Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘song kiếm hợp bích’ chống ‘tin giả’ giữa dịch Covid-19


Bìa sách Luật An ninh mạng của NXB Hồng Đức và đồ họa Nghị định 15/2020/NĐ-CP của trang Luật Việt Nam.
Bìa sách Luật An ninh mạng của NXB Hồng Đức và đồ họa Nghị định 15/2020/NĐ-CP của trang Luật Việt Nam.

Từ khi xuất hiện xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam từ cuối 1/2020 cho đến nay, chính quyền đã vận dụng Luật An ninh mạng để “đấu tranh”, “triệu tập”, và phạt tiền hàng trăm người loan tin trên mạng xã hội với lý do bài viết của họ “không đúng sự thật” hay “tin chưa được kiểm chứng.”

Nhưng với một nghị định sắp có hiệu lực vào ngày 15/4/2020 sắp tới, Việt Nam sẽ áp dụng mức phạt nặng hơn đối với các hành vi được cho là đăng tin “giả mạo” hay “xuyên tạc” trên không gian mạng chung của cộng đồng.

Trong thời gian vừa qua đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều việc hàng trăm người đưa tin trên mạng xã hội về dịch Covid-19 bị chính quyền Việt Nam sách nhiễu và phạt tiền như thế.

Hơn 650 người bị xử lý

Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền lên tiếng việc hơn 650 Facebooker tại Việt Nam bị triệu tập và tra khảo về các bài viết của họ về bệnh dịch Covid-19, và hơn 150 người bị phạt tiền tới 15 triệu đồng vì những bài viết bị coi là “không đúng sự thực,” trong đó có cả giới văn nghệ sĩ.

Ông Vũ Quốc Ngữ, Chủ tịch Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền, nói với VOA:

“Việc phạt này là một trong những hình thức trừng phạt của chính quyền đối với các Facebooker đưa tin trên mạng xã hội. Việc phạt này cùng với các hình thức khác cho thấy sự lạm dụng quyền lực của công an Việt Nam, vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân.”

Ông Daniel Bastard, Giám đốc đặc trách châu Á của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) nêu nhận định với VOA hôm 02/04 trong một email:

“Việc quản lý khủng hoảng dịch Covid-19 của Việt Nam cũng giống như cách chính quyền Hà Nội đối phó với các vấn đề khác, vì họ hoàn toàn không quan tâm đến quyền con người nói chung, và về quyền tự do cung cấp tin tức và quyền được thông tin công bằng tại một nơi mà những quyền này bị thiếu sót trầm trọng như thế này.”

“Khái niệm về “tin tức sai lệch” hoặc “chưa được xác minh,” mà cho rằng “gây ra bất ổn xã hội,” quả là quá mơ hồ, và cách diễn đạt này dẫn đến nhiều sự lạm dụng và kiểm duyệt thông tin,” ông Bastard nhận định.

Từ khi có những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào đầu tháng 2, Bộ Công an đã vận dụng Luật An ninh mạng đầy tranh cãi và thực hiện các biện pháp mà các tổ chức bảo vệ nhân quyền gọi là “hành vi sách nhiễu."

Trong phóng sự có tựa đề “Hàng chục đối tượng đăng tin sai lệch về nCoV bị xử lý cho thấy hiệu quả của Luật An ninh mạng,” trên đài truyền hình VTV vào giữa tháng 2, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục Trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, phát biểu:

“Lực lượng công an đã lập danh sách hàng trăm đối tượng, tổ chức triệu tập đấu tranh gần 200 trường hợp và xử lý vi phạm hành chính hàng chục trường hợp.”

Truyền thông trong nước dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nói: “Lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19, nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng tung tin giả, thông tin sai sự thật về bệnh dịch.”

Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương “đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật” và dọa sẽ xử lý hình sự nếu tái phạm.

Theo quan sát của các tổ chức nhân quyền và truyền thông quốc tế, sau các buổi làm việc với cơ quan chức năng, những người đăng tin không được chính quyền hài lòng, bị buộc phải gỡ bài viết và phải đăng tin xin lỗi trên trang Facebook cá nhân của mình.

Hôm 02/04/2020, trong bài viết “Việt Nam cấm đăng tin giả trên mạng về Covid-19 và bất kỳ vấn đề khác” trên trang The Register, tác giả Robbie Harb nhận định:

“Việt Nam sẽ phạt người đăng tin sai lệch trên mạng xã hội trong nỗ lực trấn áp việc loan tin sai lệch nói chung và cả thông tin không đúng sự thật về Covid-19.”

Trang này dẫn một ví dụ mới nhất về trường hợp một tài xế xe ôm 20 tuổi bị phạt 10 triệu đồng vì viết bài trên Facebook nói rằng thành phố Hồ Chí Minh sắp bị “phong tỏa 14 ngày” kể từ ngày 28/03.

Trang này cũng nói rằng vào tuần trước Thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu các thành phố lớn sẵn sàng chuẩn bị cho một tình huống như vậy, nhưng vẫn chưa thiết lập lệnh phong tỏa.

Thủ tướng VN kêu gọi các nơi sẵn sàng cách ly trên diện rộng
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:57 0:00

Ông Vũ Quốc Ngữ nêu nhận định:

“Các Facebooker đưa tin trên MXH được coi là tin tức chưa được kiểm chứng, bị sai sót chính một phần là do chính quyền Việt Nam thiếu minh bạch về Covid-19, có sự che giấu thông tin.”

Theo báo Tuổi trẻ, hôm 30/03, một người phụ nữ ở huyện Anh Sơn, Nghệ An đăng tải thông tin “chợ đóng hết rồi” để... bán cá trên mạng xã hội nhưng đã bị công an huyện triệu tập và xử lý vì chính quyền cho rằng thông tin của người bán cá này đã “khiến nhiều người hoang mang.”

Trang này cho biết trong thời gia qua các lực lượng Công an tỉnh Nghệ An đã xử phạt 51 trường hợp, trong đó có 42 người đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội về Covid-19 … với tổng mức xử phạt hơn 500 triệu đồng.

Ngày 19/3, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã ra quyết định xử phạt một chủ tài khoản Facebook 12,5 triệu đồng khi đăng tin chữa khỏi Covid-19 bằng tỏi “mà không được kiểm chứng từ cơ quan Y tế.”

“Công an Việt Nam ngày càng lộng quyền, đàn áp tiếng nói tự do trên mạng xã hội về nhiều vấn đề xã hội, đặc biệt về đại dịch Covid-19,” trang Vietnam Human Rights Defenders viết.

“Đây là cách làm tiền trắng trợn của Công an Việt Nam đồng thời đe doạ những người khác trong việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội,” trang này nhận định.

Phạt nặng từ ngày 15/04

Ngày 3/2/202, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4, được giới chức và truyền thông Việt Nam đánh giá là “có quy định rõ hơn, mạnh mẽ hơn và phạt nặng hơn” so với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP trước đây.

Nghị định này khi được kết hợp với Luật An ninh mạng đã có hiệu lực từ 13 tháng qua được kỳ vọng sẽ “song kiếm hợp bích” chống những hành vi xấu xí, có hại trên không gian mạng chung của cộng đồng, theo trang Người Lao động.

Điều 101 của Nghị định áp dụng mức phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi “Lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...”

Ngoài ra sẽ phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi “Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác.”

Không chỉ phải đối mặt với các mức phạt vi phạm hành chính theo các nghị định, người lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bất an trong dư luận ở mức độ nặng có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự với mức án từ 6 tháng tới 7 năm tù.

Sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh Mạng vào tháng 6/2018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng bày tỏ sự thất vọng: “Chúng tôi thất vọng về việc thông qua Luật An ninh mạng mới của Việt Nam, trong đó càng thu hẹp tự do biểu đạt trên không gian mạng.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG