Đường dẫn truy cập

Việt Nam khởi công xây dựng sân bay ‘quan trọng đặc biệt cấp quốc gia’


Mô hình sân bay Long Thành. Với tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD, Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam và thay thế sân bay Tân Sơn Nhất ở TPHCM để trở thành trung tâm hàng không của khu vực phía nam vào năm 2025 và nơi trung chuyển của khu vực Đông Nam Á và châu Á sau năm 2030.
Mô hình sân bay Long Thành. Với tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD, Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam và thay thế sân bay Tân Sơn Nhất ở TPHCM để trở thành trung tâm hàng không của khu vực phía nam vào năm 2025 và nơi trung chuyển của khu vực Đông Nam Á và châu Á sau năm 2030.

Việt Nam hôm 5/1 khởi công xây dựng sân bay quốc tế lớn nhất quốc gia, cách TPHCM không xa, với mục tiêu thu hút phát triển kinh tế và du lịch cũng như “nâng tầm Việt Nam trên khu vực” giữa bối cảnh đại dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “bấm nút” khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 ở Đồng Nai, một công trình được cho là “quan trọng đặc biệt cấp quốc gia” và “có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội” cũng như “quốc phòng an ninh của đất nước”, theo báo điện tử Chính phủ VGP News.

Giai đoạn 1 của sân bay có tổng mức đầu tư hơn 109 nghìn tỷ đồng (hơn 4,6 tỷ USD) và sẽ đi vào hoạt động năm 2025.

Sân bay Long Thành sẽ gồm một đường cất hạ cánh dài 4km, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hoá/năm khi giai đoạn 1 kết thúc.

Dự án sân bay Long Thành được chia thành 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD, theo Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh được Tiền Phong trích lời cho biết. Sau khi hoàn thành, sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ có 4 đường băng, 4 nhà ga hành khách, đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hoá/năm.

ACV là chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 do Chính phủ chỉ định.

Việt Nam được xem là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới với GDP bình quân trong 10 năm qua đạt 6,5% và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá Việt Nam từ nay đến năm 2030 là một trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển hàng không cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chính phủ Việt Nam cho biết, nhu cầu hàng không của vùng kinh tế trọng điểm phía nam đạt hơn 65 triệu hành khách vào năm 2025 và sẽ đạt khoảng 85 triệu hành khách vào năm 2030. Trong khi đó, các cảng hàng không lớn của Việt Nam như Tân Sơn Nhất và Nội Bài đều khai thác vượt công suất nên luôn trong tình trạng quá tải, theo VGP News.

“Chỉ khi hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại mới có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, khi đó mới đủ điều kiện đón các “đại bàng” lớn, những “sếu đầu đàn” tới làm tổ và làm ăn lâu dài,” Thủ tướng Phúc nói tại lễ khởi công ở Long Thành hôm 5/1.

Theo đánh giá của một tổ chức quốc tế của Australia, sân bay Long Thành, khi đi vào sử dụng, có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 3-5%.

Ông Phúc cho biết đây cũng là dự án hạ tầng với tổng vống đầu tư lớn nhất từ trước tới nay và nằm trong “Top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới.”

Dự kiến sân bay Long Thành sau năm 2030 sẽ trở thành sân bay trung chuyển của khu vực Đông Nam Á và châu Á vì lý do chính trị địa lý với 3 giờ bay có thể đến tất cả các nước trong khu vực, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo VGP News, điều này sẽ thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới – không chỉ kinh tế mà cả an ninh quốc phòng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG