Cách đây hơn 9 năm tiểu thuyết The Poisonwood Bible/Quyển Thánh Kinh Làm Bằng Gỗ Độc của Barbara Kingsolver đã được coi là tác phẩm xuất sắc nhất của bà. Nhưng khi The Lacuna ra mắt bạn đọc thì người ta lại cho rằng The Lacuna còn hay hơn cả Poisonwood Bible!
Barbara Kingsolver sinh năm 1955 ở Annapolis thuộc tiểu bang Maryland nhưng thưở nhỏ sống ở vùng quê Kentucky cho đến khi 7 tuổi cùng gia đình theo cha là một y sĩ sang Congo, Phi châu sống khi đó xứ này còn chưa có điện nước. Sau khi tốt nghiệp trung học cô được học bổng theo học dương cầm cổ điển tại đại học DePauw ở Indiana nhưng sau đó đổi sang học ngành Sinh vật học vì tốt nghiệp ngành dương cầm khó kiếm việc làm.
Thời còn là sinh viên Barbara Kingsolver đã từng tham dự những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Tốt nghiệp cử nhân năm 1977 cô sang Pháp học thêm 1 năm rồi về Mỹ cư ngụ ở Tucson, Arizona và năm 1988 ghi danh học bậc thạc sĩ ngành sinh vật ở đại học Arizona, làm ký giả khoa học toàn thời gian của đại học này. Có truyện ngắn đăng ở tạp chí địa phương, năm 1985 lập gia đình, có 1 con gái nhưng khi chiến tranh Vùng Vịnh xảy ra, Barbara Kingsolver không chịu nổi không khí chính trị ở Mỹ do giới quân đội can dự quá sâu nên dời sang Canary Islands sống trọn 1 năm, và khi trở về Mỹ sống, Barbara Kingsolver ly dị chồng. Năm 1994 cô được đại học DePauw trao tặng bằng Tiến sĩ Văn chương Danh dự và tái giá với một chuyên gia nghiên cứu chim chóc, có thêm đứa con gái thứ nhì, và năm 2004 dời gia đình về sống ở Quận Washington, Virginia.
Barbara Kingsolver cũng là thành viên của ban nhạc Rock Bottom Remainders gồm những nhà văn nổi tiếng như Amy Tan, Matt Groening, Dave Berry, và nhà tiểu thuyết trinh thám hàng đầu Stephen King. Ban nhạc này biểu diễn hàng tuần với Barbara Kingsolver chơi keyboard, nhưng mấy năm sau này Barbara Kingsolver không còn tham dự ban nhạc này nữa. Cho đến nay Barbara đã xuất bản 6 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 2 quyển luận văn, và 1 tập thơ.
Nhân vật chính của quyển The Lacuna là Harrison William Shepherd với những nhân vật nổi tiếng như nữ họa sĩ phái siêu thực người Mexico Frida Kahlo cùng chồng là danh họa Diego Rivera, lãnh tụ cộng sản đệ tứ Leon Trotsky và vợ. Thời gian truyện kéo dài từ năm 1929 đến năm 1951. Vì quyển truyện được tạo nên bởi những trang nhật ký và hồi ký với lời tự sự của Harrison William Shepherd do người thư ký của ông là Violet Brown thu thập và sắp đặt cộng thêm những mảnh báo cắt dán và những bản tường trình nên tính chất khả tín rất chênh vênh, và đó cũng là nét hậu-hiện-đại của văn chương Barbara Kingsolver.
Thế nhưng, những trang nhật ký của Shepherd do người thư ký của ông thu thập không liên tục mà có những khoảng thời gian bị bỏ trống, có lỗ hổng. Sinh thời Shepherd vẫn hay nói: “Cái phần quan trọng nhất của một truyện là cái phần bạn không biết.” Cái lỗ hổng đó chính là nghĩa thứ hai của tựa đề quyển truyện: The Lacuna. Người đọc không khó nhận ra cuộc đời của Shepherd như những trang nhật ký và hồi ký cho thấy chỉ là cái nền để kể lại cuộc đời của ba nhân vật nổi tiếng Frida Kahlo, Diego Rivera, và Leon Trotsky, cùng những biến động lịch sử giai đoạn 1929-1951 ở Mexico và ở Mỹ. Nhưng trước hết chúng ta hãy xem những trang nhật ký và hồi ký để biết cuộc đời của Harrison William Sherpherd.
Sinh ở Washington D.C. khoảng năm 1916, cha là người Mỹ làm công chức, mẹ là Salomé một phụ nữ gốc Mexico có sắc đẹp quyến rũ nóng bỏng và ưa trưng diện thời thượng, thích được nam giới ngưỡng mộ, và xài tiền như nước. Khi còn là thiếu nữ Salomé đã cùng người tình đẹp trai Enrique bỏ nhà ra đi. Sang Mỹ, Salomé lấy chồng là một người Mỹ làm công chức cho nên vợ chồng chia tay là điều không tránh khỏi vì cuộc sống thủ phận của một công chức không giúp ông giữ chân Salomé, nên chỉ hơn một năm sau phải bỏ đi. Như vậy Shepperd là người có hai giòng máu. Tuy không còn chung sống với Salomé nhưng cha của Shepherd muốn cậu con trai vào trường võ bị ở Virginia nhưng chỉ sau một thời gian ngắn Shepherd bị đuổi học mà không được cho biết lý do.
Khi 12 tuổi, vào năm 1929, mẹ Salomé đem Shepherd đến ở Isla Pixol trên vùng bờ biển miền Tây Mexico sống cùng với một triệu phú dầu hỏa Mexico. Căn nhà hai mẹ con ở rất quạnh vắng bóng người nhưng lại bị những bầy khí tối ngày chí chóe vây quanh. Hai mẹ con cho rằng những con khỉ này chính là những ác quỉ ăn thịt người và Salomé bảo con trai “Tốt hơn hết là con hãy viết hết vào quyển sổ tay của con đi.”
Về Isla Pixol là dịp để Salomé suy ngẫm vế cuộc đời tình ái, nhưng với Shepherd đó lại là dịp để cậu bé vẫy vùng với biển cả và được người nấu bếp tên Leandro – cũng là một người đồng tính - dẫn dắt vào đời, dạy cậu bé nhiều thứ trong đó có nghệ thuật lặn, nghề làm bánh và nấu ăn, và nhất là sống ở đời làm sao cho người khác không chú ý tới mình. Ngoài Leandro và bãi biển Shepherd cũng có dịp thả sức đọc những quyển sách trong thư viện thành phố và chăm chỉ viết nhật ký vì cậu bé coi quyển nhật ký là “một kế hoạch đào thóat của người tù.” Chính ở vụng biển Isla Pixol, Shepherd một bữa nọ đã lặn xâu dưới nước và khám phá ra một đường hầm dẫn tới một hang động trong khu rừng rậm không xa bờ biển với cảnh trí tuyệt vời gồm những phiến đá san hô muôn màu xếp vỡ vụn xếp quanh những mảnh xương người rải rác đây đó, rễ cây leo quấn quít vách núi, cửa hang mở ra một bầu trời trong suốt phản chiếu trên mặt một hồ nước xinh xinh giữa hang. Có thể nói đây là một nơi chốn của sự hy sinh và của hoài niệm và cậu bé Shepherd sẽ suốt đời trăn trở về ý nghĩa cũng như sự kỳ bí của cái hang động này.
Đó là nghĩa thứ nhất của tựa sách “the lacuna.” Trong nhật ký ghi lại thời niên thiếu Shepherd mập mờ cho biết lý do bị đuổi khỏi trường võ bị vì cậu là người đồng tính. Ở Isla Pixol không bao lâu Salomé lại sách cổ Shepherd về Mexico City mục đích để theo đuổi một người đàn ông Mỹ được cô ta đặt tên là “Ông Sản Xuất Tiền” và một số những người đàn ông khác. Tuy biết mẹ mình là người tình ái lẳng lơ nhưng Shepherd tuy xa cách nhưng vẫn thương yêu mẹ, chỉ nghĩ mẹ mình là người quá lãng mạn và thích được ngưỡng mộ. Khi trưởng thành Shepherd học hỏi từ cuộc đời của mẹ cho rằng sự cô đơn đã làm cho con người ta biến chất và “Hy sinh tình yêu để tiếp tục theo đuổi một cái gì khác là một sự tự do vĩ đại.”
Thôi sống với mẹ, với tài làm bánh Shepherd được nhận vào làm đầu bếp cho nhà danh họa Diego Rivera và vợ là họa sĩ Frida Kahlo ở San Angel và Coyoacán. Nhưng thay vì nhồi bột làm bánh Shepherd được giao cho việc nhồi bột thạch cao để Rivera đắp tranh nổi trên tường và làm luôn chân thư ký cho nhà danh họa này vì Sheperd là người có khả năng ghi nhật ký và hồi ký tuyệt vời. Gặp và rồi chiêm ngưỡng Frida, Sheperd say mê hạnh phúc trong cô đơn. Frida cũng rất yêu mến Shepherd, nhưng vì không phát âm được tên Harrison nên đặt cho Shepherd một cái tên mới là Insolíto, gói gọn là Soli. Shepherd ghi trong nhật ký mô tả Frida là “một bà hoàng hậu Azteca với cặp mắt đen tàn ác. Tóc nàng kết thành những dải quấn lại với nhau như một chiếc vương miện nặng chĩu giống như kiểu tóc của các thiếu nữ Isla Pixol, và dáng dấp của nàng rất hoàng gia dù rằng nàng chỉ mặc váy vải thô giống như các nữ tỳ.”
Có thể nói Frida là người hiểu rõ Shepherd hơn chính đương sự khi cho rằng Shepherd là người có một “tâm hồn bị xuyên thủng cũng giống như chính Frida vậy. Frida cũng riểu cợt khá tàn bạo việc Shepherd có những những thúc đẩy tình dục bị khép chặt, và cũng cho Shepherd những lời khuyên giá trị về văn học nghệ thuật như: “Muốn là một nghệ sĩ thực sự bạn phải biết có một cái gì đó là đúng thật, và chẳng nên lưu tâm tới danh tiếng.”
Cuộc sống trong ngôi nhà hai vợ chồng nhà danh họa này vốn đã nhiều âm thanh và cuồng nộ nhưng đến khi Leon Trotsky cùng với vợ sang Mexico tỵ nạn để tránh bị cộng sản Nga theo dõi ám sát theo lệnh của Stalin, đến tạm cư với Rivera và Frida thì ngôi nhà lại càng trở thành sinh động hơn. Và Shepherd cũng được Trotsky tin cẩn và với sự đồng ý của Rivera đã giao cho nhiệm vụ làm thư ký riêng. Những biến cố trong cuộc sống của tay ba Frida-Rivera-Trotsky vì vậy được Shepherd đêm đêm ghi chú rất chi tiết trong những cuốn nhật ký, kể cả việc Trotsky và Frida có một giai đoạn đã là tình nhân. Shepherd cũng bắt đầu viết một quyển tiểu thuyết về đế quốc Aztec. Hai tính cách đặc biệt của Frida và Trotsky đã được minh họa bởi một kẻ thứ ba đóng vai người quan sát khách quan Shepherd trong sách là những trang truyện rất lôi cuốn người đọc.
Tấn bi hài kịch chính trị-xã hội-nghệ thuật ở Mexico trong thập niên 30s đã được ngọn bút linh hoạt tài tình của Barbara Kingsolver mô tả một cách sống động khiến người đọc quên hẳn việc để viết được như vậy tác giả đã phải dày công nghiên cứu tài liệu về giai đoạn lịch sử này. Vào năm 1940 khi vụ ám sát Trotsky xảy ra, khi đó Shepherd đã 24 tuổi, Frida lo sợ cho tính mạng của Shepherd nên lấy cớ giao phó cho Shepherd nhiệm vụ hộ tống những họa phẩm chở sang New York để dự một cuộc triển lãm. Nhờ vậy Shepherd mới có thể về Mỹ sống ẩn dật ở Asheville thuộc tiểu bang North Carolina, trở thành một nhà văn viết truyện dã sử Mexico, tránh gặp mặt mọi người nên thuê một nữ thư ký tên là Violet Brown để giao dịch với nhà xuất bản và báo chí vì khi đó Shepherd đã nổi tiếng.
Shepherd nghĩ rằng việc sống ẩn danh sẽ bảo vệ được bản thân nhưng chẳng bao lâu sau Ủy Ban Xét Xử Những Hoạt Động Chống Mỹ của Quốc Hội Mỹ đã lôi Shepherd ra vùng ánh sáng, truyền thông Mỹ mô tả chân dung Shepherd theo kiểu bóp méo thô bạo vì liên hệ của Shepherd với bộ ba Trotsky-Frida-Reviera. Năm 1947, trong cuộc họp mặt với vị luật sư bào chữa cho mình để bàn về lá thư của J. Edgar Hoover, Giám đốc F.B.I thời đó, Shepherd không hiểu tại sao F.B.I. lại coi quá khứ khi sống ở Mexico của mình lại quan trọng đến thế trong khi mình chỉ là một người nấu ăn, vị luật sư của ông giải thích ngắn gọn “những trò che đậy tinh vi đó đã hỏng rồi.”