Đường dẫn truy cập

Trung Quốc lại sắp lập căn cứ ở Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu?


Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong bài viết trước, chúng tôi đã vạch trần một vụ việc động trời khi một công ty chuyên doanh mực in của Malaysia, với doanh số mỗi năm chỉ vài chục triệu USD, chưa hề có bất kỳ kinh nghiệm gì liên quan đến ngành điện, lại được giao thực hiện một dự án nhiệt điện than lên tới 3,5 tỷ USD tại Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu 2, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Trong bài này, chúng tôi sẽ vạch rõ những khuất tất và âm mưu mờ ám phía sau một dự án tưởng chừng như chỉ thuần tuý về mặt kinh tế đó.

Bức tranh thu nhỏ về quốc nạn tham nhũng

Theo báo Đầu Tư ngày 25/8/2015 thì Toyo Ink “đã bắt đầu kế hoạch tìm kiếm cơ hội đầu tư một nhà máy điện tại Việt Nam từ 9 năm trước. Sau nhiều bước chuẩn bị, đầu năm 2013, nhà đầu tư này đã được Chính phủ Việt Nam cho phép làm chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2 và theo hình thức BOT”.

Trong phần giới thiệu trên website của Toyo Ink[i] có mục Annual Report (Báo cáo Thường niên), nhưng lại chỉ công bố 2 bản báo cáo thường niên năm 2011 và năm 2012 bằng Tiếng Anh. Trong khi đó, trang I3investor lại công bố đầy đủ các bản báo cáo thường niên và báo cáo tài chính (financial report) của Toyo Ink từ năm 2004 đến nay.

Các trang 65 đến 67 của bản Báo cáo Thường niên 2015 cung cấp những thông tin liên quan đến dự án nhiệt điện Sông Hậu 2, có thể tóm tắt vài cột mốc chính như sau:

Ngày 28/12/2009, Toyo Ink được mời tham dự một cuộc họp tại Việt Nam để trình bày với giới chức Việt Nam về đề xuất đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3, thuộc Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên sau đó, Toyo Ink lại chuyển hướng sang Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 2 thuộc Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Ngày 7/12/2011, Toyo Ink nhận được một công văn từ Văn phòng Chính phủ Việt Nam gửi Bộ Công Thương và UBND tỉnh Hậu Giang, theo đó Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý để Tập đoàn tiến hành nghiên cứu và triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 2 với công suất 2 x 1000MW tại tỉnh Hậu Giang.

Ngày 1/1/2012, Toyo Ink chỉ định Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 làm tư vấn dự án, thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, thông qua một hợp đồng tư vấn trị giá 1.836.750USD.

Ngày 1/10/2012, Toyo Ink nộp báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, với tổng mức đầu tư ước tính là 3,5 tỷ USD, lên Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan. Toyo Ink cũng đã chỉ định Viện Năng lượng Việt Nam làm nhà tư vấn đánh giá báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Ngày 18/10/2012, Toyo Ink gửi công văn cho Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương đề nghị giao cho họ làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 2 theo hình thức BOT và nhận được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam trong một công văn đề ngày 22/3/2013. (Công văn này do Văn phòng Chính phủ phát hành, gửi Bộ Công Thương và UBND tỉnh Hậu Giang, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của PTT Hoàng Trung Hải là đồng ý để Toyo Ink làm chủ đầu tư dự án Sông Hậu 2 theo hình thức BOT.)

Mục Note 8 (“Development Expenditure” – “Chi cho phát triển”; trang 64) của bản Báo cáo Thường niên 2015 cho biết khoản chi luỹ tích của Toyo Ink cho Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2 đến thời điểm 31/3/2015 là 150.776.159RM (tương đương 37.694.040USD). Các khoản chi này được tài trợ một phần bằng các khoản tạm ứng mà mục Note 20 (“Other Payables” – “Các khoản phải trả khác”; trang 72) cho biết là chủ yếu từ các cổ đông chính cùng những người liên quan với họ. Theo mục Note 8, giá trị luỹ tích các khoản tạm ứng dùng để chi cho dự án này tính đến thời điểm 31/3/2015 là 72.090.600RM (tương đương 18.022.650USD).

Từ các bản báo cáo hằng năm và báo cáo tài chính của Toyo Ink, chúng tôi đã tập hợp được các khoản chi luỹ tích của Toyo Ink cho Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2 tính đến ngày 31/3/2015 cùng các khoản tạm ứng dùng để chi cho dự án như sau:

Từ những thông tin trên, chúng ta có thể rút ra những kết luận sau:

1) Người có tiếng nói quyết định trong việc giao Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2 cho một doanh nghiệp mực in của Malaysia, như thường lệ, là ông Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành, trong đó có ngành điện lực;

2) Tính đến thời điểm 31/3/2015, Toyo Ink đã chi tổng cộng 37.690.040USD để được giao dự án (đến khi Toyo Ink chính thức ký kết hợp đồng BOT, con số đó chắc chắn còn lớn hơn thế nhiều).

Có thể khẳng định phần lớn số tiền gần 38 triệu USD trên là những khoản chi “dưới gầm bàn”, bởi dự án chưa được triển khai và khoản chi công khai đáng kể nhất đến thời điểm 31/3/2015 của Toyo Ink ở Việt Nam là tạm ứng cho nhà tư vấn dự án (Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2) để lập báo cáo nghiên cứu khả thi, mà khoản này cũng chỉ chiếm một phần trong tổng giá trị 1.836.750USD của hợp đồng tư vấn. Năm tài chính 2008, khi vừa mới “chân ướt chân ráo” đến Việt Nam, Toyo Ink đã chi đến 7.044.304USD để tìm kiếm dự án, trong khi những khoản chi hợp lệ của họ giai đoạn đó có lẽ chỉ là công tác phí và tiếp khách, tức là quá lắm cũng chưa hết phần lẻ của con số hơn 7 triệu USD đó.

Những con số về cái gọi là “chi cho phát triển” của Toyo Ink trong quá trình tìm kiếm dự án đầu tư cho chúng ta thấy phần nào mức độ tham nhũng khủng khiếp ở Việt Nam dưới sự lũng đoạn của nhóm lợi ích Hoàng Trung Hải nói riêng và sự lãnh đạo “sáng suốt, tài tình” của Đảng CSVN nói chung.

Nguy cơ Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu trở thành căn cứ của Trung Quốc

Quốc nạn tham nhũng ở Việt Nam thể hiện qua việc một công ty mực in từ Malaysia được giao thực hiện một dự án nhiệt điện than khổng lồ hẳn khiến không ít người phải sửng sốt. Tuy nhiên, với những ai vẫn cảnh giác trước âm mưu thôn tính Việt Nam của Trung Quốc có lẽ họ còn phải lạnh gáy khi hình dung ra viễn cảnh Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu trở thành căn cứ của Trung Quốc thông qua Dự án Sông Hậu 2 mà Toyo Ink làm chủ đầu tư theo hình thức BOT.

Trước hết, cần khẳng định rằng cả 4 trung tâm nhiệt điện mà Việt Nam đang xây dựng là Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), Duyên Hải (xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), Long Phú (xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) và Sông Hậu (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đều nằm ở những vị trí hết sức xung yếu về an ninh quốc phòng, đều cách rất xa các trung tâm tiêu thụ điện năng chính và đều là “sản phẩm” của ông PTT gốc Tàu Hoàng Trung Hải. (Hai trung tâm nhiệt điện Sông Hậu và Long Phú đều nằm bên bờ sông Hậu.)

Vị trí 4 trung tâm nhiệt điện trên bản đồ. TTNĐ Vĩnh Tân và Duyên Hải nằm ở 2 đầu mũi tên màu đỏ. TTNĐ Sông Hậu là nơi toạ lạc của Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1; TTNĐ Long Phú là nơi đặt Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (Long Phu 1 Power Plant).
Vị trí 4 trung tâm nhiệt điện trên bản đồ. TTNĐ Vĩnh Tân và Duyên Hải nằm ở 2 đầu mũi tên màu đỏ. TTNĐ Sông Hậu là nơi toạ lạc của Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1; TTNĐ Long Phú là nơi đặt Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (Long Phu 1 Power Plant).

Hiện nay Trung Quốc đã “cắm chốt” tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân thông qua Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 do Công ty Lưới điện Phương Nam (Trung Quốc), Cty Điện lực Quốc tế Trung Quốc và TKV (chỉ chiếm 5% cổ phần) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (liên danh tổng thầu của dự án này là Cty GEDI và Cty DGEC thuộc Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung Quốc).

Trong bài “Báo động: Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải sắp trở thành căn cứ của Trung Quốc” mới đây, chúng tôi đã cảnh báo nguy cơ Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải trở thành căn cứ của Trung Quốc thông qua Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2 do công ty Janakuasa của Malaysia đầu tư theo hình thức BOT, một dự án mà “bà đỡ” của nó toàn là người Trung Quốc.

Điều hết sức khó hiểu ở 3 trung tâm nhiệt điện Duyên Hải, Long Phú và Sông Hậu là mặc dù cả 3 đều cách rất xa các trung tâm tiêu thụ điện năng chính (khiến tỷ lệ hao tổn điện năng cao) nhưng chúng lại nằm rất gần nhau. Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải chỉ cách Trung tâm Nhiệt điện Long Phú chừng 45km, và đó cũng là khoảng cách từ Trung tâm Nhiệt điện Long Phú đến Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu.

Tuy nhiên, điều hết sức khó hiểu ấy lại trở nên vô cùng dễ hiểu khi chúng ta hình dung ra kịch bản: Trung Quốc đang âm mưu biến 3 trung tâm nhiệt điện này thành những căn cứ quân sự trá hình thông qua bàn tay Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải, “tác giả” của những hiểm hoạ Trung Quốc mang tên “Formosa Hà Tĩnh”, “Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân” hay hàng trăm ha rừng đầu nguồn biên giới, v.v.

Chỉ cần “cắm chốt” được ở Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải và Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu thông qua các dự án BOT kéo dài hàng chục năm là Trung Quốc đã kiểm soát được vùng biển rộng lớn nằm giữa cửa sông Hậu và cửa sông Cổ Chiên cũng như sông Hậu, tuyến đường thuỷ huyết mạch kéo dài từ Biển Đông đến biên giới Việt Nam – Campuchia. Khi chiến sự xẩy ra, lực lượng xâm nhập từ biển của Trung Quốc sẽ phối hợp với lực lượng tại chỗ ở 2 trung tâm nhiệt điện cùng đội quân nằm vùng (hoặc quân đội của đồng minh Campuchia đang lăm le đòi lại Nam Bộ) từ bên kia biên giới Việt Nam – Campuchia. Việt Nam sẽ rơi vào tình thế nguy ngập khi bị chia cắt ở khu vực này cũng như ở nhiều khu vực khác, nơi Trung Quốc đã thiết lập được căn cứ thông qua hàng loạt dự án kinh tế trá hình.

Là một doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ so với dự án đầu tư và, quan trọng hơn, nhiệt điện than là một lĩnh vực hoàn toàn lạ lẫm với họ nên ngay từ tháng 8 năm ngoái Toyo Ink đã xúc tiến kế hoạch tìm kiếm đối tác để thành lập liên doanh thực hiện dự án. Bản thân lãnh đạo Toyo Ink cũng khẳng định là họ không nhất thiết phải nắm trên 50% cổ phần trong liên doanh. Việc họ liên doanh với một (vài) đối tác “made in China” là khả năng hầu như chắc chắn. Lúc đó thì Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu coi như đã trở thành căn cứ của Trung Quốc ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long và ngay bên bờ sông Hậu. (Xin lưu ý thêm, phần lớn các cổ đông chính của Toyo Ink, những người đã tạm ứng tiền để Toyo Ink “chạy” dự án ở Việt Nam, là người Hoa.)

Ngày 15/10/2014, báo điện tử Chính phủ đăng bài “Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát dự án luồng cho tàu biển sông Hậu”. Bài báo cho biết: “Dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu với mục tiêu xây dựng luồng tàu biển có độ sâu cho tàu biển trọng tải 10.000 DWT đầy tải và 20.000 DWT giảm tải ra vào các cảng trên sông Hậu, vận chuyển hàng hóa phục vụ ĐBSCL với khối lượng 21-22 triệu tấn/năm và 450.000-500.000 TEU/năm. Tổng mức đầu tư 9.781,2 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.”

Xâu chuỗi tất cả các dữ kiện, có lẽ bất cứ người Việt Nam yêu nước thương nòi nào cũng phải thốt lên: “Người Trung Quốc cứ như đang tung hoành giữa chốn không người ở Việt Nam vậy!!!”

Đúng thế. “Con ngựa thành Troy” mang tên Hoàng Trung Hải của Trung Quốc nay đã ngồi chễm chệ trong ban lãnh đạo tối cao của Việt Nam, trở thành Bí thư Thành uỷ Hà Nội và đang nhòm ngó chiếc ghế Thủ tướng hoặc Tổng Bí thư trong những năm tới. Nếu vẫn cứ đà này, Việt Nam không trở thành “một bộ phận không thể chối cãi của Trung Quốc” thì mới là lạ.
__________

Ghi chú:

[i] Toyo Ink của Malaysia hoàn toàn không liên quan gì đến tập đoàn công nghiệp Toyo Ink Group của Nhật Bản.

* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Lê Anh Hùng

    Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.

VOA Express

XS
SM
MD
LG