Đường dẫn truy cập

Thủ tướng VN giao các bộ ‘nghiên cứu, xử lý’ cơ chế xin-cho sinh ra tham nhũng


Công văn của Văn phòng Chính phủ hôm 9/11/2020 về "nghiên cứu, xử lý" cơ chế xin cho.
Công văn của Văn phòng Chính phủ hôm 9/11/2020 về "nghiên cứu, xử lý" cơ chế xin cho.

Thủ tướng Việt Nam mới đây ra công văn giao một số bộ nghiên cứu, xử lý cơ chế xin-cho vốn bị xem là cái gốc của nạn tham nhũng.

Học giả Võ Đại Lược, người nêu lên vấn đề này, nói với VOA rằng ông hoan nghênh việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe ý kiến của ông và nhanh chóng có động thái ban đầu.

Tuy nhiên, giáo sư-tiến sĩ Võ Đại Lược cho rằng do tính chất của hệ thống chính trị Việt Nam, việc điều chỉnh cơ chế “sẽ không diễn ra ngày một ngày hai”.

Hôm 9/11, trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam đăng một công văn dẫn lại lời ông Lược nói trên báo Tiền Phong rằng “cơ chế xin-cho vốn là cái gốc đẻ ra tham nhũng”, và dù gần đây nhà chức trách chống tham nhũng “rất mạnh”, song “mới chỉ giải quyết hệ quả, chứ chưa giải quyết nguồn gốc”.

Tiếp đến, công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành khác “nghiên cứu, làm rõ” nội dung báo đã đăng để “có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật”.

Tôi hoan nghênh việc thủ tướng lắng nghe, có ý kiến, ra chỉ thị xử lý. Riêng việc thủ tướng tiếp thu, đề nghị các bộ xử lý tôi cho đã là một sự tiến bộ rồi.
Giáo sư Võ Đại Lược


Công văn đăng trên trang Thông tin Chính phủ nhận được 3.700 phản ứng yêu, thích, với nhiều bình luận bày tỏ đồng tình rằng cần xử lý, thậm chí phải “khai tử” cơ chế xin-cho vì nó “rất dễ” dẫn đến tham nhũng, “làm hỏng cán bộ” và “gây mất công bằng”.

Bản thân là người chỉ ra vấn đề, giáo sư-tiến sĩ Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới, đưa ra nhận xét với VOA về động thái của người đứng đầu chính phủ Việt Nam:

“Chính phủ tiếp thu ý kiến đóng góp từ giới học giả là điều tốt. Tôi hoan nghênh việc thủ tướng lắng nghe, có ý kiến, ra chỉ thị xử lý. Riêng việc thủ tướng tiếp thu, đề nghị các bộ xử lý tôi cho đã là một sự tiến bộ rồi”.

Thủ tướng Phúc là người trực tiếp điều hành kinh tế và ông thấy quá rõ vấn đề, giáo sư-tiến sĩ Lược nói thêm.

Học giả kỳ cựu này phân tích với VOA rằng có 2 lĩnh vực nhức nhối nhất cần có đột phá để giảm mạnh hoặc loại bỏ cơ chế xin-cho là đất đai và doanh nghiệp nhà nước.

Trong lĩnh vực đất đai, Hiến pháp và luật pháp hiện hành của Việt Nam quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, hay nói cách khác, “nhà nước quyết định hết”, giáo sư-tiến sĩ Võ Đại Lược nói.

Để thay đổi, phải chyển sang cơ chế thị trường, đất đai trên toàn Việt Nam phải quy hoạch lại, ông Lược nói.

Theo đó, những phần đất để làm cơ sở hạ tầng hay dịch vụ công của quốc gia “cần quy hoạch riêng ra”; các cá nhân, tập thể và các pháp nhân khác phải có quyền sở hữu đất đai rõ ràng, nhà nước hoặc ai khác lấy đất phải đền bù theo luật, theo giá thị trường, không còn chuyện đền bù theo giá quá rẻ, gây ra phản đối, tranh chấp.

Từ thay đổi quan điểm, cần sửa đổi Hiến pháp, phải sửa Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp… liên quan đến nhiều vấn đề. Những vấn đề đấy Đại hội 13 này của đảng phải giải quyết, phải ở tầm những người có quyền ra quyết định.
Giáo sư Võ Đại Lược


Về doanh nghiệp nhà nước, theo giáo sư-tiến sĩ Lược, nếu nhà nước vẫn giữ quan điểm kinh tế nhà nước là chủ đạo, được ưu tiên nhất, chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế cả nước, điều này dẫn đến không tránh khỏi lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

Để giải quyết 2 vấn đề kể trên, học giả từng là Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới khẳng định giới hoạch định chính sách của Việt Nam phải đổi mới tư duy và quan điểm về phát triển đất nước, từ đó dẫn đến thay đổi về cơ chế, chính sách.

Tuy nhiên, ông Võ Đại Lược nhận định với VOA rằng mặc dù Thủ tướng Phúc phát đi tín hiệu đáng khích lệ song việc thay đổi sẽ không sớm diễn ra và không dễ dàng.

Lý do là các chuyên gia và các bộ, ngành chỉ có thể đưa ra các kiến nghị, còn quyết định nằm ở lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản. Ông Lược nói:

“Liệu quan điểm kinh tế có thay đổi gì không. Từ thay đổi quan điểm, cần sửa đổi Hiến pháp, phải sửa Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp… liên quan đến nhiều vấn đề. Những vấn đề đấy Đại hội 13 này của đảng phải giải quyết, phải ở tầm những người có quyền ra quyết định, chứ không phải ở tầm các chuyên gia, các bộ”.

Học giả Võ Đại Lược chia sẻ thêm rằng ông quan sát thấy một điều đáng mừng là Cổng Thông tin của Đảng Cộng sản cũng đăng ý kiến của ông, cho thấy đảng “chưa bác bỏ” đề xuất của ông.

Mặc dù vậy, khi được VOA hỏi liệu Đại hội Đảng lần thứ 13 sắp diễn ra vào đầu năm 2021 có đem lại những thay đổi cần thiết hay không, giáo sư-tiến sĩ Lược nói hiện vẫn “hơi sớm” để đưa ra một tiên liệu, và ông cho rằng việc đảng “tiếp thu, xử lý không phải ngày một ngày hai được”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG