Nguyễn Thành Công
Quê tôi, thị trấn Giá Rai, nay là phường 1, thị xã Giá Rai - Bạc Liêu, một chợ nho nhỏ cạnh quốc lộ 1 và con kênh đào 16 - theo một tài liệu chính thức, chợ này được chính quyền bảo hộ Pháp lập năm 1918, làm huyện lỵ.
Dông dài dẫn nhập để mong các bạn hình dung...
Nghèo. Bổn phố do các thương nhân gốc Hoa buôn bán là hình ảnh sung túc nhất. Bên kia dòng kênh có khu hành chính và mấy ngôi trường, hết...
Tôi thường nghĩ về truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, về cảnh hiu hắt chờ tàu, với chợ quê mình.
... Ở một hẻm nhỏ xíu xiu bên khóm 2, có hai quán cà phê xưa cũ lắm rồi, hồi còn chiến tranh lận, hai người phụ nữ tần tảo duy trì cà phê nóng trong khói nghi ngút lan tỏa từ lúc còn thiếu nữ đến bây giờ, tóc đã hoa râm! Chốn ấy tôi thường uống cà phê, xây chừng và xây nại - tức đen nóng hay nâu, theo cách gọi ngoài Bắc.
Cà phê bình dân, quán lặng, toàn khách quen. Nét hay chính ở chiếc bàn gỗ sạch bóng và nhẵn vì lau chùi bao năm, cứ đến cận Trung Thu lại được chị Lan, quán thứ hai, đem ra trước hiên quán, và trát lên đấy đủ thức của mùa trăng: bánh in, bánh pía, thèo lèo, một số loại kẹo... Từng chồng bánh kẹo “ngon” mắt, ngay ngắn, chỉn chu, xếp hàng.
Bao nhiêu năm không rõ, cứ thấy chiếc bàn quán chị Lan biết ngay cận Trung Thu rồi! Đều đặn, chính xác, thành nếp. Và chị ấy chị bán mỗi độ Trung Thu, xong lại đem chiếc bàn vào, hiên vắng... Có cái gì đấy thú vị: lẽ ra chị có thể bán quanh năm cơ mà? Dù gì cũng mất công ngồi đấy, mà bánh kẹo thì lúc nào chẳng có khách mua? Nhưng không, chị chỉ bán đúng Trung Thu!
Đầu tiên, hơi ngại, nhưng rồi tôi mua và ăn tại quán với cà phê sữa nóng (xây nại) và trà, khi thì bánh, thèo lèo, lúc mang về. Chị bán cũng giá thường, hàng ngon, thương hiệu hẳn hoi. Bánh pía Sóc Trăng nổi tiếng, mà chợ này cũng có lò bánh in đấy. Trung Thu về, hưởng thụ dần dần cảm giác con trẻ khi ngồi với tách cà phê nóng và mấy chiếc bánh hay kẹo, tuyệt.
Trung niên rồi, cảnh hì hụi làm đèn, rồng rắn la hét cùng nhóc tì trong xóm qua lâu. Ngồi nhấm nháp mùa trăng với bánh nơi quán quen, thấm thía bước đi thời gian và cái đẹp của trăng.
Một quán cũ, rất cũ, cũ nhất chợ nhỏ; với chiếc bàn cũng cũ nốt và các chồng bánh xếp ngay ngắn, chỉ bán đúng dịp Trung Thu, ở hẻm nhỏ...
Hay...