Đường dẫn truy cập

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thăm Việt Nam, các tổ chức nhân quyền ra cảnh báo


Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tại Hà Nội, ngày 21/10/2022. (Photo by Nhac NGUYEN / AFP)
Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tại Hà Nội, ngày 21/10/2022. (Photo by Nhac NGUYEN / AFP)

Hôm 21/10, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đến Hà Nội, bắt đầu chuyến công du Việt Nam kéo dài hai ngày, nhân dịp nước chủ nhà kỷ niệm 45 năm ngày gia nhập tổ chức lớn nhất toàn cầu. Cũng vào dịp này, 15 tổ chức nhân quyền gửi thư ngỏ tới ông Guterres, cảnh báo một “làn sóng đàn áp mới” ở Việt Nam nhằm vào các nhà hoạt động vì môi trường.

Trang VNExpress dẫn lời ông Guterres nói trước cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Tôi rất ngưỡng mộ Việt Nam, coi Việt Nam không chỉ là thành viên quan trọng của Liên Hợp Quốc, mà còn với chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế”.

Ông Guterres dự kiến cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng chủ trì Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ, và đây cũng là trọng tâm của ông trong chuyến công du Việt Nam lần này, theo một thông cáo báo chí của người phát ngôn LHQ hôm 17/10.

“Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ (1977-2022) và Việt Nam vừa hoàn thành xuất sắc vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ 2020-2021, được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng, nói với báo chí hôm 20/10.

Bà Hằng nói rằng trong thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam và LHQ “không ngừng được củng cố và tăng cường”. Việt Nam tham gia ngày càng “chủ động, có trách nhiệm, đóng góp thực chất, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động trụ cột của LHQ, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc hội đàm chiều ngày 21/10/2022. (Photo by Nhac NGUYEN / AFP).
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc hội đàm chiều ngày 21/10/2022. (Photo by Nhac NGUYEN / AFP).

Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án hồ sơ nhân quyền kém cỏi của Việt Nam, nước này không lên tiếng về các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở các nước khác, và vì vậy họ cho rằng Hà Nội không xứng đáng được bầu vào Hội đồng Nhân quyền. Các tổ chức này cũng lưu ý rằng sự hợp tác và uy tín của Việt Nam đã giảm sút so với nhiệm kỳ trước đây tại Hội đồng Nhân quyền (2014-2016).

15 tổ chức nhân quyền hôm 21/10 gửi thư cho ông Guterres, kêu gọi ông thúc giục Hà Nội trả tự do cho bốn nhà bảo vệ môi trường bị giam giữ đầu năm nay, gồm Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương và Đặng Đình Bách, theo AFP.

Bức thư viết: “Ngài đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống lại biến đổi khí hậu, nhưng điều này không thể đạt được nếu không có vai trò của những người bảo vệ quyền môi trường”.

“Những tù nhân chính trị này là những nạn nhân điển hình của làn sóng đàn áp mới ở Việt Nam, thông qua sự kết hợp của các mối đe dọa và sách nhiễu tư pháp, đang đe dọa tiến bộ trong việc chống biến đổi khí hậu, bảo vệ nhân quyền và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững”.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Văn phòng phát ngôn LHQ để đề nghị cho ý kiến về thư ngỏ này, nhưng chưa được phản hồi.

Trong khuôn khổ của chuyến công du Việt Nam, ông cũng sẽ đến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, theo người phát ngôn LHQ.

Truyền thông Việt Nam cho biết ông Guterres cũng sẽ thăm Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam, thăm Tòa nhà xanh LHQ tại Việt Nam, thăm Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng lịch sử và hồ Hoàn Kiếm.

Ông Guterres, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, được bầu làm Tổng thư ký LHQ vào ngày 1/1/ 2017. Ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2021.

Đây là lần đầu tiên ông Guterres đến Việt Nam trên cương vị người đứng đầu LHQ. Trước đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon thăm Việt Nam vào tháng 5/2015.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG