Đường dẫn truy cập

Vì sao tỷ lệ tử vong vì Covid tại Việt Nam cao?


Một điểm cách ly ở Tp. Hồ Chí Minh. Hình minh họa. Photo Báo Dân tộc.
Một điểm cách ly ở Tp. Hồ Chí Minh. Hình minh họa. Photo Báo Dân tộc.

Sự ngạo nghễ quá sớm của Việt Nam trong chống dịch đã vụt tắt và đọng lại là sự thụ động trong chiến lược chống dịch. Tổng số người được tiêm hai mũi vắc-xin Covid ở Việt Nam chiếm chưa tới 1% dân số và xếp trong nhóm chót bảng trên thế giới, chỉ hơn được vài nước châu Phi như Nigeria, Congo hay Sudan.

Điều này góp phần dẫn tới tỷ lệ tử vong vì Covid lên tới trên 4% tổng số các ca đã có kết quả cuối cùng, cao hơn so với chỉ 1% ở ít nhất là hai nước ASEAN khác như sẽ được đề cập ở phần sau.

Không chỉ chiến lược vắc-xin của Việt Nam vỡ trận mà lòng người cũng ly tán vì vắc-xin. Người giàu có, giỏi quan hệ nhiều khả năng được tiêm trước trong khi rất nhiều người dị ứng với vắc-xin của Trung Quốc.

Trong khi đó với các cấp độ khác nhau, vắc-xin của Trung Quốc đã góp phần giúp Cam-pu-chia tiêm chủng được cho 34% dân số, Malaysia 23%, Lào gần 12%, Philippines 9.5%, Indonesia 8%, Brunei trên 7% và Thái Lan 6%.

190 triệu liều vắc-xin Trung Quốc

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 4/8 được dẫn lời nói Trung Quốc đã cung cấp 190 triệu liều vắc xin cho 10 nước thành viên ASEAN dù đây là con số chưa được kiểm chứng.

Singapore không nằm trong số các nước ưa dùng vắc-xin của Trung Quốc nhưng mua được các loại vắc-xin của phương tây về tiêm hai mũi cho hơn 60% dân số. Nước ASEAN còn lại, Myanmar đã chủng ngừa toàn diện cho gần 3% dân số.

Như vậy cho tới nay Việt Nam vẫn là nước kém nhất trong số 10 nước ASEAN khi tiêm chủng hai mũi cho chưa tới 1% dân số.

Mặc dù hai loại vắc-xin của Trung Quốc, Sinopharm và Sinovac, không hiệu quả như Pfizer, Moderna hay AstraZeneca, cả hai đều nằm trong danh sách bảy vắc-xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt cho chương trình tiêm chủng toàn cầu.

Cũng vì tính hiệu quả kém hơn của Sinopharm và Sinovac mà các nước như Indonesia và Thái Lan hiện đang đổi chiến lược tiêm vắc-xin cho người dân. Thay vì tiêm cả hai mũi vắc-xin Trung Quốc, người ta sẽ tiêm mũi thứ hai bằng vắc-xin AstraZeneca trong trường hợp Thái Lan và Moderna cho người dân ở Indonesia, theo BBC.

Một điều nữa cần nói là Sinopharm, loại Việt Nam vừa quyết định nhập về năm triệu liều, có hiệu quả tốt hơn Sinovac. Dù khả năng chống lây nhiễm kém hơn các vắc-xin của phương tây, hai loại vắc-xin Trung Quốc được cho là khá hiệu quả trong việc giảm các trường hợp nhiễm bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên đó là kết quả nghiên cứu đối với Covid xuất phát từ Vũ Hán chứ không phải biến thể từ Anh hay từ Ấn Độ.

Trước tình hình khan hiếm vắc-xin, Việt Nam dường như cũng đã chấp nhận phải dùng loại vắc-xin kém hiệu quả hơn để giảm các ca bệnh nặng và số người chết vì Covid. Đây rõ ràng không phải là giải pháp tối ưu nhưng nó là giải pháp duy nhất hiện có. Việt Nam cũng có thể thử nghiệm tiêm liều một bằng Sinopharm và liều hai bằng AstraZeneca, Pfizer hay Moderna.

Tỷ lệ tử vong tới 4.47% ở Việt Nam

Tính tới ngày 5/8, Việt Nam có tổng cộng 185.004 ca nhiễm và 124.248 ca đang được điều trị, theo VnExpress. Tổng số ca đã có kết quả cuối cùng là 60.760 trong đó 58.040 người khỏi và 2.720 tử vong. Tỷ lệ người chết như vậy là 4.47% (2.720/60.760). Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với con số 1% ở Thái LanMalaysia. Nó cũng lớn hơn tỷ lệ 3.35% của Indonesia. Lý do có thể là bệnh viện quá tải không chữa trị kịp cộng với số người được chủng ngừa quá ít so với các nước khác. Cũng chưa rõ tỷ lệ phần trăm ca nhiễm chủng Ấn Độ ở Việt Nam so với các nước láng giềng ra sao. Chủng Delta có khả năng lây nhiễm nhanh cũng như dễ dẫn tới tử vong hơn.

Cả bảy loại vắc-xin được Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng đều có khả năng giảm bệnh nặng và nhất là giảm số trường hợp tử vong ở các mức độ khác nhau. Điều nhiều bác sỹ đã khẳng định là tiêm bất cứ loại vắc-xin nào cũng tốt hơn là không tiêm. Nhưng không có loại vắc-xin nào là thần dược và loại bỏ hoàn toàn khả năng tử vong, nhất là đối với những người già yếu và có bệnh nền.

Không có gì khó hiểu khi không ít người Việt nói không với vắc-xin Trung Quốc. Tại Nga nhiều người còn trả tiền cho bác sỹ để lấy giấy đã tiêm vắc-xin trong khi thực tế họ chưa hề có giọt vắc-xin nào trong người. Khi con người không có niềm tin với một loại vắc-xin nào đó, hay thậm chí là với tất cả các loại vắc-xin Covid, thuyết phục người ta bảo vệ chính họ và cộng đồng không dễ như chúng ta nghĩ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG