Đường dẫn truy cập

Ông Thưởng bị Quốc hội miễn nhiệm chức chủ tịch nước giữa biến động 'bất ngờ' trên chính trường Việt Nam


Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở San Francisco hôm 16/11/2023. Ông Thưởng bị Quốc hội cho miễn nhiện chức chủ tịch nước khi chưa hết nhiệm kỳ.
Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở San Francisco hôm 16/11/2023. Ông Thưởng bị Quốc hội cho miễn nhiện chức chủ tịch nước khi chưa hết nhiệm kỳ.

Quốc hội Việt Nam hôm 21/3 thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức chủ tịch nước của ông Võ Văn Thưởng và chỉ định bà Võ Thị Ánh Xuân làm quyền chủ tịch nước Việt Nam trong biến động chính trường mà các nhà quan sát cho là bất ngờ và chưa có tiền lệ giữa bối cảnh của cuộc cạnh tranh quyền lực trước đại hội đảng tiếp theo.

Truyền thông Việt Nam cho biết một cuộc họp bất thường đã được Quốc hội triệu tập hôm 21/3, đúng như VOA đưa tin trước đó, và các nhà lập pháp đã biểu quyết miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước của ông Thưởng cũng như cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 của ông.

Theo VnExpress, 432/447 đại biểu tham gia phiên họp bất thường tán thành thông qua nghị quyết, chiếm 87,8% trong cuộc bỏ phiếu kín.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng hôm 20/3 cho ông Thưởng thôi tất cả các chức vụ và loại ông ra khỏi Bộ Chính trị do “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.”

Câu hỏi đặt ra là tại sao vụ việc này lại nổi lên sau 12 năm? Điều này dẫn đến giả định rằng Bộ trưởng Công an Tô Lâm đang loại bỏ những đối thủ tiềm tàng để tiếp tục nắm quyền sau Đại hội Đảng lần thứ XIV vào đầu năm 2026.
GS Carl Thayer, Đại học New South Wales

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân được chỉ định giữ quyền chủ tịch cho đến khi Quốc hội bầu ra người thay thế ông Thưởng. Theo Thanh Niên, việc bà Xuân làm quyền chủ tịch nước “được thực hiện theo Hiến pháp”. Đây là lần thứ 2 bà Xuân làm quyền chủ tịch nước chỉ trong vòng hơn 1 năm. Trước đó, bà tạm thời giữ chức vụ cao nhất của nhà nước Việt Nam sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc bị miễn nhiệm vào tháng 1 năm ngoái.

Các báo do nhà nước Việt Nam quản lý cho biết ông Thưởng đã phát biểu sau khi Quốc hội biểu quyết miễn nhiệm ông tại phiên họp bất thường hôm 21/3. Tuy nhiên, các bản tin ngắn gọn này không cho biết ông Thưởng đã nói gì.

Ghi nhận của VnExpress về phiên họp cho biết rằng những vi phạm, khuyết điểm của ông Thưởng “đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân.” Theo tờ báo này, nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông Thưởng đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.

Mặc dù các vi phạm không được nêu cụ thể, các nhà quan sát cho rằng việc miễn nhiệm ông Thưởng có liên quan đến sự tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng trước kỳ Đại hội 14. VOA không thể độc lập kiểm chứng thông tin này.

“Thông báo chính thức của Đảng không nêu rõ ông Võ Văn Thưởng đã vi phạm chính xác những quy định nào của Đảng và những vi phạm này xảy ra khi nào,” Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales nhận định với VOA, và trích dẫn các bình luận trên mạng xã hội cho rằng những vi phạm này xảy ra vào năm 2012 khi ông Thưởng còn là bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Trong tuần qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên vi phạm tại Đảng bộ Quảng Ngãi và Vĩnh Phúc vì liên quan đến vụ án vi phạm xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn. Bộ Công an trước đó đã khởi tố vụ án mà họ cho là các cá nhân đã nhận hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng cho nhà nước.

Khi miễn nhiệm ông Thưởng hôm 21/3, Quốc hội cũng cho bà Hoàng Thị Thúy Lan, bị khởi tố liên quan đến các dự án bị ‘treo’ trong hơn 10 năm của tập đoàn Phúc Sơn, thôi làm đại biểu Quốc hội.

“Câu hỏi đặt ra là tại sao vụ việc này lại nổi lên sau 12 năm?,” GS Thayer, chuyên phân tích về tình hình Việt Nam, nói. “Điều này dẫn đến giả định rằng Bộ trưởng Công an Tô Lâm đang loại bỏ những đối thủ tiềm tàng để tiếp tục nắm quyền sau Đại hội Đảng lần thứ XIV vào đầu năm 2026.”

Việc chúng ta chứng kiến những sự kế nhiệm đó trong một khoảng thời gian ngắn như vậy – người tiền nhiệm (Nguyễn Xuân) Phúc chỉ giữ chức vụ được 21 tháng, ông (Võ Văn) Thưởng rời chức vụ chỉ sau một năm – đặt ra những câu hỏi không thể tránh khỏi về khả năng dự đoán, độ tin cậy và hoạt động bên trong của hệ thống (chính trị Việt Nam).
Florian Feyerabend, đại diện thường trú Viện Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) của Đức ở Việt Nam

Theo thông lệ, Ủy ban Trung ương Đảng sẽ quyết định ai lên nắm giữ chức vụ chủ tịch nước trong phần còn lại của nhiệm kỳ này kết thúc vào tháng 5/2026. GS Thayer và các nhà phân tích chính trường Việt Nam cho rằng ông Tô Lâm và bà Trương Thị Mai, hiện là thường trực Ban Bí thư Đảng, sẽ là những ứng viên để thay thế ông Thưởng.

Chủ tịch nước là chức vụ có nhiều biến động nhất trong 5 năm trở lại đây ở Việt Nam kể từ khi ông Trần Đại Quang bất ngờ qua đời tháng 9/2018. Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng đã kiêm nhiệm chức chủ tịch nước trước khi ông Phúc được bầu vào vị trí này. Ông Thưởng là người thay thế ông Phúc, người bị miễn nhiệm vì những “sai phạm” của cấp dưới, vào tháng 3 năm ngoái.

“Cải tổ chính trường mới nhất là chưa từng có tiền lệ và gây bất ngờ,” ông Florian Feyerabend, đại diện thường trú Viện Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) của Đức ở Việt Nam nhận định với VOA. “Việc chúng ta chứng kiến những sự kế nhiệm đó trong một khoảng thời gian ngắn như vậy – người tiền nhiệm (Nguyễn Xuân) Phúc chỉ giữ chức vụ được 21 tháng, ông (Võ Văn) Thưởng rời chức vụ chỉ sau một năm – đặt ra những câu hỏi không thể tránh khỏi về khả năng dự đoán, độ tin cậy và hoạt động bên trong của hệ thống (chính trị Việt Nam).”

Ông Feyerabend, nhà nghiên cứu khoa học chính trị và thường quan sát tình hình Việt Nam, cho rằng dù hệ thống này đến nay vẫn ổn định nhưng “cán cân quyền lực trong nước dường như đang bị lung lay trước đại hội Đảng tiếp theo.”

Năm ngoái, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã bắt đầu lập kế hoạch cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, trong đó bao gồm việc bổ nhiệm một tiểu ban do Tổng bí thư Trọng đứng đầu để rà soát và đề cử các ứng cử viên vào Ban chấp hành Trung ương mới.

“Việc ông Thưởng đột ngột từ chức sẽ có tác dụng đẩy nhanh quá trình này và bộc lộ những khác biệt trong nội bộ ban lãnh đạo,” GS Thayer nhận định.

Việc từ chức của ông Thưởng diễn ra trong lúc một phái đoàn kinh doanh của Mỹ gồm 60 công ty đang đến thăm Việt Nam. Theo truyền thông trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp và quỹ đầu tư hàng đầu của Mỹ trong phái đoàn này tại Hà Nội hôm 21/3.

“Họ sẽ được các đối tác Việt Nam trấn an rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo con đường ổn định,” GS Thayer nói. “Việt Nam đã thực hiện một quá trình chuyển giao quyền lực có trật tự sau cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quan và không có lý do gì hiện nay điều đó lại không thể thực hiện được.”

Theo ông Feyerabend, sự ổn định chính trị là đặc điểm quan trọng trong số nhiều yếu tố khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đánh giá của người từng làm cho Đại sứ quán Đức ở Bangkok, mặc dù chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng đang làm đình trệ các quyết định trong bộ máy quan liêu cồng kềnh ở Việt Nam, nhưng quốc gia Đông Nam Á sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn do các động lực địa chính trị đang phát triển mạnh mẽ và xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cuộc chiến chống tham nhũng, mà ông Trọng từng khẳng định “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, được nhân dân trong nước ủng hộ khi đưa nhiều quan chức cấp cao, trong đó có ủy viên Bộ Chính trị, bị đưa ra trước vành móng ngựa. Nhưng theo các nhà quan sát chính trường, nó cũng được các phe phái trong Đảng sử dụng để thanh trừng các đối thủ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG