Đường dẫn truy cập

Trường chuyên, lớp chọn và giáo dục toàn diện ở Việt Nam


Trong một lớp học tại Việt Nam. Thầy giáo là nhà giáo dục nổi tiếng, Phạm Toàn. Hình minh họa.
Trong một lớp học tại Việt Nam. Thầy giáo là nhà giáo dục nổi tiếng, Phạm Toàn. Hình minh họa.

Trần An-Bee


Khi chọn trường cho con, bạn nghĩ thế nào là một ngôi trường tốt? Đâu là tiêu chuẩn để giúp bạn đánh giá một ngôi trường hay một nền giáo dục là tốt?

Câu hỏi nghe có vẻ đơn giản nhưng rất nhiều khi người được hỏi đã không biết phải trả lời thế nào cho thoả đáng. Nhiều người cho rằng một ngôi trường tốt là một ngôi trường mà các học sinh ở đó đạt điểm thật cao trong các kỳ thi. Điểm số của các môn Toán, Anh, Lý, Sinh v.v được coi như một tổng hợp cho tiêu chuẩn để đánh giá một ngôi trường hay một nền giáo dục là tốt hay không. Ở các ngôi trường đó, cảm xúc của học sinh cũng như sức khoẻ tâm sinh lý của các em chỉ có một chỗ đứng rất khiêm tốn trong bảng tiêu chí cần phải đạt được này. Những người khác có thể không coi trọng điểm số, nhưng có lẽ không có sự chọn lựa nào khác và cũng không thể chọn đi ngược dòng với đa số nên cứ gửi con đến trường là được.

Sau 1975, việc làm sao để ‘ăn no mặc ấm’ là quan trọng hàng đầu. Ngày nay, nhu cầu đó đã nâng lên thành ‘ăn ngon mặc đẹp’. Nhu cầu về giáo dục cũng thế, sau chiến tranh, việc làm thế nào để con cái được đến trường là ổn. Xu hướng này cũng đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây tại Việt Nam. Trong các gia đình trẻ với cả ba và mẹ đều đi làm, các gia đình này cũng chỉ dừng lại ở 2 -3 con, các phụ huynh đã không chỉ muốn con mình học biết các môn học chính mà thôi, nhưng còn muốn bù đắp nhiều hơn cho con cái của mình những gì mà bản thân họ đã không có được khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ bù đắp bằng cách tìm kiếm các khoá học, lớp học bồi dưỡng thêm khả năng tiếng Anh và các kỹ năng khác cho con tại các lớp học ngoại khoá.

Ở Việt Nam, các trường tư đang có xu hướng mở ra các lớp ngoại khoá vào cuối ngày hoặc cuối tuần. Các trường công thì cũng rập ràng lần lượt thêm các môn học được cho là không thuộc vào hàng quan trọng nhất nhưng lại là các môn đáp ứng đòi hỏi mang tính thời thượng của các phụ huynh học sinh. Các lớp ngoại khoá như lớp Anh ngữ, nghệ thuật hội hoạ, âm nhạc, đi tham quan nhà vườn, và gần đây thì tham gia các lớp dạy đọc sách, mua thẻ thành viên cho con tại các thư viện tư nhân, cũng như tham gia các lớp dạy về kỹ năng sống. Các khoá học hay lớp học này trở thành một ngành kinh doanh đang nở rộ tại Việt Nam.

Cả hai xu hướng, một là tập trung tối đa vào các môn khoa học tự nhiên, hai là tập trung đầu tư cho một mảng kinh doanh mới mang tính bù đắp cho sự thiếu hụt của giáo dục, đều đang bỏ qua mục tiêu nền tảng của giáo dục. Điều này đã và tiếp tục là rào cản cho sự cải cách và phát triển giáo dục tại Việt Nam hiện nay. Mặc dù đã có rất nhiều hô hào cho các cuộc cải cách giáo dục, nhưng việc dùng phương pháp mới để thực hiện một triết lý giáo dục cũ thì cũng giống như là ‘bình mới rượu cũ’, đưa đến việc cả bình và rượu đều không thể sử dụng được. Tiếp tục giảng dạy và áp dụng phương pháp giảng dạy như đã từng, rồi thêm vào các môn học mới không thể là câu trả lời cho việc cải cách giáo dục ở Việt Nam.

John Dewey là một triết gia và cũng là một nhà cải cách giáo dục của Mỹ (1859 – 1952). Ông là người đã tạo ra sự ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với sự canh tân giáo dục có hệ thống ở Mỹ. Tư tưởng triết học và giáo dục của ông đã phổ biến và bao trùm trên cả bình diện giáo dục, xã hội và chính trị trong nước và quốc tế. Khi nói về mục tiêu nền tảng của giáo dục, ông cho rằng “Giáo dục không phải là để chuẩn bị cho cuộc sống; giáo dục chính là cuộc sống”. Với quan điểm này, John Dewey quan niệm rằng giáo dục cần phải được quan tâm một cách thiết thực dựa trên cơ sở cuộc sống của một con người như một sự toàn thể (whole child education) và với tất cả sự tương tác của nó với thế giới xung quanh.

Trong Điều 2 của Luật Giáo Dục năm 2019 của Việt Nam cũng tiếp tục nhắc lại mục tiêu giáo dục là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”. Tất cả khoản luật này đều cho thấy việc giáo dục con người trong tính toàn thể đó là điều tối quan trọng. Thế nhưng việc thực hành nó thì là cả một chặng đường dài cam go cho tất cả những người đang làm công tác giáo dục tại Việt Nam.

Khi đang còn ngồi ở giảng đường đại học, năm 1994, tôi đã được nghe nói đến phương pháp giảng dạy lấy học trò làm trung tâm cùng với cụm từ dạy tích hợp (Integrated Learning). Phải nói là vào thời điểm đó và mãi khi ra trường làm việc nhiều năm, tôi vẫn cứ mơ hồ trong việc áp dụng phương pháp giáo dục ấy, đồng thời cũng luôn thấy cách dạy tích hợp là cách dạy chắp vá gây nên nhiều điều bất cập cho giáo viên. Dù các cấp lãnh đạo Bộ, Sở và Phòng Giáo Dục đã có nhiều buổi họp để ‘chỉnh đốn’ phương pháp giảng dạy trong thực tế, tất cả các nhà giáo từ cấp lãnh đạo đến cấp thi hành vẫn “ngậm bồ hòn” cho qua các cuộc thảo luận về phương pháp này. Riết rồi chẳng ai buồn hỏi hay tìm hiểu nữa vì biết chắc có hỏi cũng chẳng ai có câu trả lời cho điều đó. Ngay cụm từ dạy tích hợp cũng chẳng ai hiểu một cách cụ thể ý nghĩa và tính thực tế của nó. Sau này, khi học và làm việc tại Úc, tôi nghiệm ra đó là một phương pháp dạy học tích cực khuyến khích sự liên kết hài hoà giữa học và hành, để làm sao người học có thể thấy các mối liên hệ giữa các môn học với nhau và với thực tế cuộc sống. Từ việc học kiến thức, ứng dụng nó vào bài tập cụ thể, giáo viên cũng giúp khơi gợi lên được những tiềm năng của từng cá nhân học trò.

Tại Việt Nam, cho đến hôm nay phương pháp dạy học lấy học trò làm trung tâm mãi vẫn là khẩu hiệu. Các môn học vẫn là những môn được dạy cách rời rạc, riêng rẽ, không kết hợp được với nhau và với cuộc sống. Việc giáo viên đến lớp giảng dạy là sử dụng một bài giảng, ra một dạng câu hỏi, một dạng bài tập với những yêu cầu giống nhau cho tất cả các học sinh trong lớp mình cũng như lớp khác. Các bài giảng, bài tập này không quan tâm tới việc các em ở trình độ nào, với những năng lực và kiến thức khác biệt ra sao. Đồng thời, việc các em có khó khăn trong vấn đề học hành như thế nào hay có gì khiếm khuyết, cần hỗ trợ hay không cũng không được xem xét trong bài giảng, bài tập. Phương pháp giảng dạy như trên đã không quan tâm đến khái niệm về sự đa dạng (diversity) và không đồng nhất giữa các em học sinh. Sự không đồng nhất này thể hiện trong những khác biệt về hoàn cảnh gia đình, về việc các em học sinh đến từ những nhóm, sắc tộc khác nhau, văn hoá vùng miền khác nhau, có hoàn cảnh xã hội trong các giai tầng khác nhau, đồng thời cũng bao gồm cả sự khác biệt trong hàng loạt các khả năng, kiến thức, tài năng, thế mạnh và cả những khiếm khuyết tâm lý, thể lý cũng như kinh nghiệm sống của các em nữa. Cách giảng dạy này được xem như một chiếc áo thần kỳ vừa vặn (hay bắt buộc phải vừa vặn) cho tất cả những ai mặc nó. Dạy học theo cách này vẫn xem giáo dục như là truyền dạy kiến thức (Teaching as Transmission) chứ không phải là để tạo nên sự trao đổi kiến thức (Teaching as Transaction) và tiếp đến là đem lại sự biến đổi (Teaching as Transformation). Xét về phương diện giáo dục, theo triết lý giáo dục của John Dewey, cách giảng dạy đang được duy trì tại Việt Nam là cách giảng dạy phi thực tế, làm giảm giá trị của giáo dục và hơn nữa còn là phản giáo dục.

Trong tổng thể của điều kiện xã hội hiện nay tại Việt Nam, việc duy trì các trường chuyên, lớp chọn lại càng tạo nên những bất cập cho hệ thống giáo dục. Như Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, người đang bị coi là “kẻ đốt đền” khi bản thân Tiến sĩ là một cựu học sinh của trường Chuyên Hà Nội -Amsterdam, lại châm ngòi cho các cuộc tranh luận khi đặt câu hỏi liên quan đến nguồn ngân sách đầu tư cho trường chuyên một cách không minh bạch, không đúng mục đích và lại còn tạo nên những bất công xã hội. Bản thân tôi cũng là một học sinh được học tại “lớp chọn”, được bồi dưỡng để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, tôi cũng nhận thấy tính không hợp lý của việc chương trình giáo dục đó không coi trọng tiến trình học tập, mà chỉ lưu tâm đến kết quả học tập của một số bộ môn. Giải thưởng, huy chương cho kết quả thi học sinh giỏi chỉ thể hiện việc các em học sinh cày cật lực để đưa giải thưởng về cho trường, bản thân các em được công nhận là học sinh giỏi toán, giỏi văn hay giỏi lý và hoá, nhưng không đem lại cho các em một sự cân bằng về các kiến thức, kỹ năng nền tảng nói chung. Các kiến thức được chuẩn bị cho các kỳ thi học sinh giỏi đó không chuẩn bị để các em hội nhập vào xã hội, và hơn nữa cũng không quan tâm đến việc các mặt tâm- thể lý của các em cũng cần được bồi dưỡng không khác gì việc trau dồi kiến thức học thuật. Điều này được chứng minh khi khả năng học thuật của học sinh Việt Nam được xếp hạng khá cao trong bảng đánh giá của PISA (2018), - một chương trình đánh giá học sinh quốc tế (The Programme for International Student Assessment). Dù được xếp hạng cao trong học thuật, kết quả này cũng không được tổ chức OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development) đưa vào danh sách của bảng xếp hạng toàn cầu. Lý do là vì có nhiều lỗ hổng trong kỹ năng sống của học sinh Việt Nam.

Với cách duy trì hệ thống và phương pháp giáo dục như hiện nay ở Việt Nam, càng cho thấy các cấp lãnh đạo và những ai liên quan đến việc soạn thảo chương trình giáo dục tại Việt Nam phản bội lại chính những chính sách mà họ đưa ra là giáo dục phải lấy học trò làm trung tâm. Triết lý và phương pháp giáo dục của John Dewey hay của bất kỳ nước tiên tiến nào xét cho cùng vẫn còn đang nằm trên giấy, đã được các lãnh đạo ngành giáo dục quan tâm tham khảo, nhưng chưa và không biết đến khi nào mới được quan tâm học hỏi và áp dụng một cách đúng mực dù đã sau gần một thế kỷ biết đến triết lý giáo dục của John Dewey.

Năm 2018, một Hiệu trưởng của một trường chuyên lớn tại Việt Nam qua thăm giao lưu học hỏi tại trường tôi. Cô ấy nói trường của cô ấy có khoảng 1500 học sinh giỏi chuyên Toán, Lý, Hoá và Anh Văn. Tất cả 1500 em đều là các học sinh tài năng (Gifted and Talented Students). Nghe cô ấy giới thiệu về trường của mình, toàn thể nhân viên trường tôi xoe tròn mắt ngạc nhiên và tự hỏi sao họ lấy đâu ra nhiều học sinh giỏi thế? Sau khi nghe kể về lịch học và kết quả rất xuất sắc của các em trong các môn học ấy, các thầy cô trường tôi đều im lặng. Cái im lặng và nụ cười nở trên môi họ cho đúng phép lịch sự, nhưng tôi đọc được ở đó có cả tiếng thở dài câm lặng vì mọi người đều nhận ra sự bất ổn ở trong chính cái được gọi là trường chuyên, lớp chọn này.

Ngẫm lại thì thấy còn lâu lắm mới có thể có được sự bình đẳng và công bằng giáo dục ở Việt Nam. Còn bao lâu nữa mới có cái được gọi là “giáo dục toàn diện” ở Việt Nam?

Tham khảo

Dewey, J. (1915). Democracy and education – An introduction to the philosophy of education.

Luật Giáo Dục. (2019). https://luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html

Nhật Dương (2019). Kết quả PISA của Việt Nam không được OECD xếp hạng: Bộ Giáo Dục nói gì? http://vneconomy.vn/ket-qua-pisa-cua-viet-nam-khong-duoc-oecd-xep-hang-bo-giao-duc-noi-gi-2019120423573847.htm

Thuý Nga, (2020). ‘Kẻ đốt đền’ trường Ams: Các trường chuyên đang tồn tại không có mục đích, https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/ke-dot-den-truong-ams-cac-truong-chuyen-dang-ton-tai-khong-co-muc-dich-651838.html

XS
SM
MD
LG