Đường dẫn truy cập

‘Viện kiểm sát phải hủy việc tạm giam nhà báo Lê Duy Phong’


nhà báo Lê Duy Phong (phải) khi bị công an bắt ở Yên Bái trưa ngày 22/6/2017
nhà báo Lê Duy Phong (phải) khi bị công an bắt ở Yên Bái trưa ngày 22/6/2017

Luật sư Trần Vũ Hải nói nhà chức trách không có cơ sở pháp lý đúng để bắt nhà báo Lê Duy Phong, trong khi nhiều người bất bình cho rằng công an thành phố Yên Bái đã “gài bẫy thô bỉ” để bắt ông Phong với tội danh “chiếm đoạt tài sản”.

Ông Phong, Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bị công an thành phố Yên Bái bắt trưa ngày 22/6 khi “đang nhận tiền của một doanh nghiệp tại một nhà hàng”. Sau đó 4 ngày, công an ra quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam nhà báo này 4 tháng.

Không lâu sau khi ông Phong bị bắt, bà Nguyễn Quỳnh Nga, vợ ông, đưa lên mạng xã hội bản tường trình của một nữ nhân chứng có mặt trong suốt quá trình ông Phong đi đến và bị bắt ở Yên Bái.

Trong văn bản 5 trang được nhiều người lan truyền trên mạng, nhân chứng đề nghị chưa nêu tên cho hay vào cuối bữa trưa hôm 22/6, một người đàn ông tên là Hoàng Trung Thực đã cố dúi tiền vào túi ông Phong khi ông “gần say rượu”, chỉ ít phút trước khi công an “ập vào bắt”.

Bản tường trình nói ông Phong đã từ chối nhận tiền và không có chuyện nhà báo này đe dọa viết bài để vòi vĩnh tiền của ông Thực, người tự giới thiệu là một doanh nhân.

...việc bắt giữ anh Phong là sai với các quy định luật pháp Việt Nam, không phải là phạm pháp quả tang, không có lệnh bắt khác hoặc lệnh truy nã. Từ đó, những hành vi sau này về tố tụng, theo chúng tôi là cũng không thể chấp nhận được ... Viện kiểm sát phải hủy bỏ việc tạm giữ anh Duy Phong
luật sư Trần Vũ Hải

Căn cứ vào bản tường trình của nhân chứng, đối chiếu với quy định trong Bộ luật Hình sự về bắt tạm giam đối với các trường hợp khẩn cấp, hoặc người phạm tội quả tang hay đang bị truy nã, Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội nhận định với VOA:

“Chúng tôi đặt vấn đề là việc bắt giữ anh Phong là sai với các quy định luật pháp Việt Nam, không phải là phạm pháp quả tang, không có lệnh bắt khác hoặc lệnh truy nã. Từ đó, những hành vi sau này về tố tụng, theo chúng tôi là cũng không thể chấp nhận được. Tức là vi phạm các thủ tục ban đầu. Theo tôi, Viện kiểm sát phải hủy bỏ việc tạm giữ anh Duy Phong”.

Thông tin từ phía công an cung cấp với báo chí trong nước cho hay ông Phong khai rằng ông đã nhận 250 triệu đồng từ một số doanh nghiệp.

Về vấn đề này, luật sư Hải nói cần phải xem xét những người đưa tiền cho ông Phong có tự nguyện không. Trong trường hợp không tự nguyện, nếu coi nhà báo giữ chức Trưởng ban Bạn đọc là người có chức vụ, việc nhận tiền của ông có thể bị khép vào tội nhận hối lộ.

Tuy nhiên, để khẳng định về tội này, phải có đơn tố giác từ người đưa tiền. Nhưng thông tin từ công an không thể hiện đã có người nào nộp đơn tố giác ông Phong.

Theo luật sư Hải, điều này đặt ra hai khả năng. Thứ nhất, nếu sắp tới có người tố cáo ông Phong, một mặt ông có thể bị khép vào tội nhận hối lộ khi cơ quan điều tra thu thập đủ chứng cứ, nhưng mặt khác, người tố cáo không được xem là người bị chiếm đoạt tài sản nữa mà thậm chí cũng phải bị truy tố về tội đưa hối lộ.

Điều này sẽ là một sự đánh đổi không dễ dàng đối với những doanh nhân và người có địa vị ở Yên Bái, nếu họ quả thật đã đưa hối lộ cho nhà báo. Luật sư Hải phân tích:

“Trong trường hợp đấy, người đưa đó là người đưa hối lộ. Theo luật Việt Nam, người đưa hối lộ chỉ được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp họ tố giác trước khi được phát hiện. Bây giờ công an được coi là phát hiện rồi. Nếu công an nói đúng, thì những người đấy không được miễn trách nhiệm hình sự. Giả thiết rằng đến giờ họ mới khai ra vấn đề đấy, thì họ không được miễn trách nhiệm hình sự, thì họ có khai không?”

Nếu họ [người đưa tiền] không khai, thì lời khai một phía của anh Duy Phong lại không được chấp nhận. Theo luật, lời khai một phía mà không có bằng chứng thì không được coi là chứng cứ để chống lại anh ta. Trong trường hợp đấy là lời khai không xác định được thì cơ quan [pháp luật] cũng không có căn cứ để truy tố anh ta về tội có khả năng bị coi là tội nhận hối lộ
luật sư Trần Vũ Hải

Khả năng thứ hai là không có người tố cáo. Trong trường hợp này, ông Hải nói nhà chức trách không thể truy tố ông Phong:

“Nếu họ [người đưa tiền] không khai, thì lời khai một phía của anh Duy Phong lại không được chấp nhận. Theo luật, lời khai một phía mà không có bằng chứng thì không được coi là chứng cứ để chống lại anh ta. Trong trường hợp đấy là lời khai không xác định được thì cơ quan [pháp luật] cũng không có căn cứ để truy tố anh ta về tội có khả năng bị coi là tội nhận hối lộ”.

Nhà báo Lê Duy Phong bị bắt chỉ ít ngày sau khi báo Giáo dục Việt Nam đăng loạt bài của ông phản ánh những tiêu cực đất đai ở tỉnh Yên Bái, trong đó có nói đến các tư dinh hoành tráng của hai giám đốc Sở Công an và Sở Tài nguyên-môi trường tỉnh.

Loạt bài của ông đã gây rúng động dư luận, tạo ra sức ép dẫn đến một cuộc thanh tra về đất đai, tài sản của các quan chức tỉnh.

Nhiều người viết trên mạng xã hội rằng họ tin có nhiều khả năng ông Phong bị nhà chức trách “gài bẫy”.

Luật sư nổi tiếng Trần Vũ Hải viết trên trang Facebook cá nhân rằng “nếu chấp nhận nghiệp vụ này, nay mai bất cứ nhà báo, quan chức hay thường dân nào cũng có thể bị bắt ‘tào lao’, xã hội vô pháp lên ngôi”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG