Đường dẫn truy cập

Văn học trong nước 2010 như tôi thấy


Nguyễn Viện được nhìn bởi Cù Huy Hà Vũ
Nguyễn Viện được nhìn bởi Cù Huy Hà Vũ

NGUYỄN VIỆN Nhà văn Nguyễn Viện sinh năm 1949 tại Hải Dương. Hiện sống tại Sài Gòn. Đã in 11 tác phẩm. Trong đó có 2 tác phẩm in tại Mỹ, 5 tác phẩm do Cửa Xuất Bản phát hành ngoài luồng tại Việt Nam, 1 tác phẩm bị thu hồi ở trong nước. Đa phần tác phẩm đã phổ biến trên Damau.org, Talawas.org và gần như đầy đủ trên Tienve.org

Sinh hoạt văn học nghệ thuật năm 2010 trong nước đã mở đầu bằng một “Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam ra nước ngoài” diễn ra trong tháng 1.2010 tại Hà Nội rất hoành tráng và nhiều tham vọng. Kết quả thực sự của nó tất nhiên còn nằm ở phía trước, nhưng đã không có mấy ai kỳ vọng gì nhiều sau khi hội nghị kết thúc, ngoài một thành tích để báo cáo trong dịp mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long.

Một sự kiện cũng không kém đình đám trong sinh hoạt văn nghệ năm 2010 là bài viết của nhà văn Trang Hạ về Hội Nhà văn và đặc biệt là ông Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội (http://trangha.wordpress.com/2010/07/29/em-khong-phai-nha-van/). Bài viết đã tạo được rất nhiều chú ý của dư luận qua một số sự việc liên quan đến nhà chính trị kiêm nhà thơ này, bởi nó mang tính tiêu biểu cho thái độ và hành vi của các quan chức chính quyền trong việc ứng xử với Trung Quốc.

Trong số các hoạt động có tính chính thống hay còn gọi là “trong luồng”, tôi không quan tâm đến sự việc của nhà thơ Trần Mạnh Hảo tại Đại hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 và những phát biểu của ông ta, mặc dù đó là một hành động khảng khái đáng được khích lệ (sự việc này đã được chính ông Trần Mạnh Hảo cho phổ biến lại trên Talawas, quí vị nào quan tâm có thể tìm đọc). Một sự việc đã được mọi bên liên quan và những khán giả của nó biến thành khôi hài.

Đối với tôi, sự kiện nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam với chức vụ Phó chủ tịch, và nhà nghiên cứu lý luận Phạm Xuân Nguyên nắm chức Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội mới là những yếu tố tích cực đáng chú ý, trong lúc các Hội Nhà văn địa phương dường như có khuynh hướng bị điều phối bởi các quan chức Ban Tuyên giáo, như trường hợp Ban Nghiên cứu lý luận phê bình của Thành phố Hồ Chí Minh là điển hình nhất với trưởng ban và hai phó ban đều là người của Ban Tuyên giáo Thành Ủy.

Trường hợp Phạm Xuân Nguyên, tôi cho là một bất ngờ, mặc dù trong chế độ hiện tại ở Việt Nam, chẳng có vấn đề nhân sự nào lại không nằm trong qui hoạch của Đảng. Đây là 2 nhân tố mới có thể cho người ta hy vọng cái xác già nua cũ kỹ của văn học (trong luồng) có thêm sinh khí. Đây cũng là kỳ vọng của riêng tôi đối với Nguyễn Quang Thiều và Phạm Xuân Nguyên. Nếu họ không làm được gì hơn như hiện nay, tôi vẫn coi vai trò của họ như một bước chuyển tiếp đến một giai đoạn sáng sủa hơn.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục được chú ý với Cánh động bất tận lên phim. Có thể đây sẽ là phim tạm coi được nếu như nó không có cái kết thúc kiểu “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Một kết thúc đưa ma Cánh đồng bất tận vào nghĩa địa của cộng đồng nghệ thuật phải đạo. Dù sao, phim cũng không phải là của Nguyễn Ngọc Tư, bên cạnh đó cô còn có một cuốn sách mới Khói trời lộng lẫy được ra mắt xôm trò tại Cà phê Thứ Bảy (Sài Gòn) của nhạc sĩ Dương Thụ.

Xin nói thêm, tại Cà phê Thứ Bảy, nhạc sĩ Dương Thụ là “chủ xị” của một sinh hoạt văn học nghệ thuật thường kỳ vào mỗi sáng thứ Bảy mới xuất hiện trong năm nay. Có lẽ, cho đến thời điểm này, đây là một nơi sinh hoạt tư nhân thường kỳ duy nhất không do chính quyền hay các nhà văn hóa nước ngoài quản lý và tài trợ. Một trong những sinh hoạt đáng chú ý trong năm nay của Cà phê Thứ Bảy là buổi giao lưu của nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê.

Năm 2010 cũng là năm xuất hiện của vài khuôn mặt mới mà theo tôi, đó là những tài năng thật sự.

Nhà thơ Lưu Mêlan
Nhà thơ Lưu Mêlan

Một Lưu Mêlan, nhà thơ sinh năm 1989 (tham khảo http://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do;jsessionid=87702875F37767B8920AAE387D7A9D00?action=show&authorId=1479) – xuất hiện gần như hàng ngày trên Tienve.org, Damau.org, Vanchuongviet.org, với mỗi lần đăng không chỉ một bài. Thơ của Lưu Mêlan là sự tràn ra của một linh hồn vượt qua mọi khuôn khổ tuổi tác và cái gọi là sự trải nghiệm. Thơ của cô trình bày một thế giới khác, một cảm quan nghệ thuật đầy tính siêu hình của một hiện sinh khắc khoải và đau đớn, một cách viết khác cắt đứt hẳn với truyền thống thơ Việt bằng một ngôn ngữ giản dị nhưng dị thường.

Nhà văn Vũ Lập Nhật
Nhà văn Vũ Lập Nhật

Một Vũ Lập Nhật (A Dĩ), nhà văn sinh năm 1990 (tham khảo http://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=1551). Tuy viết không nhiều, nhưng truyện nào của cô cũng cho thấy cô là một nhà văn rất chuyên nghiệp, từ cách dựng truyện đến cách cô làm văn. Điều đáng kể của cô là những ý tưởng rất lạ trong từng chi tiết đến cách cô dàn dựng nó. Nói một cách khác, ở mỗi truyện, cô đều tìm được cho nó một cách thể hiện riêng.

Cả Lưu Mêlan và Vũ Lập Nhật đều đang còn là sinh viên tại Sài Gòn.

Một khuôn mặt trẻ khác cũng gây chú ý do sự xuất hiện ồ ạt là nhà văn Lê Minh Phong, sinh viên cao học Đại học Huế (tham khảo http://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=1467). Tôi xin lỗi không có ý kiến về nhà văn này vì không đọc kỹ. Tuy nhiên, tôi tin vào sự định giá về Lê Minh Phong của trang Tienve.org khi nhà văn này có mặt rất đều đặn suốt năm ở đây.

Năm 2010 cũng là năm được mùa của trang mạng vanchuongviet.org. Một trang mạng tư nhân hoàn toàn và chỉ do một người quản lý - ông Nguyễn Hòa vcv ở Sài Gòn (xin đừng nhầm với ông Nguyễn Hòa ở Hà Nội), nhưng có thể nói là đình đám nhất trong nước. Ngoài những cây viết trong nước đủ mọi miền, đặc biệt là những cây bút cũ của miền Nam trước 1975, gần đây Vanchuongviet còn có sự tham gia đông đảo của các cây bút hải ngoại. Nhân tiện, cũng xin nói giùm ông Nguyễn Hòa vcv rằng: Vanchuongviet không nằm trong bất cứ chủ trương nào của nhà nước, kể cả chuyện hòa hợp, hòa giải v.v…ấm ớ hội tề.

Về tình hình xuất bản, sự kiện tác phẩm phỏng vấn “Thơ đến từ đâu” do Nguyễn Đức Tùng thực hiện gây được dư luận rộng rãi với những quan điểm rất khác biệt. Đặc biệt, cuộc tranh luận không chỉ nhằm đến nội dung tác phẩm mà cái được cho là thái độ chính trị của tất cả các bên liên quan chung quanh sự xuất hiện của tác phẩm này cũng được đề cập.

Bên cạnh sự có mặt theo kiểu “trong luồng” đó, không thể không kể đến các hoạt động “ngoài luồng” của các NXB như Giấy Vụn của nhóm Mở Miệng với các tác phẩm: Khi kẻ thù ta buồn ngủ / When our enemy falls asleep (Tập thơ song ngữ Việt – Anh của Lý Đợi. Bản dịch Anh ngữ của Nguyễn Tiến Văn), Trại súc vật của George Orwell (Bản dịch tiếng Việt của Phạm Minh Ngọc), Trước khi thành giấy vụn - Tập thơ Trúc-Ty. NXB Một Mình với hai bộ toàn tập 2 và 3 của Cung Tích Biền do chính nhà văn này thực hiện. Toàn tập 1 đã in trong năm 2009, theo dự kiến toàn bộ tác phẩm Cung Tích Biền sẽ được tuần tự ấn loát trong khoảng 10 tập, mỗi tập 600-700 trang in. Nhà thơ Trần Tiến Dũng tự xuất bản tác phẩm Mây bay là mây bay rồi. NXB Cửa của Nguyễn Viện trong năm nay không in cuốn nào. Cũng xin nói thêm, có một NXB mới mang tên Kông Kốc đã góp mặt trong làn sóng “ngoài luồng” với tác phẩm Tìm hiểu về nhà nước pháp quyền.

Trong một trao đổi ngắn với nhà văn Cung Tích Biền, anh cho rằng tất cả các NXB “ngoài luồng” đều có những đặc trưng riêng và dù được đón nhận hay không một cách chính thức, thì những NXB này cũng đã có những đóng góp thật sự quí giá vào cục diện văn học Việt Nam hiện nay.

Để kết thúc, tôi có thể khẳng định khuôn mặt thực sự của văn học Việt Nam đương đại đang nằm trên các trang mạng, nhưng rất tiếc các nhà nghiên cứu cả trong lẫn ngoài nước đều không tìm đến ngọn nguồn sự thật này, mà họ chỉ tìm những thứ hàng giả qua các nhà xuất bản chính thống trong nước và đại diện của nó là Hội Nhà văn Việt Nam.

1.1.2011

XS
SM
MD
LG