Đường dẫn truy cập

Việt Nam tiếc thương người ba lần ám sát hụt Tổng thống Diệm


Ông Phan Văn Điền tức Hà Minh Trí và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2016. Photo NLD.
Ông Phan Văn Điền tức Hà Minh Trí và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2016. Photo NLD.

Truyền thông Việt Nam những ngày qua ca ngợi ông Hà Minh Trí, một cựu cán bộ an ninh của Ban Địch tình tỉnh ủy Tây Ninh, thuộc Liên tỉnh ủy Miền Đông Nam bộ, người từng ba lần ám sát hụt Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, đã qua đời tối ngày 04/05/2020 tại Tây Ninh, thọ 85 tuổi. Tuy nhiên, giới nghiên cứu nói rằng ông Trí đã lợi dụng đạo Cao Đài để làm vỏ bọc cho hoạt động cách mạng của mình.

Các trang báo trong nước cho biết ông Hà Minh Trí, sinh năm 1935, tên thật là Phan Văn Điền, có bí danh là Mười Thương, Đinh Văn Phú, từng đóng vai một thương gia để ám sát Tổng thống Diệm trong sự kiện hội chợ kinh tế Cao Nguyên ở Thị xã Buôn Ma Thuột vào ngày 22/02/1957.

Ông Hà Minh Trí bị an ninh VNCH bắt giữ vào ngày 22/02/1957 tại Buôn Ma Thuột. Photo Life via Hồn Việt.
Ông Hà Minh Trí bị an ninh VNCH bắt giữ vào ngày 22/02/1957 tại Buôn Ma Thuột. Photo Life via Hồn Việt.

Với chiến công này, dù nhiệm vụ ám sát bất thành, nhưng ông Hà Minh Trí, năm ấy mới 22 tuổi, được báo chí Việt Nam ca ngợi là người đã làm “sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm,” “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,” và là nguyên mẫu của nhân vật “trung tâm” trong tập ba mang tên Phát súng trên cao nguyên của phim Ván bài lật ngửa, một bộ phim từng thịnh hành ở Việt Nam trong những năm của thập niên 80.

“Hà Minh Trí đã nhanh chóng rút khẩu súng MAT-49 cưa nòng, nhắm Ngô Đình Diệm nhả đạn,” trang CAND viết, gọi đây là “một huyền thoại của lực lượng an ninh miền Nam.”

Tuy nhiên, việc ám sát bất thành, sau khi bị bắt và bị giải về Sài Gòn, ông Trí khai rằng ông không phải là cán bộ công an của Ban Địch tình, còn gọi là Ban Điệp báo, mà chỉ là một tín hữu Cao Đài Tây Ninh, đài ANTV vào tháng 09/2019 cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ông Trí.

Ông Phan Văn Điền, tức Hà Minh Trí, phát biểu trên đài ANTV, 2019. Photo ANTV
Ông Phan Văn Điền, tức Hà Minh Trí, phát biểu trên đài ANTV, 2019. Photo ANTV

Khai trước phiên tòa của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vào tháng 02/1962, ông Trí nói: “Ngô Đình Diệm là kẻ ác nhất miền Nam. Kéo về Tây Ninh bao vây định bắt trung tướng Trịnh Minh Thế và đàn áp Cao đài,” trang VOV thuật lại lời ông Trí cho biết. Ông Trí bị tuyên án tử hình và đưa ra nhà tù Côn Đảo.

Ông Dương Xuân Lương, một tín hữu Cao Đài hiện ở Dallas, Texas, và là một người nghiên cứu về lịch sử Cao Đài Việt Nam và từng ở thánh địa Cao Đài Tây Ninh, nhận định về việc ông Hà Minh Trí ám sát Tổng thống Diệm:

“Đạo Cao Đài về mặt chủ trương không bao giờ dùng vũ lực để ám sát như vậy. Việc lợi dụng danh nghĩa của đạo để ám sát một người thường khác, đừng nói là một lãnh đạo quốc gia là trái hoàn toàn với chủ trương của đạo Cao Đài.

