Đường dẫn truy cập

Việt Nam vào năm Rồng: Vài suy nghĩ vụn


Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (DRL) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang.
Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (DRL) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang.

Trong những năm gần đây Việt Nam dường như theo gương Nga và mạnh tay với các tổ chức xã hội dân sự khiến nhiều tổ chức phi chính phủ buộc phải đóng cửa.

Tôi rời Việt Nam vào ngày đầu tháng Hai năm Canh Thìn, tới nay đã tròn hai giáp. Thời gian tôi sống ở Anh đã 24 năm, còn bốn năm nữa bằng với thời gian ở Việt Nam. Đây cũng là dịp để nhìn lại xem nơi tôi sinh ra và lớn lên đã thay đổi ra sao kể từ năm 2000.

Nhìn vào thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) với số liệu của năm 2022, Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp.
Nhìn vào thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) với số liệu của năm 2022, Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp.

Nhìn vào thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) với số liệu của năm 2022, Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp và khả năng Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các nước được thể hiện bằng màu tím nhạt trên bản đồ thu nhập của WB là khá cao.

Đây là lý do báo chí trong nước đã không ít lần nói về cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình”. Bài viết của VietNamNet cuối năm ngoái dẫn tiêu chuẩn của WB cho thấy nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp có tổng thu nhập quốc dân (GDP) bình quân đầu người từ 1.036-4.045 USD; nền kinh tế thu nhập trung bình cao có GDP bình quân đầu người từ 4.046-12.535 USD và nền kinh tế thu nhập cao có GDP bình quân đầu người trên 12.536 USD.

Ông hàng xóm Trung Quốc có tư cách giống như Việt Nam hiện nay từ năm 1999-2009 nhưng sang năm 2010 đã trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Thực tế Trung Quốc lần đầu tiên có tư cách nước có thu nhập trung bình thấp là năm 1997 nhưng năm 1998 lại tụt xuống thu nhập thấp trước khi thu nhập tăng trở lại trong năm 1999. Như vậy Trung Quốc có 11 năm ở mức thu nhập trung bình thấp so với gần 15 năm của Việt Nam, nước có thu nhập trung bình thấp hồi năm 2009.

GDP bình quân đầu người của Trung Quốc hiện là 12.617USD so với 3756USD của Việt Nam, theo số liệu trên trang Data Commons, vốn tổng hợp số liệu từ các nguồn chính thức từ các quốc gia và tổ chức quốc tế. Theo trang này, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đứng thứ 34 trong số 51 quốc gia châu Á; Việt Nam đứng dưới Ai Cập và trên Palestine. Trung Quốc đứng thứ 15 và Nga ở vị trí 16.

GDP per Capita.
GDP per Capita.

Bài viết của VietNamNet dẫn quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 mà theo đó Việt Nam đặt kế hoạch đạt thu nhập bình quân đầu người khoảng 7.500 USD vào năm 2030 và từ 27.000 - 32.000 USD vào năm 2050, trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Cũng theo bài viết, hai quốc gia trong khu vực, Malaysia và Thái Lan loay hoay hàng chục năm nhưng vẫn không thể trở thành quốc gia có thu nhập cao; Malaysia đạt ngưỡng thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD một năm vào năm 1977 và mức hiện nay là 11.414 USD, Thái Lan có mức thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD một năm vào năm 1988 và đến nay vẫn ở mức 7.500 USD.

Kinh tế gia David Dapice từ Đại học Harvard nói khu vực tư nhân còn khá yếu, thủ tục hành chính còn nhiều bên cạnh việc thiếu lao động có tay nghề cao sẽ tiếp tục cản trở bước tiến kinh tế của Việt Nam.

Nhưng lĩnh vực tôi quan tâm không kém sự phát triển kinh tế là sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam.

Trong những năm gần đây Việt Nam dường như theo gương Nga và mạnh tay với các tổ chức xã hội dân sự khiến nhiều tổ chức phi chính phủ buộc phải đóng cửa. Một nhà hoạt động dân sự từng có thời gian làm việc cùng tôi tại báo Vietnam Investment Review, chị Hoàng Minh Hồng, năm ngoái bị bắt vì tội “trốn thuế”. Một vài người bạn Facebook trong đó có Đoan Trang hiện cũng đang ngồi tù vì các hoạt động thúc đẩy tự do ngôn luận và tự do xuất bản. Dù kinh tế Việt Nam có khá lên, tự do báo chí của đất nước “con Rồng cháu Tiên” này hiện xếp thứ 178/180 theo Phóng viên Không Biên giới, kém cả Iran và Myanmar, chỉ trên được Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Dù kinh tế Việt Nam có khá lên, tự do báo chí của đất nước “con Rồng cháu Tiên” này hiện xếp thứ 178/180 theo Phóng viên Không Biên giới.
Dù kinh tế Việt Nam có khá lên, tự do báo chí của đất nước “con Rồng cháu Tiên” này hiện xếp thứ 178/180 theo Phóng viên Không Biên giới.

Khi rời Việt Nam năm 2000, tôi không hy vọng Việt Nam sẽ sớm có tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do lập đảng.

Hai bốn năm sau, những thứ “xa xỉ” này dường như vẫn xa vời như khi tôi rời đi. Việt Nam đặt mục tiêu sẽ trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2050 nhưng nếu điều đó thành sự thật mà tự do tư tưởng vẫn nằm trong nhóm 10 nước kém cỏi nhất thì e rằng quê hương tôi sẽ nhan nhản trọc phú.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG