Đường dẫn truy cập

Ngân hàng Thế giới: 'Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đạt tiến bộ'


Phúc trình cho thấy có những dấu hiệu hy vọng đối với các nước đang phát triển, nhưng vùng dưới sa mạc Sahara vẫn còn tụt hậu
Phúc trình cho thấy có những dấu hiệu hy vọng đối với các nước đang phát triển, nhưng vùng dưới sa mạc Sahara vẫn còn tụt hậu

Phúc trình của Liên Hiệp Quốc cho thấy có những dấu hiệu hy vọng đối với các nước đang phát triển, nhưng vùng dưới sa mạc Sahara tại châu Phi vẫn còn thụt lùi lại phía sau trong những mục tiêu của Liên Hiệp Quốc.

Ngân hàng Thế giới cho biết là hầu hết các quốc gia đang phát triển đạt được những tiến bộ quan trọng trong Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc.

Trong tuần qua, tổ chức cho vay quốc tế này công bố Chỉ số Phát triển Hàng năm. Hàng trăm chỉ số được dùng để đo mức tiến bộ trong các lãnh vực như giáo dục, y tế, nghèo khó, môi trường và mậu dịch.

Một trong những Mục tiêu Phát triển Thiên niên Kỷ là giảm phân nửa số người sống ở mức nghèo túng cùng cực vào năm 2015.

Trong số 87 quốc gia có thể thu thập dữ liệu được thì có 49 nước có thể đạt được mục tiêu này. “Mức nghèo túng cùng cực” được định nghĩa là thu nhập ít hơn 1 đô la mỗi ngày.

Một mục tiêu khác là giúp cho các trẻ em được giáo dục. Phúc trình cho thấy vào năm 2007, 7 trong số 10 trẻ em sống tại các quốc gia đang phát triển đạt được hay gần như dạt được mục tiêu này.

30 quốc gia đã đạt được hay hầu như đạt được mục tiêu giảm bớt tỉ lệ tử vong ở trẻ em. Mục tiêu là giảm 2/3 tỉ lệ này vào năm 2015.

Phúc trình của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy lần đầu tiên con số tử vong vì những cái chết có liên quan đến bệnh AIDS đã hạ giảm.

Tuy nhiên ngay với tất cả những tiến bộ này vẫn còn có một chặng đường dài phải đi để đạt được tất cả 8 mục tiêu được các nhà lãnh đạo thế giới chấp thuận cách đây 10 năm. Điều này đặc biệt đúng với vùng dưới sa mạc Sahara tại châu Phi, nơi vẫn còn thụt lùi lại đằng sau trong tất cả những mục tiêu.

Ông Eric Swanson là quản trị viên chương trình cho Chỉ số Phát triển Thế giới cho biết:

“Trong thập niên 1990 có khoảng mười năm hay hơn nền kinh tế của châu Phi tiến bộ rất chậm. Nội chiến và những xáo trộn khác cũng như việc quản lý tồi tệ tại nhiều quốc gia đã làm cho kinh tế không tăng trưởng được và đặc biệt không giúp cho người nghèo được chia sẻ những lợi tức do tăng trưởng kinh tế mang lại.”

Tuy nhiên ông cũng vạch ra một vài dấu hiệu hy vọng bao gồm cả mức hạ giảm lớn lao về tỉ lệ tử vong của trẻ em tại Malawi. Ông Swanson giải thích:

“Malawi là một quốc gia kẹt giữa đất liền. Đây là một trong những quốc gia chúng tôi lo lắng nhiều nhất, thế nhưng quốc gia này chứng tỏ là nếu chú tâm vào một vấn đề nào đó thì người ta có thể thực hiện được những tiến bộ.”

Tuần qua, Ngân hàng Thế giới cũng phát động một “sáng kiến công khai các dữ liệu” mới.

Ngân hàng Thế giới sẽ công bố tất cả các dữ liệu về điều kiện sinh sống trên toàn thế giới để ai cũng có thể tham khảo được.

Các giới chức của ngân hàng nói là điều này sẽ làm cho việc đo lường hiệu quả của những chính sách được dễ dàng cũng như phát triển những giải pháp mới nhằm giúp những người nghèo trên thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG