Nói chuyện trong một cuộc họp báo tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hôm thứ Bảy, nơi dừng chân thứ năm trong chuyến đi này, bà Pillay đưa ra 4 lãnh vực cần quan tâm: quyền của phụ nữ, tình trạng vô quốc gia, tình hình của những công nhân di cư và quyền tự do bày tỏ tư tưởng, lập hội và tụ họp.
Tại một vài quốc gia như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Qatar, người nước ngoài nhiều hơn công dân của những nước này. Tuy nhiên nhiều chính phủ trong vùng chưa ban hành những luật lệ cho công nhân nước ngoài những quyền bình đẳng.
Một hệ thống có tên là Kafala hiện hữu tại hầu hết các nước, đòi hỏi các công nhân phải có những người bảo trợ địa phương. Bà Pillay nói là hệ thống này cho phép thi hành những điều bất hợp pháp như tịch thu hộ chiếu và giữ lại lương bổng của công nhân.
Bà Pillay nói: “Nhiều vấn đề nổi bật lên vì công nhân không được bảo vệ trong hệ thống Kafala hay còn gọi là bảo trợ, một hệ thống làm cho những công nhân di cư dễ bị bóc lột trong mối liên hệ bất bình đẳng về quyền lực với chủ nhân.”
Bà Pillay cũng nói là phụ nữ ở vùng Vịnh không thể hưởng đầy đủ những quyền của con người. Cũng như trong các quốc gia Hồi Giáo người phụ nữ không được quyền tự lựa chọn trong một số vấn đề hay là được tham dự đầy đủ vào đời sống công cộng.
Tại Ả Rập Xê-út phụ nữ không được quyền lái xe và cần phải có một người giám hộ nam đi kèm theo nếu muốn ra khỏi nhà.
Tuy nhiên những bước tiến đến một sự bình đẳng về giới tính nhiều hơn đã được thực hiện. Và hiện nay phụ nữ được hưởng một nền giáo dục cao hơn tại tất cả 6 quốc gia vùng Vịnh và có một ít phụ nữ giữ những chức vụ trong chính phủ,
Bà Pillay cho biết là những cuộc gặp gỡ với các giới chức thuộc các quốc gia này đã đảm bảo cho bà là tình trạng tổng quát về nhân quyền trong vùng sẽ tiếp tục được cải thiện.
Bà Pillay nói: “ Trong tất cả mọi trường hợp, các vị nguyên thủ quốc gia và các bộ trưởng tôi gặp đều bày tỏ mối quan tâm của họ trong việc tiếp tục xúc tiến để đạt được những tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. Tôi đặc biệt xúc động về sự kiện là tại 4 quốc gia mà tôi đã thảo luận với các chính phủ cho tới nay, đã có sự đồng thuận là nhân quyền không mâu thuẫn với Hồi Giáo mà còn có thể thực hiện được.”
Bà Pillay nói là bà hy vọng chuyến đi hiện nay của bà sẽ cho phép Liên Hiệp Quốc hỗ trợ tốt hơn và cố vấn cho từng quốc gia riêng lẻ ở vùng Vịnh làm thế nào cải thiện tình trạng nhân quyền tại đây.
Bà Pillay nói: “Những thay đổi xã hội quan trọng không thể nào thực hiện trong nay mai và tôi chấp nhận mức độ thay đổi tùy thuộc, về một phương diện nào đó, vào sự đồng thuận cần thiết trong dân chúng. Tuy nhiên điều này không phải là không trải qua những quyết định thay đổi mạnh bạo. Tôi được thuyết phục là đã có quyết tâm về chính trị ở đây như lời của ngoại trưởng Ả Rập Xê-út, Hoàng thân Saud Al Faisal đã nói với tôi: Không những chúng tôi muốn tiến tới mà chúng tôi đang có kế hoạch để tiến tới“
Bà Pillay sẽ hoàn tất chuyến đi thăm 6 nước trong chặng dừng chân cuối tại Oman vào ngày 26 tháng Tư.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói rằng các quốc gia Ả Rập trong vùng Vịnh đã có thêm các quyền tự do cơ bản, tuy nhiên cần có tiến bộ hơn nữa. Đây là lần đầu tiên Cao Ủy Navi Pillay thăm tất cả 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, trong cùng một chuyến đi để có được những thông tin tại chỗ về việc thực thi nhân quyền trong vùng.