Đường dẫn truy cập

Thuyền nhân người Hồi Giáo Rohingya vượt ngục ở Thái Lan


Người tị nạn Rohingya
Người tị nạn Rohingya
Các giới chức Thái Lan nói có hàng chục di dân Rohingya từ nước láng giềng Miến Điện đã trốn thoát khỏi một trại giam họ bị cầm giữ vì tội vào Thái Lan bất hợp pháp.

Cảnh sát Thái Lan ngày hôm nay cho biết có ít nhất 86 người thoát khỏi trại giam thuộc quận Sadao ở miền nam. Truyền thông loan tin là những người này đục lổ trên trần nhà và leo ra ngoài bằng một sợi dây làm bằng quần áo. Các giới chức nói có ít nhất hai người bị bắt lại.

Thái Lan đang giam giữ khoảng 2.000 thuyền nhân Rohingya tại các trại giam trong nước. Người Rohingya đã trốn chạy các vụ bạo động phe phái và sự kỳ thị của chính phủ Miến Điện.

Chính phủ Thái Lan lúc đầu cho biết đang tìm kiếm những quốc gia khác nhận người Rohingya. Tuy nhiên mới đây nước này đã cứu xét một kế hoạch di chuyển di dân đến các trại tị nạn dọc theo biên giới với Miến Điện.

Tổ chức theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đã chỉ trích kế hoạch này và kêu gọi Thái Lan cho những người Rohingya ra khỏi “những trại giam vô nhân đạo” và cho phép họ được đệ đơn xin qui chế công nhân di dân.

Tổ chức có trụ sở tại New York này nói nhiều trung tâm di dân giam những người Rohingya đông quá mức và thiếu chăm sóc y tế và các dịch vụ khác nữa.

Tổ chức này nói thêm là những người đàn ông Rohingya bị giam trong những phòng nhỏ hẹp như chuồng thú, và họ không có đủ chỗ để ngồi. Tổ chức theo dõi Nhân quyền nói một số phụ nữ bị xâm phạm tình dục và những hình thức bóc lột khác.

Thái Lan đã ngăn chận nhiều thuyền nhân Rohingya trên biển đuổi họ đến những quốc gia thứ ba đa số theo Hồi Giáo như Malaysia hay Indonesia. Human Rights Watch nói Thái Lan không bảo vệ di dân theo luật quốc tế.

Hàng ngàn người Rohingya đã rời khỏi vùng Arakhan hay còn gọi là bang Rakhine thuộc miền tây Miến Điện, nơi bạo động bùng phát với đa số người theo Phật giáo vào năm ngoái.

Thêm vào bạo động, người Rohingya cũng không được quyền công dân và những quyền căn bản khác tại Miến Điện nơi họ bị xem như những di dân từ Bangladesh sang. Liên Hiệp Quốc xem người Rohingya là một trong những sắc dân thiểu số bị áp bức nhất trên thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG