các nữ tài tử nổi tiếng nhất của hãng Shaw, nói rằng mọi người sống với nhau thân thiết như một đại gia đình. Nhưng cô nói rằng công việc có thể cực kỳ gay go.

Cô Lý Lợi Lợi nói: “Vào thời đó, cần phải có thể lực rất mạnh mới sống sót được. Lý do là vì phim trường không có máy điều hòa không khí. Rất khổ phải diễn xuất trong các trang phục đó.”

Kỷ luật gắt gao trong phim trường khiến tài tử và đạo diễn không được tự do về mặt nghệ thuật. Nhưng đạo diễn Trương Triệt nói rằng ông Thiệu Dật Phu không bao giờ can thiệp trực tiếp vào công việc của ông.

Ðạo diễn Trương Triệt nói: “Ông ấy không hề nói gì trên sàn quay. Ông ấy đến phim trường mỗi ngày – chúng tôi gặp ông ấy hàng ngày. Nhưng ông ấy không bao giờ nói gì cả, để mặc cho đạo diễn muốn làm gì thì làm. Trông ông ấy rất oai vệ, nhưng chúng tôi biết là ông ấy rất tử tế. Ông ấy thương tất cả chúng tôi.”

Kể từ năm 1985, ông Thiệu Dật Phu tập trung vào truyền hình và lập công ty Television Broadcast Limited, là đài truyền hình lớn nhất của Hong Kong.

TVB sản xuất các phim truyện truyền hình rất ăn khác ở Hong Kong và các cộng đồng Hoa kiều. Nhiều tài tử cũ của hãng Shaw chuyển sang làm việc cho vương quốc truyền hình Run Run Shaw. Ông Thiệu, người trở thành tỷ phú nhờ kỹ nghệ giải trí và đầu tư địa ốc, cũng nổi tiếng qua các công tác từ thiện của ông.

Ông đã lập giải thưởng Shaw, còn được gọi là giải Nobel Châu Á. Giải được trao cho những người đạt thành tích xuất sắc về toán học, thiên văn và khoa học. Nhưng ông vẫn được mọi người nhớ đến nhiều nhất qua thời hoàng kim của điện ảnh Hong Kong.