Việc lợi dụng danh nghĩa của đạo để ám sát một người thường khác, đừng nói là một lãnh đạo quốc gia là trái hoàn toàn với chủ trương của đạo Cao Đài.
Tín hữu Cao Đài Dương Xuân Lương


“Cho dù ông Hà Minh Trí là một tín đồ đi nữa, ông có quyền chọn con đường của ông, nhưng chọn cách ám sát thì không phải là chủ trương của đạo.

“Tôi không nghĩ rằng việc ám sát của ông Hà Minh Trí là phù hợp với đường lối của đạo Cao Đài.”

Trước đó, trong đêm Noel 24/12/1956 tại nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, ông Hà Minh Trí được tổ chức phân công mang theo súng ngắn cùng với một cán bộ nữa theo dòng người đi lễ vào trong nhà thờ, quỳ cách gia đình Ngô Đình Diệm chín hàng ghế và chờ ông Diệm tới. Thế nhưng, đêm đó, ông Diệm không xuất hiện. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bất ngờ đổi ý đi đến khu trù mật Đức Huệ – Long An để dự lễ với giáo dân di cư, nên âm mưu ám sát này không thành.

Hai tháng trước đó, vào ngày 20/10/1956, ông Hà Minh Trí được Trưởng ban Địch tình tỉnh Tây Ninh giao nhiệm vụ ám sát Tổng thống Diệm khi nhà lãnh đạo VNCH lên Tòa Thánh Tây Ninh để ký thỏa ước Bính Thân với lãnh đại đạo Cao Đài, nhưng do không nắm rõ chi tiết về lịch trình nên việc mưu sát không thực hiện được.

Theo tài liệu của Đảng bộ Miền Đông Nam Bộ, từ tháng 3/1953, Ban Địch tình Xứ ủy và Liên Tỉnh ủy miền Đông Nam bộ chủ trương ám sát Ngô Đình Diệm, với lý do rằng nhà lãnh đạo VNCH đã “thanh toán lực lượng vũ trang giáo phái” và vì vậy các cơ sở Đảng đã khéo léo cài đảng viên vào lực lượng giáo phái này để chống trả.

Trang Lao động cho biết ông Trí được tổ chức sắp xếp đưa vào hoạt động trong nội thành Tây Ninh với tư cách là tín đồ thành viên của lực lượng vũ trang Cao Đài ly khai với cái tên là Triệu Thiên Thương và “ông đã hành đạo như một tín đồ ngoan đạo thực thụ.”

“Để không vi phạm chủ trương chung [Hiệp định Gevene 1954], ngay cả kế hoạch táo bạo ám sát Ngô Đình Diệm cũng phải mượn danh giáo phái. Và không ai có thể đảm nhận nhiệm vụ tối quan trọng này tốt hơn người chiến sĩ an ninh cách mạng đang khoác áo lính giáo phái Cao Đài - tín đồ Triệu Thiên Thương,” trang Lao động viết.

Báo Nhân dân thì viết: “Thường vụ Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định đánh giá cao đóng góp của Mười Thương, viên đạn trên cao nguyên đã gây hoang mang cho chính quyền Diệm - Nhu, những lời khai của ông gây chia rẽ sâu sắc trong chính quyền Sài Gòn đồng thời bảo vệ vững chắc mạng lưới cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch.”

Ca ngợi phát súng trên cao nguyên của ông Hà Minh Trí, Liên tỉnh ủy Miền Đông Nam bộ viết: “Đây là tiếng súng đầu tiên của nhân dân Tây Ninh và miền Nam biểu thị tinh thần phản kháng và tố cáo chính quyền tay sai ngụy quyền Sài Gòn,” tài liệu của Liên tỉnh ủy Miền Đông Nam bộ viết.

Ông Phan Văn Điền, hay còn gọi là Hà Minh Trí, được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 2005. Photo NLD
Ông Phan Văn Điền, hay còn gọi là Hà Minh Trí, được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 2005. Photo NLD

Ông Dương Xuân Lương nêu nhận định:

“Chuyện báo chí Việt Nam ca ngợi ông Hà Minh Trí đó là vì nhiệm vụ của họ phải làm như vậy. Riêng chúng tôi là những người biết rõ ông Hà Minh Trí và chúng tôi đứng trên lập trường của đạo Cao Đài, chúng tôi nghĩ rằng ông Trí đã lợi dụng đạo Cao Đài, chứ không phải là một tín hữu bình thường.

“Ông không phải là người theo đạo chính thức như báo chí Việt Nam nói. Thường thì báo chí của chế độ toàn trị họ dựng lại những câu chuyện theo sự tô hồng chuốc mực của họ.”

Mặc dù Trí sau đó được tôn vinh như một anh hùng của phong trào cộng sản Việt Nam, nhưng ông không hành động theo mệnh lệnh của các nhà lãnh đạo cao cấp ở miền Bắc Việt Nam; mà đúng hơn, là nhiệm vụ này đã được các cán bộ trong miền Nam Việt Nam lên kế hoạch, và như vậy đã vi phạm các chỉ dẫn của Hà Nội.
Sử gia Hoa Kỳ Edward Miller


Trong quyển sách Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam, xuất bản bản năm 2013, tiến sĩ Edward Miller viết: “Người ám sát ông Diệm là Hà Minh Trí, một thành viên 22 tuổi của Đảng Lao động Việt Nam – [thống nhất từ Việt Minh và Liên Việt.] Mặc dù Trí sau đó được tôn vinh như một anh hùng của phong trào cộng sản Việt Nam, nhưng ông không hành động theo mệnh lệnh của các nhà lãnh đạo cao cấp ở miền Bắc Việt Nam; mà đúng hơn, là nhiệm vụ này đã được các cán bộ trong miền Nam Việt Nam lên kế hoạch, và như vậy đã vi phạm các chỉ dẫn của Hà Nội.”

Trên trang Hồn Việt, tác giả Hướng Vân Thiên thuật lại vụ Tổng thống Diệm bị ám sát 22/02/1957: “Sau cuộc mưu sát ông Diệm ở Ban Mê Thuột, đài phát thanh và báo chí trong nước theo lệnh Phủ Tổng Thống chỉ phát đi bản tin vắn tắt: “Ngô Tổng Thống bị mưu sát, nhưng nhờ ơn trên, Tổng thống đã thoát nạn trở về Thủ đô trong ngày và hung thủ đã bị bắt.”

Tác giả Trúc Giang ở Minnesota viết trên trang Saigon Echo: “Hà Minh Trí là Việt Cộng đội lốt Cao Đài, mà mục đích hành động là ám sát tổng thống Ngô Đình Diệm.”

“Hà Minh Trí và Việt Cộng cường điệu hóa bịa chuyện vô lý để tự hào về kế ly gián của họ, cho rằng: “Kế ly gián của Hà Minh Trí làm đảo điên chính quyền Sài Gòn.”

“Sau cuộc đảo chánh ngày 1/11/1963, Hội đồng Tướng lãnh tuyên bố trả tự do cho những tù nhân chính trị quốc gia, đối lập với Tổng thống Diệm, Hà Minh Trí được đưa về Sài Gòn trên cùng một chuyến tàu với những người tham gia đảo chánh hụt, nhưng do lý lịch không rõ ràng, nên Hà Minh Trí bị giam giữ lại để điều tra,” ông Trúc Giang viết thêm.

Mãi cho đến ngày 10/3/1965, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu, một tín đồ Cao Đài, giáo phẩm Thượng Đầu Sư Cao Đài Tiên Thiên, ký giấy thả Hà Minh Trí. Như vậy, Hà Minh Trí ở tù 8 năm 16 ngày, cũng theo tác giả Trúc Giang.

Truyền thông Việt Nam cho biết, sau khi được trả tự do, ông Hà Minh Trí tiếp tục hoạt động trong Ban An ninh khu Sài Gòn –Gia Định, Ban An ninh Trung ương cục miền Nam, Ban An ninh tỉnh Tây Ninh, Văn phòng Bộ Nội vụ ở phía Nam, làm Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh, Trưởng ban Tôn giáo Tây Ninh đến khi nghỉ hưu vào năm 1998. Năm 2005, ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG