Đường dẫn truy cập

Thảo Trường, hai năm sau đọc lại


Từ trái: Nguyễn Mộng Giác, Trần Dạ Từ, Thảo Trường và Nguyễn Xuân Hoàng.
Từ trái: Nguyễn Mộng Giác, Trần Dạ Từ, Thảo Trường và Nguyễn Xuân Hoàng.
2.

Đời sống của Thảo Trường như bàng bạc trong từng dòng chữ của ông. Ngày xưa Hàn Dũ đời Đường đã nói “Bất đắc kỳ hình tắc minh” (Đại phàm vật nào cũng vậy, không được bình yên thì kêu. Cỏ cây vô thanh, gió thổi nên kêu; nước kia vô thanh, gió xô nên kêu… Vàng đá vô thanh, đánh gõ nên kêu. Người ta đối với lời nói cũng vậy, có sự bất đắc dĩ sau đó mới phát ra lời, giong ca cũng mang tâm tư, tiếng khóc cũng chứa hoài niệm. Phàm buộc ra đằng mồm mà thành thanh âm đều do có sự bất bình chăng?). Có người đã luận thêm ra cho rằng các tác phẩm văn học đều phát sinh từ mâu thuẫn giữa tác giả và xã hội. Với Thảo Trường, xã hội này là của chế độ mới, của những người chiến thắng. Và, bản thân tác giả là người bị thua trận và đời sống bị hạ thấp xuống đến nỗi ông đã có những ý nghĩ so sánh với loài vật như những con bò của trại tù. Dù, đã nhiều năm trôi qua, nhưng những hồi ức ấy cứ canh cánh trong lòng và bất cứ một ý nghĩ nào, một suy tưởng nào cũng đều có những mảng đời sống của những ngày tù ngục chen vào. Khi sống ở Hoa Kỳ, trong gia đình yên lành nhưng vẫn vướng bận những suy tư của ngày lao ngục cũ.

Thường người ta vẫn nghĩ, văn chương phản ánh thời thế và từ những trang sách ấy, những lớp người đi sau sẽ hiểu được tâm tư của chung một thế hệ trong thời đại lịch sử ấy. Nhưng có quan niệm ngược lại, cho rằng chỉ có con người muôn thuở mới là đề tài chính yếu và trường cửu. Còn những vấn đề khác của những con người chỉ riêng trong một giai đoạn chỉ là nhất thời không có giá trị lâu dài. Nhà văn Thảo Trường nhận định:

Tôi không thấy gì là ngược lại cả. Đúng là con người lớn và trường cửu đối với con người. Chỉ khi nào không còn con người nữa thì may ra lúc đó vấn đề mới nhỏ đi và tầm thường. Tác phẩm có thể giúp cho người ta hiểu được vào giai đoạn ấy ở nơi ấy cái thời thế ấy nó như thế. Vài ba trăm năm nữa hậu duệ của chúng ta có khi phải đào xới nơi này nơi khác để tìm kiếm những di chỉ hoặc là phải đi lục tìm sách vở báo chí tài liệu trong các thư viện để xem cái nền văn minh Cộng sản nó là cái gì. Nếu thế thì một tác phẩm văn nghệ cũng có thể chứa đựng một thế giới riêng trong cái thời đại tác giả đã sống. Mở truyện Kiều ra đọc chúng ta biết được cái thời thế mà cụ Tiên Điền đã sống. Vấn đề này lớn quá và phải nói dài, có lẽ phải hỏi các vị giáo sư hay các nhà nghiên cứu phê bình văn học…”

Trong những nhân vật của Thảo Trường, bàng bạc hình dạng của người lính, người tù và người lưu lạc của một thời đại đặc biệt Việt Nam. Mà, hình bóng người tù hình như lúc nào cũng xuất hiện không ở mặt này thì cũng ở góc cạnh khác. Nếu nói về những ngày ở Mỹ của ông mà dùng từ “hội nhập” thì e không chính xác lắm. Có lẽ, còn lâu lắm, những người như “ông già” Thảo Trường hội nhập được vào xã hội chuyển động tới mức chóng mặt ở xứ sở này. Mặc dù, ông là một HO may mắn, không phải đánh vật với sinh kế hàng ngày. Lúc trước, khi đến chơi ở nhà ông, nhà văn Long Ân thường gọi đùa Thảo Trường là một HO “happy”. Nhưng, câu tả chân “trong héo ngoài tươi” hình như vẫn đúng. Những tiếng thì thầm trong bụi tre gai ông vẫn còn nghe. Những đau đớn của người ông vẫn còn cảm thấy. Và có lúc ông tuyên bố viết văn là công việc “để đời” tương tự như việc khắc họa chân dung từ một chứng nhân lịch sử cho đời sau.

Trong tác phẩm của Thảo Trường có những nhân vật đặc thù. Như đứa bé sinh thiếu tháng mà người mẹ không biết cha của nó là ai, ở bên này hay phía bên kia của… “Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp”. Hay đứa bé là kết quả của một cặp tù nhân làm tình với nhau giữa hai hàng rào kẽm gai và người mẹ kiên quyết giữ lại đứa con dù bị đấm đá giữa lúc mang thai của đám công an lòng dạ độc ác và trơ như gỗ đá của “Những đứa trẻ đầu thai giữa hàng rào”. Ở Việt Nam chỉ có trẻ sơ sinh bị tù tội vì mẹ của nó bị án…

Thảo Trường kết luận câu chuyện bằng những dòng nhắn tin. Như đùa, như thật, ông hí lộng và tạo ra một cuộc đối thoại với nhân vật của mình. Có thể coi như một thông điệp, dù có thể rớt vào hư vô; nhưng cũng là thông điệp để gửi cho lớp sau như cậu thanh niên ra đời sẩy thai thiếu tháng, mang họ nhờ [truyện “Khẩu hiệu”] hay “cậu nhỏ mang dòng họ cùng với tôi, hai mươi năm nữa của “Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp”. Tác giả muốn gửi theo cả những mảnh đời bị lốc xoáy theo chiến tranh. Một cuộc chiến kỳ quặc mà kẻ gây ra lẫn người cam chịu đều trở thành nạn nhân…

Khi đề cập đến động lực đầu tiên thúc đẩy cầm bút, ông giãi bày:

“Hình như đầu tiên là nhân vật. Tôi vớ được một nhân vật nào đó ngoài đời làm cho tôi chú ý, nó bắt tôi phải suy nghĩ xung quanh nhân vật đó và những sự kiện lời nói và hành động tình tiết cùng những băn khoăn mang những ý nghĩa của đời sống, có lý hay phi lý… Rồi có khi những ý nghĩ của mình bay về quá khứ hay mịt mùng ở một nơi xa xôi nào đó, ý nghĩ bay đi lộn lại quần thảo một hồi xong có khi sắp xếp để đấy, rồi một lúc nào đó nó lại xẹt ra, lại quần thảo. Những cơn vật vã như thế sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, nói khác đi là có lúc nó sẽ nảy ra đề tài, một đề tài hay nhiều đề tài, loại bỏ và chọn lựa... cho đến khi sự xúc cảm đem đến cho mình niềm thích thú thì dùng bút pháp riêng của mình mà thể hiện nó ra. Cũng có khi phải ‘cất’ nó nằm yên trong bộ nhớ ở trong đầu mình nhiều năm, thời gian cất đi để dành này có thể ‘nó' còn được nhào nặn thêm qua nhiều suy tư nữa. Trường hợp những truyện ngắn hình thành mà tôi phải ‘cất đi’ lâu nhiều năm là những hình thành trong thời gian ở tù Cộng Sản. Qua Mỹ tôi mới thể hiện nó ra. Bây giờ tôi cũng đang đi tìm nhân vật. Tôi tìm trên đường phố ngõ hẻm, và các thành phố Mỹ …”

Một năm sau ngày ông từ trần, tôi mang tất cả những cuốn sách của ông - đã bắt đầu đóng bụi - đem ra lau chùi sạch sẽ xếp lên kệ sách và đọc lại. Mỗi buổi sáng, trước khi đi làm mang theo một cuốn và đọc với tâm tưởng nhớ lại và hình dung một nhà văn đã ra đi. Có lúc, giữa buổi ăn trưa, nhìn ánh nắng lung linh qua lớp cửa kính thấy sinh viên đi lại tấp nập dưới đường tự nhiên thấy một điều gì sâu lắng lắm phát khởi từ trang sách. Cảm giác ấy như là một cách hồi tưởng lại phần đời đã qua mấy chục năm rồi, nhưng hình ảnh của bạn bè đồng ngũ, của những người đã cùng mình trải qua một thời đại không thể nào quên, như những người muôn năm cũ có lúc đột ngột trở về…[NMT]

* Blog 'Nguyễn Xuân Hoàng và Bạn hữu' là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
XS
SM
MD
LG