Đường dẫn truy cập

1/2 dân số thế giới sống trong các thành phố


Tổ chức Y tế Thế giới tường trình rằng một nửa dân số thế giới sống trong các thành phố, vơi chừng 1 tỉ người ở trong các khu ổ chuột. Để đánh đấu ngày Y Tế Thế Giới năm nay, tổ chức này đang phát động một chiến dịch nêu rõ sự cần thiết phải có kế hoạch thiết kế đô thị đúng đắn để giữ cho các thành phố được an toàn và lành mạnh.

Theo phúc trình của Tổ chức Y Tế Thế Giới, WHO, thì lần đầu tiên trong lịch sử, thế giới có nhiều người sống ở các khu vực thị tứ hơn là ở vùng nông thôn. Phúc trình cho hay đến giữa thế kỷ này thì cứ 10 người lại có 7 người sống ở các thành thị.

Tổng giám đốc của WHO, Bác sỹ Margaret Chan, cho biết theo dự kiến, sự bùng nổ của các khu thị tứ sẽ diễn ra tại châu Á và châu Phi. Trừ phi những thành phố thật lớn ở hai khu vực này được thiết kế cẩn thận và được quản trị hữu hiệu, bằng không bà cảnh báo rằng cư dân trong những thành phố quá lớn sẽ gặp nhiều đe dọa về sức khỏe.

Bà nói: “Từ vấn đề thiếu vệ sinh, rác rưởi không thu nhặt, đến ô nhiễm và tai nạn do xe cộ quá nhiều, nghẹt cứng, từ trẻ con không giày vớ chạy chơi ở những nơi đất hay nước bị nhiễm bẩn do nước thải không được xử lý, đến những đợt bột phát các chứng bệnh truyền nhiễm, lan tràn mạnh do dơ bẩn và điều kiện sinh sống chen chúc, chật chội. "

Theo WHO cho biết nhiều thành phố phải đứng trước mối đe dọa 3 mặt về sức khỏe: bệnh truyền nhiễm, các chứng bệnh kinh niên không lây, và nguy cơ bị tai nạn xe cộ, thương tích, cũng như nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực và tội ác.

Theo Bác sỹ Chan, ở các nơi thị tứ thường có khuynh hướng đưa tới lối sống thiếu lành mạnh vì các hàng quán bán thức ăn nhanh đầy rẫy, hút thuốc, uống rượu và nghiện ngập ma túy.

Bà cho biết tiếp: “Những thay đổi trong lối sống này có liên hệ trực tiếp tới bệnh mập phì và gia tăng các chứng bệnh kinh niên như bệnh tim, đột quị, một số dạng bệnh ung thư, và tiểu đường. Đây là những chứng bệnh chữa trị rất tốn tiền, không chỉ cho túi tiền của cá nhân người bệnh, mà còn tốn kém cho xã hội và cho gia đình bệnh nhân. Và những chứng bệnh này ngày càng tập trung nhiều trong giới người nghèo ở thành phố."

Tổng giám đốc của WHO nêu lên rằng ngay cả những thành phố nghèo nhất cũng có thể thông qua những biện pháp để cải thiện môi trường sống. Bà trưng dẫn Kigali, thủ đô của quốc gia Rwanda ở châu Phi, như một thành phố đã đạt được tiến bộ to lớn.

Bà nói: “Tôi đã có mặt ở đó mấy tháng trước. Tôi thực sự kinh ngạc và thán phục, sao mà thành phố lại sạch đến như vậy. Dĩ nhiên tôi phải tìm hiểu sự tình. Tôi nói chuyện với mọi người. Tổng thống của chính phủ nước này tự mình đứng ra làm gương. Mỗi tháng một lần vào ngày thứ Bảy, ông ra ngoài đi bộ, nhặt rác rưởi và bỏ vào một nơi thu gom.”

Tổ chức Y Tế Thế Giới cho biết các thành phố phải được thiết kế, quản lý và cai trị đúng đắn. Cũng theo WHO thì những quốc gia đang phát triển nào theo mô thức này có thể nâng cao tuổi thọ của dân lên tới 75 hay hơn. Nhưng WHO cũng cảnh báo rằng các quốc gia quản trị dở có thể hạ tuổi thọ của dân chúng xuống thấp, chỉ còn 35 năm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG