Đường dẫn truy cập

Vì sao tôi từ chối vào Đảng Cộng Sản Việt Nam?


Thẻ đảng.
Thẻ đảng.

Thiện Ý


Sau mỗi bài viết được đăng tải trên diễn đàn này, thường có ít nhiều ý kiến phản hồi về nội dung bài viết. Người viết chân thành cảm ơn về sự quan tâm đọc và chia sẻ quan điểm. Tuy nhiên, trong số này, có một số độc giả đã bày tỏ sự bất đồng không phải bằng lý lẽ và thực tiễn để tìm ra chân lý, mà dùng những ngôn từ thiếu văn hóa như gọi người viết là “bọn rân chủ”, “bọn cờ vàng” và chê người viết dốt lịch sử (do đảng viết), sợ không dám nói rõ tên thật… Mục đích mạ lỵ thậm từ để khủng bố tinh thần hòng bịt miệng người viết. Bài viết này nhằm cảnh tỉnh phần nào cho những loại độc giả này, dù là “dư luận viên”, “ăn cơm chúa (đảng), múa tối ngày” hay độc giả bình thường, đều là nạn nhân của nền giáo dục tuyên truyền một chiều, bưng bít sự thật trọng chế độ độc tài toàn trị Cộng Sản Việt Nam (CSVN).

Nội dung bài viết về người thật việc thật, nhưng trong thời điểm hiện nay một số tên người được viết tắt. Vì là một trích ngang hồi ký “Thân Phận Con Người”, nhưng chúng tôi sẽ viết rõ tên người khi cho xuất bản thành sách vào thời gian phù hợp.


I - CƠ HỘI VÀ VÌ SAO TÔI TỪ CHỐI CƠ HỘI VÀO ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM.

  1. Cơ hội vào đảng CSVN

Vào khoảng tháng 1 năm 1978, Thiếu úy S. (1) công an khu vực trường học đã mời tôi vào phòng sinh hoạt đoàn đội trường Phổ Thông Cơ Sở L.L, nguyên là một tư thục của dòng Lasan ở Saigon, nơi tôi đang dậy học và cho hay đảng bộ muốn tạo cơ hội cho tôi gia nhập đảng CSVN.

Theo Thiếu úy S, sở dĩ tôi được chi bộ đảng nhà trường quan tâm bồi dưỡng để kết nạp vào đảng, là vì “ Đồng chí có lý lịch tốt, có năng lực, nhiệt tình trong công tác giảng dậy và sinh hoạt học đường và có ảnh hưởng quần chúng tốt…”. Nếu chấp nhận, sau khi được kết nạp vào đảng, tôi sẽ được tăng lương, biên chế vào Ban Giám Hiệu, sẽ được chọn công tác bất cứ trường học nào trong Thành phố, mọi nhu cầu tài chánh cho công tác của tôi sẽ được đáp ứng…

Đây là điều hoàn toàn bất ngờ và tôi đã phải suy nghĩ rất nhanh để tìm cách trả lời sao cho không bị coi là “chưa dứt khoát tư tưởng” hay có tư tưởng “phản động”. Sau khi tỏ ra xúc động, cảm ơn về sự quan tâm của chi bộ đảng có lợi cho tương lai sự nghiệp cá nhân, tôi đã chối từ với lý do vốn không thích sinh hoạt đảng phái, vì cá tính thích tự do trong cuộc sống, sợ không tuân giữ được kỷ luật nghiêm minh của đảng.Tôi cũng bày tỏ là trước năm 1975, đã được Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) mời, nhưng tôi đã chối từ, mặc dầu rất có cảm tình và lòng ngưỡng phục với đảng trưởng Nguyễn Thái Học, một anh hùng dân tộc. Tôi nói thêm, tất nhiên với đảng CSVN có khác, được vào đảng CSVN là một vinh dự lớn lao.Tôi cảm ơn chi bộ đảng đã quan tâm tạo điều kiện cho được vào đảng…

Sau khi thuyết phục thêm thời gian, Thiếu úy S. nói là tôi không cần trả lời ngay,có thể suy nghĩ và trả lời sau một tuần lễ, kèm yêu cầu như một thử thách tư tưởng xem có dứt khoát về “lập trường giai cấp”, là làm một bản báo cáo những gì tôi biết về một giáo viên dậy Anh văn tên T.V.M, mà theo lời Thiếu úy S., giáo viên này bị nghi ngờ là người của CIA cài lại (mà theo tôi có lẽ chỉ vì giáo viên này thường hay có những phát biểu bộc trực, phê phán thẳng thừng những sai sót, tiêu cực trong nhà trường liên quan đến Ban Giám Hiệu và các viên chức đảng và nhà nước khác).

Một tuần sau, tôi đã giữ im lặng, không trả lời và cũng không nộp bản báo cáo về giáo viên T.V.M. Bí thư Đoàn Đội nhà trường lúc đó là cô N.T.T gặp riêng khi tôi đang ngồi ở băng ghế đá trong sân trường, phàn nàn rằng “Thật không hiểu nổi, đúng ra anh phải là người thích hợp với xã hội chủ nghĩa chứ. Tại sao anh lại từ chối một cơ hội mà nhiều người phải phấn đấu lắm vẫn không được”. Tôi bình thản trả lời “ Ai nói tôi không thích hợp với xã hội chủ nghĩa? Không vào đảng CS đâu phải là không yêu XHCN. Mỗi người có ý thích riêng, tôi thích sông tự do thoải mái, không bị ràng buộc gì hết, thế thôi…”. Đối với Thiếu úy S. thì thay đổi hẳn thái độ, không còn vồn vã, tay bắt mặt mừng như trước đó, mỗi khi gặp mặt, mà nay tìm cách né tránh mỗi khi nhìn thấy tôi từ xa.

  1. Vì sao tôi có cơ hội vào đảng CSVN?

Nếu căn cứ vào nhận xét, đánh giá cá nhân tôi của Thiếu úy S. thì tôi có cơ hội vào đảng CSVN là vì “ Đồng chí có lý lịch tốt, có năng lực, nhiệt tình trong công tác giảng dậy và sinh hoạt học đường và có ảnh hưởng quần chúng tốt…”.

Tôi có lý lịch tốt, có lẽ là vì Cha tôi là Nguyễn Văn Tiến (1907-1960) từng tham gia kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu (1945), khi tôi còn trong bụng mẹ, cho đến năm 1954 mới bỏ về thành. Cha tôi lúc đó đang là công nhân cạo mủ, rồi phơi mủ ở nhà máy của đồn điền cao su đất đỏ Hớn quản, Quản lợi, Lộc Ninh, mặc dầu ông là một trí thức, một thầy tu xuất (Thầy giáo Tiến khi đến làm Thầy giảng nơi giáo xứ Bút Sơn, gặp mẹ tôi và đã xuất tu). Ông viết và nói thông thạo tiếng Pháp.

Tôi được biết, trước khi làm công nhân đồn điền Cha tôi đã làm việc cho Phòng Nhì của Pháp ở Nam Định. Vì vào năm 1950 khi Cha tôi cho người thân tín (Chú Thủ) về quê ngoại tôi ở làng Bút Sơn, Huyện Kim Bảng, Tỉnh Hà Nam (vùng tự do của Việt Minh) để đón mẹ con tôi lên Hà nội (Vùng tề thuộc Pháp), Cha tôi đã đón từ Hà Nội, đưa mẹ con tôi về Nam Định ở phố Hàng Nồi. Khi đó tôi được 5 tuổi. Lần đầu tiên gặp mới biết cha mình là ai. Nhưng chỉ chung sống với cha khoảng 2 năm, tôi có thêm một đứa em trai tên Nguyễn Văn Lợi, thì dường như bị lộ vì Pháp phát hiện nằm vùng cho VM sao đó, nên Cha tôi đã bỏ Miền Bắc vào Miền Nam làm công nhân đồn điền cao su, hoạt động trong giới công nhân (1952) và bảo Mẹ tôi đem hai con về làng Bút Sơn quê ngoại để sinh sống. Em trai tôi đã chết ở đây vì sốt thương hàn, khi chưa đầy hai tuổi.

Năm 1954, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, Mẹ con tôi đã theo người em ruột của cha tôi (Chú Thất) đi lính quân đội quốc gia di cư vào Nam để tìm gặp lại cha tôi tại đồn điền cao su Hớn Quản, Quản Lợi. Mặc dù trước đó cha tôi viết thư về nói cứ ở nhà, Ông sẽ trở về Bắc, “vì nước nhà sắp độc lập”. Một người anh cô cậu ruột với mẹ tôi cũng làm ở đồn điền này (Ô Vũ Đức Kiệm), đã khuyên mẹ tôi tìm cách đưa ngay cha tôi ra khỏi nơi đây vì nguy hiểm lắm. Ông cho hay ‘mỗi khi có cuộc đình công, các công nhân đã phải đến nhà đêm ngày bảo vệ cho chú ấy…”. Sau đó, có lẽ nhờ những kinh nghiệm sống trong “vùng tự do” của Việt Minh khá lâu, đã cùng một số dân làng phải trốn chậy bằng đường rừng qua “Vùng Tề” của Pháp, mẹ tôi đã thuyết phục được cha tôi đồng ý ở lại Miền Nam, rời đồn điền cao-su đến sống tại trại di cư Bàu Trai thuộc tỉnh Long An. Trong thời gian này, một lần duy nhất có một người tên Hựu hay Xứng (Tôi không nhớ rõ) từ đồn điền cao su đến thăm ở chơi ít ngày khuyến dụ cha tôi “Anh trở lại trên ấy với chúng em.Chúng em rất cần anh” (có lẽ là người của đảng CSVN). Sau lần gặp gỡ này một thời gian ngắn sau đó (1955), cha tôi đã vội vã tìm đường đưa gia đình lên lập nghiệp ở một trại di cư dinh điền mới mở ở cao nguyên Trung phần Việt Nam, có tên là Chi Lăng, cách thị trấn Buônmêthuột khoảng 8 cây số. Dường như cha tôi muốn tránh xa sự lôi kéo của CS trở lại đồn điền cao su để sau đó tiếp tục hoạt động cho họ trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng (1954-1975).

Vì “tướng học trò” như lời mẹ tôi thường nói, không quen lao động làm ruộng rẫy cực khổ, ăn uống thiếu thốn, cha tôi đã chết vì bệnh lao phổi vào năm 1960 ở tuổi 53, khi tôi đang học lớp Đệ Lục (Lớp 7) tại trường công lập Buôn mê thuột. Như vậy là cuộc đời cha tôi đã chỉ sống chung với mẹ con tôi trước, sau tổng cộng khoảng 9 hay 10 năm.

Sau khi cha mất, mẹ con tôi tiếp tục làm ruộng rẫy, gói bánh chưng bán làm kế sinh nhai.Bản thân tôi theo thời gian vừa làm vừa học, với đủ mọi nghề (kèm tư gia, chấm bài thuê, dậy tiểu học, rồi trung học,…) . Sau cùng đã tốt nghiệp cử nhân luật để trở thành luật sư trước ngày 30-4-1975. Vì là nghề tự do, hoãn dịch gia cảnh (một mẹ một con duy nhất của góa phụ), nên tôi không thuộc diện tập trung cải tạo. Sau 30-4-1975, tôi đã đến “đăng ký” xin dậy học và trở thành giáo viên tại Trường Phổ Thông Cơ Sở L.L. ở nội thành Saigon.

Trong môi trường giáo dục này, tôi đã phát huy khả năng, sáng kiến viết kịch bản, đạo diễn thực hiện các hoạt cảnh phát động cao trào thi đua, học tập, sinh hoạt học đường qua 3 đợt chủ đề “Tổ Quốc Em Biết Mấy Tự Hào”, “Sao Tháng 10 Ngời Sáng” và “Vươn Tới Tầm Cao Đất Nước”. Một trong những hoạt cảnh này được chọn biểu diễn trước Nhà Hát Thành Phố HCM (Trụ sở Quốc Hội VNCH cũ) trong dịp phát động thi đua học tập toàn thành phố, có sự tham dự của Ông Võ Văn Kiệt là Bí Thư Thành Ủy lúc bấy giờ. Với thành quả sau cùng là Trường Phổ Thông Cơ Sơ L.L đã đạt danh hiệu “Trường Điểm” cho cả nước học tập. Có lẽ vì thế mà Thiếu Úy S. đã đánh giá tôi là người “có năng lực, nhiệt tình trong công tác giảng dạy và sinh hoạt học đường…”? Tôi lại được các giáo viên tín nhiệm bầu làm Thư Ký Hội Đồng Giáo Dục Nhà Trường có vai trò gạch nối giữa Ban Giám Hiệu và tập thể giáo viên nên được đánh giá là “có ảnh hưởng quần chúng tố” chăng?

Tôi không được Thiếu úy S. cho biết ai là người đã giới thiệu tôi vào đảng CSVN, nên chỉ suy đoán có lẽ là chị Hiệu Trưởng Đ.N, có chồng tên L., bí danh Ba S. Lúc bấy giờ chị N. nói với tôi anh L. là Ủy viên dự khuyết Trung Ương đảng. Vì trước đó, họ đã có nhiều dấu hiệu quan tâm ưu ái đặc biệt, khuyến khích tôi theo hướng phấn đấu để được kết nạp vào đảng CSVN. Chẳng hạn có đôi lần chị Hiệu Trưởng mời tôi đến dùng cơm, giới thiệu với chồng tại nhà ở cư xá Ngân Hàng cũ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần cầu Công Lý cũ). Có lần chị thăm dò tôi về tôn giáo xem tôi có còn giữ đạo Công giáo như ghi trong lý lịch. Tôi đã xác định “Đúng là theo đạo của cha mẹ, không sùng đạo, nhưng thiên về sống đạo, tôi vẫn giữ đạo đàng hoàng, ít khi bỏ lễ Chủ nhật và các ngày lễ buộc…”

Khi đón nhận danh hiệu “Trường Điểm”, Chị đã ca ngợi hết lời và ghi công cho tôi rất nhiều và nói lên trước cuộc họp các giáo viên thành quả này có được do sự hợp tác làm việc ăn ý, hiệu quả giữa tôi và chị, bằng câu nói hữu thần, dù chị là đảng viên CS vô thần, rằng “Trời sinh ra Đ.N thì phải sinh ra Nguyễn Văn Thắng”. Mặc dầu tôi không phải là đảng viên CS, nhưng Chị phong cho chức Cố vấn Đoàn Đội nhà trường và yêu cầu Bí Thư đoàn đội nhà trường khi làm gì cần tham khảo ý kiến với tôi. Chị cũng cho tôi quyền sử dụng con dấu nhà trường khi cần không có chị ở văn phòng, nên anh chị em giáo viên gọi đùa tôi là Hiệu Phó thứ tư (ngoài 3 Hiệu phó chính thức theo biên chế)….

II - VÌ SAO TÔI TỪ CHỐI CƠ HỘI VÀO ĐẢNG CSVN

1 - Lý do từ chối giả tạo

Lý do giả tạo tôi đưa ra để từ chối cơ hội vào đảng CSVN với Thiếu úy S. không phải vì cá tính thích tự do, không muốn bị ràng buộc; cũng như viết trong bản tự khai với chấp pháp (hỏi cung) sau khi bị bắt vì tham gia thành lập và hoạt động trong Mặt Trần Nhân Quyền Việt Nam, không phải vì Đảng đã kỳ thị, không tin tôi chỉ vì tôi là người Công giáo, nên tôi bất mãn, không vào đảng mà chống chế độ…

2 - Lý do từ chối thực sự

Lý do từ chối thực sự cơ hội vào đảng CSVN, mà chống chế độ vì nhận thức tư tưởng cũng như kinh nghiệm thực tế cho tôi thấy rằng: Chủ nghĩa cộng sản là không tưởng, một lý tưởng có vẻ cao đẹp (xây dựng một xã hội không giai cấp, không người áp bức,bóc lột người…) nhưng chỉ là hoang tưởng không thể và không bao giờ thực hiện được.Vì chỉ cân suy luận đơn giản nhất, trong hàng ngũ chức sắc lãnh đạo ưu tuyển của các tôn giáo, không gia đình vợ con, cả đời tận hiến phục vụ tha nhân cho một lợi ích siêu nhiên, mà còn có nhiều người “tham sân, si” tha hóa, thì các cán bộ đảng viên CS vô thần có gia đình, thì làm sao có bản chất, nhân cách, lối sống vị tha quên mình “mình vì mọi người,khổ trước cái khổ của dân, vui sau cái vui của dân”, để thực hiện “một xã hội không giai cấp, không còn cảnh người áp bức, bóc lột người” như lý tưởng CS vẽ ra? Vả lại, lúc đó tôi thấy, động lực để người ta phấn đấu vào đảng hình như đa phần không phải vì lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa cộng sản mà vì lợi ích cá nhân; vào đảng để có ưu quyền. đặc lợi, để chia ghê chia phần trong bộ máy cầm quyền độc tài, độc tôn của đảng CSVN.

Nhìn vào thực tế, qua kinh nghiệm thực hiện chủ nghĩa CS khởi đi từ Liên Xô cũ đến các nước khác trên thế giới, ai cũng thấy sự tàn ác, dã man, vô nhân đạo gây khổ lụy cho bao nhiều con người, đã phá hủy nền tảng đạo đức, luân lý xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng, toàn diện, di hại lâu dài cho nhiều dân tộc, đất nước chỉ vì đã bị các đảng CS, trong đó có đảng CSVN, đem thử nghiệm chủ nghĩa không tưởng này.

Tôi có được nhận thức và kinh nghiệm trên nhờ sống ở Miền Nam trong chế độ tự do, dân chủ pháp trị, dù còn phôi thai nhưng ai cũng có thể tự do tìm hiểu chủ nghĩa CS, biết được qua kinh nghiệm thực tế ở các nước CS qua nhiều tài liệu trong và ngoài nước. Đồng thời bản thân tôi lại còn có chút kinh nghiệm có được qua hầu hết tuổi thơ sống trong vùng “Tự do” do Việt Minh kiểm soát (tương tự vùng giải phóng của Việt cộng sau này ở Miền Nam).

Đó là vào khoảng 1951-1952, với kinh nghiệm ấn tượng là tận mắt chứng kiến cảnh đấu tố dã man vợ con ông “Cai Đích” (đi lính cho Tây chỉ làm đến chức Cai, tứcTrung sĩ, dù lúc đó Ông đã chết) khi theo mẹ đi chợ ở làng Phù Thụy; và tận mắt thấy người ta trói Ông Bà Lý Quốc Chương (cha mẹ của Ls Lý Quốc Sỉnh sau này đã nhận tôi tập sự luật sư) ở Lạt Sơn, để cho dân chúng lấy thóc, hôi của gọi là “quân phân tài sản địa chủ chia cho người nghèo”. Cả hai làng Phù Thụy và Lạt Sơn đều sát gần làng Bút Sơn quê ngoại tôi, thuộc huyện Kim Bảng, tình Hà Nam, nên thời bấy giờ dân các làng này có thể đi bộ qua lại.

Chính nhờ kiến thức, kinh nghiệm xa gần trên về cộng sản, đã là lý do thực sự để tôi từ chối cơ hội vào đảng CSVN và vì ngay khi có cơ hội này tôi đã, đang tham gia vào việc thành lập và hoạt động trong tổ chức Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam chống lại chế độ do đảng CSVN áp đặt.

III - KIÊN ĐỊNH LẬP TRƯỜNG QUỐC GIA, DÂN TỘC, TRUNG THÀNH VỚI LÝ TƯỞNG TỰ DO, DÂN CHỦ

Cha tôi, một trí thức như rất đông các nhà trí thức cùng thời, vì lòng yêu nước đã chấp nhận hy sinh hạnh phúc gia đình, chấp nhận hiểm nguy tham gia cuộc kháng chiến 9 năm (1945-1954) chống thực dân Pháp để giành độc lập cho Tổ Quốc; chứ không phải cướp chính quyền cho đảng CSVN thực hiện chủ nghĩa cộng sản trên đất nước ta, theo chỉ thị của cộng sản quốc tế.

Sau khi cuộc kháng chiến chấm dứt, với Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, chính cha tôi cũng như nhiều người Việt quốc gia yêu nước khác, ai cũng nghĩ thế, nên viết thư về nói mẹ con tôi cứ ở lại Miền Bắc đợi ông “Tập kết” trở về,vì “nước nhà sắp độc lập” (!?!). Rất may có lẽ mẹ tôi đã dùng chính kinh nghiệm sống trong “vùng tự do” của Việt Minh, nên đã thuyết phục được cha tôi ở lại Miền Nam. Nhưng thái độ tôi nghĩ là tiêu cực khi cha tôi sau khi tìm cách xa lánh Việt cộng, lại đã không cộng tác với chính quyền quốc gia đem tài năng góp phần cải tạo một chế độ mà sau này trong men say ông thường kết án là một “xã hội thối nát, bất công” và chỉ biết tự hào với quá khứ kháng chiến chống Pháp, rằng Ta làm cách mạng, ta không cần vợ cần con”. Tiếc rằng, cha tôi đã không sống đủ thời gian để thấy con mình, dù sống trong cái chế độ “Thối nát, bất công” ấy, nhưng với ý chí và nghị lực tự thân, nó đã có cơ hội nỗ lực phấn đấu vươn lên từ tầng đáy lến đến tầng cao của xã hội trong chế độ ấy.

Nhưng nếu giả như tôi phải sống trong xã hội của chế độ Miền Bắc từ năm 1954 thì sao?- Chắc chắn con ông nếu không chết mất xác trên đường Trường Sơn để “giải phóng Miền Nam” thì vào năm 1975 tốt lắm con ông cũng chỉ mang quân hàm Trung úy quân đội CSBV, như người bạn của tôi thời thơ ấu tên Trạch ở làng Bút Sơn quê ngoại mà nó tìm gặp lại tôi ở Saigon những ngày, tháng đầu sau 30-4-1975. Số phận khác biệt này chính là do sự khác biệt giữa một xã hội trong một chế độ độc tài toàn trị do đảng CSVN áp đặt ở Miền Bắc sau năm 1954; với một xã hội trong một chế độ dân chủ pháp trị ở Miền Nam do sự lựa chọn tự do của người dân Miền Nam, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955, sau Hiệp Định Gènève 1954 chia đôi đất nước .

Vì vậy, đó là tất cả những lý do tổng quát mà tôi đã từ chối cơ hội vào đảng CSVN với nhiều ưu quyền, đặc lợi, để chọn con đường chống chế độ dù phải vào tù. Có lẽ nhờ “lý lịch tốt”, được “chiếu cố” nên tôi chỉ bị chế độ cho án tù tập trung cải tạo 3 năm, thay vì 10 năm nếu bị đưa ra xét xử làm vụ án “phản động” điển hình, như cán bộ Đội trưởng đội chấp pháp vụ án Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam, là Tr. A. Nh.. nói với tôi khi kết thúc điều tra xét hỏi vụ án; hay vì “Tội anh lớn lắm” như lời Thiếu Úy Thùy Trưởng khu C.2 nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu nói với tôi trước cửa phòng biệt giam số 6 trong một lần tôi mới đi làm việc (hỏi cung) trở về biệt giam .

Nhưng 3 năm hay 30 năm tù “tập trung cải tạo” hay hơn nữa cũng thế thôi, cũng không thể “Cải tạo” được tôi đâu. Tôi thấy mình rất may mắn được sống ở Miền Nam hơn 20 năm dưới bóng Cờ Vàng, biểu tượng của quốc gia dân tộc, của lý tưởng tự do dân chủ. Và tôi cũng rất tự hào là đã có một quyết định lựa chọn đúng khi “Từ chối cơ hội vào đảng CSVN”, phù hợp với lập trường kiên định Quốc gia, Dân tộc, Dân chủ, để tiếp tục, bằng mọi phương cách, cùng toàn dân Việt Nam đấu tranh cho đến khi thành đạt mục tiêu tối hậu là dân chủ hóa Việt nam, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển toàn diện đất nước đến phú cường, văn minh, tiến bộ theo kịp đà tiến hóa chung của thời đại.

Thiện Ý

Houston, ngày 28-1-2017

GHI CHÚ:

(1) Thiếu úy S. công an khu vực nhà trường (1978) đã là Trung tá Trưởng Công An một quận nội thành Saigon vào năm 1992. Sở dĩ tôi biết được cấp bậc này là vì trước khi gia đình rời Việt Nam đi định cư tại Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ, tôi đến chào tạm biệt người bạn thân mà tôi đã có bài viết vào dịp Tết năm nào, nhan đề “Thư xuân viết về và viết cho người bạn thân, một đảng viên CS chân chính” được đài VOA cho đăng tải cách nay vài năm. Trước khi chia tay tôi có nói đùa một câu “Nếu ngày ấy không từ chối cơ hội vào đảng thì giờ này tôi làm gì ở đâu ha…”. Người bạn không trả lời vào câu hỏi, mà chỉ nói “Đồng chí ấy (Thiếu úy S.) bây giờ đã là Trung tá Trưởng công an Quận X …”

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG