Đường dẫn truy cập

Việt Nam và Campuchia lại họp bàn việc cắm mốc biên giới


Phó Thủ tướng Thường trực Việt Nam Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia Sar Kheng đồng chủ trì về hợp tác và phát triển giữa các tỉnh biên giới, ngày 28/10/2021. Photo CAND.
Phó Thủ tướng Thường trực Việt Nam Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia Sar Kheng đồng chủ trì về hợp tác và phát triển giữa các tỉnh biên giới, ngày 28/10/2021. Photo CAND.

Hôm 28/10, Việt Nam và Campuchia tiếp tục họp bàn việc cắm mốc biên giới trong nỗ lực tìm giải pháp để hoàn tất 16% đường biên còn lại chưa được phân định.

Nỗ lực phân định biên giới Việt Nam và Campuchia diễn ra sau một thời gần một năm bị tạm từng, điều mà phía Campuchia cho rằng đây là một nhiệm “khó đoán trước” và “chưa biết khi nào mới hoàn tất”.

“Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp lý liên quan đến công tác biên giới đất liền nhằm luôn đảm bảo một đường biên giới hữu nghị, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững,” truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin hôm 28/10.

Đây là một trong nội dung trong cuộc họp trực tuyến do Phó Thủ tướng Thường trực Việt Nam Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia Sar Kheng đồng chủ trì về hợp tác và phát triển giữa các tỉnh biên giới.

Ông Phạm Bình Minh loan báo trên Twitter hôm 28/10: “Hôm nay, tôi và Ngài Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng của Campuchia đồng chủ trì cuộc họp trực tuyến bàn cách tăng cường hợp tác giữa các tỉnh biên giới Việt Nam và Campuchia”.

Đài VOV dẫn lời ông Phạm Bình Minh cho biết: “Việt Nam và Campuchia đã ký kết và phê chuẩn 2 văn kiện quan trọng, ghi nhận 84% thành quả công tác phân giới cắm mốc đất liền. Việc phân định, cắm mốc trên 84% biên giới đã củng cố môi trường hòa bình ổn định để hai nước, đặc biệt là giữa các tỉnh biên giới có cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hợp tác cùng phát triển”.

Bộ Ngoại giao Campuchia vào ngày 24/10 ra thông cáo báo chí cho biết rằng Vương quốc Campuchia và Việt Nam vừa đồng ý tìm ra các giải pháp được cả hai bên chấp nhận để hoàn thành 16 % còn lại của đường biên giới trên bộ chưa được đánh dấu giữa hai nước.

Bộ này cho biết: “Về hợp tác biên giới, hai bên hoan nghênh lễ trao đổi chính thức hai văn kiện pháp lý quan trọng ghi nhận việc hoàn thành 84% công tác phân giới, cắm mốc giữa hai nước”.

Bà Koy Pisey, Phó chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Biên giới Campuchia (CBAC). Photo Facebook via Khmer Times
Bà Koy Pisey, Phó chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Biên giới Campuchia (CBAC). Photo Facebook via Khmer Times

Bà Koy Pisey, Phó chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Biên giới Campuchia (CBAC) nói với tờ Khmer Times vào ngày 24/10 rằng việc phân định biên giới với Việt Nam “là một quá trình đang diễn ra và bà không thể nói khi nào sẽ hoàn tất”.

Bà cũng cho biết các chuyên gia của cả hai nước đã thống nhất sử dụng bản đồ tỷ lệ 1/100.000. Tuy nhiên, hiện tồn tại một số khác biệt về đường biên được mô tả trên bản đồ và tình hình thực địa, vẫn theo bà Pisey nói với trang Khmer Times.

“Một số nơi, hiện đang thuộc Việt Nam hoặc thuộc Campuchia, lại được cho là đường biên giới trên bản đồ giữa hai nước. Do đó, đôi khi chúng tôi cần đàm phán với các chuyên gia về phân định biên giới của Việt Nam để đề nghị người dân Việt ở đó đồng ý dời về sinh sống trên phần đất liền thuộc lãnh thổ đất nước Việt Nam”, bà Pisey nói thêm.

Cuộc đàm phán phân định biên giới giữa Campuchia với Việt Nam đã bị tạm dừng kể từ tháng 12 năm ngoái, khi hai nước tuyên bố rằng 84% của đường biên giới dài 1.270 km đã được phân giới, vẫn theo Khmer Times.

Các vấn đề biên giới còn lại nằm ở 6 tỉnh Ratanakiri, Mondulkiri, Svay Rieng, Kampot, Takeo và Kandal ở phía Campuchia, cũng theo trang Khmer Times. Các tỉnh này giáp ranh với các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, An Giang của Việt Nam.

Cho đến nay, hai bên đã cắm được 315 cột mốc biên giới.

Bà Koy Pisey nói: “Khi hai bên ký Hiệp ước bổ sung năm 2005, Ủy ban Biên giới Quốc gia Campuchia tin rằng hai bên có thể hoàn thành việc phân giới ban đầu vào năm 2008, và sau đó là vào năm 2012.”

“Tuy nhiên, trên thực tế, nhiệm vụ phân giới không thể đoán trước được, nó phụ thuộc vào các địa điểm. Ở một số nơi, rất dễ dàng để yêu cầu dân làng chuyển đến sống trên mảnh đất thuộc về đất nước của họ, ở những nơi khác, phải mất nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề giữa người dân hai nước”, bà Pisey nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG