Đường dẫn truy cập

Cuộc hội kiến Tập-Mã nêu bật kỳ vọng chưa đạt được ở Đài Loan


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, ngày 7/11/2015.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, ngày 7/11/2015.

Thứ bảy vừa qua, Tổng thống Đài Loan và Chủ tịch Trung Quốc đã củng cố được thiện chí của hai bên tại cuộc họp đầu tiên từ trước tới nay. Tuy nhiên việc này ít được hoan nghênh tại Đài Loan, là đối thủ chính trị và quân sự của Trung Quốc trong gần 7 thập niên. Người Đài Loan nói 7 năm liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc không mang lại những lợi ích như phát triển kinh tế hay giúp cho đất nước không bị đe dọa bởi chiến tranh.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với đảo quốc tự trị Đài Loan kể từ những năm 1940. Những mối quan hệ giá lạnh bắt đầu được cải thiện vào năm 2008, khi hai bên đạt được một loạt các thỏa thuận kết nối hai nền kinh tế.

Hiện nay người dân Đài Loan, với nền kinh tế bị co cụm trong quý 3 năm nay, tự hỏi lợi ích ở chỗ nào

Ông Lưu Nghĩa Quân, giáo sư môn công cộng sự vụ của Trường đại học Phật Quang ở Đài Loan, nói người Đài Loan muốn có tiến bộ khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần đầu tiên, sau hai năm dàn xếp.

“Chúng tôi có kỳ vọng cao vì trong 66 năm qua, hai nhà lãnh đạo cao nhất chưa bao giờ gặp nhau. Những nhượng bộ về mặt chính trị, kinh tế được hứa hẹn trong cuộc gặp gỡ. Tuy nhiên cho đến những giây phút cuối cùng, chúng tôi không thấy có gì xảy ra.”

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu nói với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là ông lo ngại về phi đạn mà Trung Quốc bố trí bên kia eo biển Đài Loan và người dân nước ông bất mãn về việc Trung Quốc ngăn chận các quan hệ ngoại giao của Đài Loan. Bắc Kinh có 170 nước có quan hệ ngoại giao trong khi Đài Loan chỉ có bang giao với 22 nướv, một sự cách biệt to lớn đã giúp cho Trung Quốc ngăn chận sự phát triển của Đài Loan trên trường ngoại giao.

Dù Trung Quốc để cho Đài Loan ký các hiệp ước mậu dịch tự do với Singapore và New Zealand, là 2 nước có bang giao với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh chưa mở cửa cho Đài Loan gia nhập Liên hiệp quốc hay những tổ chức quốc tế khác. Ngày thứ Bảy, chủ tịch Trung Quốc nói các tên lửa ở nước ông không nhắm vào Đài Loan.

Các giới chức Đài Loan nói cho đến nay những thỏa thuận với Trung Quốc đã tạo được 9.600 công ăn việc làm trong số 23 triệu dân của Đài Loan. Các thỏa thuận mở cửa ngành du lịch đã mang tổng cộng 2,8 triệu du khách từ Hoa lục đến Đài Loan trong năm ngoái, so với con số zero vào năm 2007. Các thỏa thuận mậu dịch đã giúp cho tổng giá trị xuất nhập khẩu của Đài Loan lên đến 130 tỉ đô la trong năm ngoái. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan và là nơi các công ty Đài Loan đầu tư nhiều nhất.

Người dân bình thường than phiền là những ích lợi do 23 thỏa thuận này mang lại chủ yếu là lọt vào tay của những người làm chủ các công ty lớn.
Tại thị trường vốn của Đài Loan, đầu tư của Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong quota của chính phủ đảo quốc này. Ông Tăng Minh Tông, chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chánh cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu là chính phủ chấp thuận hầu như tất cả các đơn đầu tư của Trung Quốc.

Ông nói số tiền này quá nhỏ và chính phủ Đài Loan không từ chối. Ông Tống nói thêm là sự thật nằm ở phía bên kia và những định chế tại Hoa lục không thể tự do thành lập những định chế đầu tư hợp lệ.

Trung Quốc khăng khăng đòi Đài Loan thống nhất với Hoa Lục, nhưng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người Đài Loan chống lại việc này.
Người Đài Loan nói tại một cuộc biểu tình cuối tuần qua là họ muốn Trung Quốc cam kết không dùng vũ lực.

Ông Lưu Quảng Hoa, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Trường đại học Minh Truyền ở Đài Bắc, nói những người khác trông mong có được một nhận thức chung giữa Đài Loan với Trung Quốc.

“Đối với hầu hết mọi người, họ nghĩ rằng ít nhất vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mã Anh Cửu hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận nào đó. Khi tôi nói thỏa thuận, tôi không muốn nói là hiệp định được ký kết, mà tôi muốn nói tới nhận thức chung về việc họ đang đi tới một mục đích chung. Việc này chưa được hoàn tất.”

Ông Mã sẽ rời khỏi chức vụ vào năm tới vì giới hạn về nhiệm kỳ. Sự chống đối đối với các thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc đã gây nên những cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố vào tháng 3 năm 2014 và giúp cho ứng cử viên của đảng đối lập chính Đài Loan dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử tổng thống tháng giêng sang năm. Các nhà phân tích nói hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo vào ngày thứ Bảy vừa qua đạt được quá ít kết quả để có thể làm thay đổi ý định của cử tri.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG