Đường dẫn truy cập

Vòng tay lớn mãi để nối sơn hà


Tháng 03-1965: Máy bay trực thăng Mỹ nổ súng vào đám cây để yểm trợ cho binh sĩ bộ binh Việt Nam Cộng Hòa tiến lên trong một cuộc tấn công Việt Cộng ở phía tây bắc Sài Gòn. (AP)
Tháng 03-1965: Máy bay trực thăng Mỹ nổ súng vào đám cây để yểm trợ cho binh sĩ bộ binh Việt Nam Cộng Hòa tiến lên trong một cuộc tấn công Việt Cộng ở phía tây bắc Sài Gòn. (AP)

Nguyễn Tiến Trung

Vào mỗi dịp 30/4, trong lòng cả “bên thắng cuộc" và “bên thua cuộc" lại dậy lên bao nhiêu cảm xúc.

Còn nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng công nhận: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.

Mâu thuẫn xã hội bùng nổ

Ngày 30/4 năm nay 2017 lại còn nóng hơn với những sự kiện chấn động cả ba miền đất nước. Miền Bắc, người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, đã bắt giữ một số chiến sỹ cảnh sát, cố thủ trong thôn xóm để đòi công bằng trong việc chia đất đai. Miền Trung, ngư dân Nghệ An, Hà Tĩnh liên tục biểu tình đòi được bồi thường công bằng sau sự kiện Formosa đầu độc biển. Miền Nam, tại An Giang, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo biểu tình phản đối đàn áp tôn giáo.

Một cách tình cờ, các cuộc phản kháng của người dân ba miền phản ánh ba mâu thuẫn rất lớn trong xã hội: đó là mâu thuẫn đất đai giữa những người tham nhũng có tiền, có quyền và người dân mất đất; mâu thuẫn giữa những nhà tư bản kiếm lợi nhuận bằng mọi giá với môi trường sống của người dân; và mâu thuẫn tôn giáo, ý thức hệ giữa nhà cầm quyền muốn độc quyền tư tưởng và sự đa nguyên trong ý thức của người dân.

Cả ba mâu thuẫn đã và đang bùng nổ đó đều bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa việc tuyên bố tạo dựng xã hội công bằng, nhân dân làm chủ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật với việc một đảng độc quyền nhà nước, đứng trên pháp luật. Nghĩa là mâu thuẫn giữa mục tiêu xã hội công bằng và cơ chế nhà nước bất công, quyền lực chỉ thuộc về thiểu số lãnh đạo của đảng cộng sản.

Gia tài của mẹ

Trước bất công xã hội hiển nhiên như thế, ngay cả các đảng viên cộng sản cũng đã nhận thức rất rõ vấn đề. Nói theo ngôn ngữ “thời thượng” bây giờ là họ cũng đã “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Ngày 16/3/2017, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Thượng tướng Võ Trọng Việt thừa nhận: “Tôi đi cả nước thấy rằng về cơ bản rừng đã bị phá hết rồi, do nạn phá rừng, có lãnh đạo còn nói là đi nhìn bên ngoài xanh tốt nhưng… cây quý ở trong bị rút hết rồi… Bao nhiêu gỗ quý, thú quý, khoáng sản quý ta lấy hết rồi”.

Liền sau đó, ngày 21/3/2017, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh cũng công nhận: “Bây giờ tất cả các vùng biển từ Bạch Long Vĩ trở ra đến Phú Quốc, hay các vùng ven biển, cá đã không còn, chính vì vậy ngư dân ta phải đi rất xa để đánh bắt”.

Ngày 1/4/2016, đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa giải thích cho việc người dân đua nhau bỏ nước ra đi là: “Không phải vì nghèo về tiền mà cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không đảm bảo đầy đủ, lo sợ đất nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy và cũng biết.”

Như thế, “gia tài của mẹ” Việt Nam để lại cho con cháu mai sau đã cạn kiệt không còn gì. Tài nguyên thiên nhiên “rừng vàng, biển bạc” chỉ còn trong ký ức. Tài nguyên con người thì bỏ nước mà đi. Đất nước đang lệ thuộc về chính trị và kinh tế với kẻ thù xâm lược Trung Cộng. Dân tộc bị chia rẽ vì cả dân tộc bị giới lãnh đạo của một đảng cai trị không chính danh, xâm phạm quyền công dân và quyền con người.

Vậy là từ ngày 30/4/1975, đất nước được thống nhất về mặt địa lý nhưng tiếp tục chia cắt trong lòng người. Tất nhiên, đảng cầm quyền phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho “một nước Việt buồn”.

Công cụ bạo lực mất thiêng

Cuộc Cách mạng tháng Tám chỉ mới hoàn thành giai đoạn một là đánh đuổi thực dân. Còn giai đoạn hai là đảng cầm quyền phải chuyển giao quyền lực về tay nhân dân thì vẫn chưa hoàn thành. Nói cách khác, đó là món nợ xương máu to lớn của đảng cộng sản với dân tộc sau bao nhiêu cuộc chiến tranh mà đảng đã tiến hành.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, mới đây, ngày 3/4 cũng viết: “Với cách thức đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân ngày một tràn lan như hiện nay, không khéo trật tự xã hội bất công trước Cách mạng tháng Tám đang được âm thầm tái lập trở lại”.

Bất công xã hội lan tràn như vậy nên việc người dân đứng lên phản kháng là chuyện bình thường, đúng với quy luật mà đảng cộng sản luôn tuyên truyền là “có áp bức, có đấu tranh”.

Chế độ nào cũng muốn dân ủng hộ, nhưng xem nhân dân là “thế lực thù địch” khi dân không phục tùng những sai trái của chế độ thì rõ ràng đó không phải là chính quyền “của dân, do dân, vì dân”.

Hình ảnh cảnh sát cơ động, công an, quân đội bỏ chạy trước khí thế và sức mạnh của người dân ở Vũng Áng, ở Đồng Tâm là lời cảnh báo nghiêm khắc với những người còn đang ảo tưởng muốn nắm quyền bằng sức mạnh của bạo lực và dối trá.

Tiếp tục phối hợp cải tổ xã hội

Thế hệ dấn thân hôm nay không thể như các thế hệ “cách mạng” ngày trước, nói một đằng, làm một nẻo. Thế hệ cải tổ xã hội hiện nay từ suy nghĩ đến lời nói, hành động cần phải trước sau như một, không mâu thuẫn.

Người Việt là đồng bào thì giữa người Việt không có thù địch. Tinh thần Việt Nam bao dung, đoàn kết sẽ mở ra vận hội mới cho toàn xã hội. Người Việt Nam cùng nhau đoàn kết để tạo dựng và bảo vệ nền tảng xã hội là bản Hiến pháp chuẩn mực của toàn dân.

Giới lãnh đạo cộng sản biết rõ sức mạnh đoàn kết của dân tộc nên mới đây, ngay trước ngày 30/4 đã đòi cấm những ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kêu gọi đoàn kết quốc gia như “Nối vòng tay lớn”, “Huế - Sài Gòn - Hà Nội”.


Việt Nam ơi, còn bao lâu, những con người ngồi nhớ thương nhau

Triệu chân em, triệu chân anh, hỡi ba miền vùng lên cách mạng

Đã đến lúc nối tấm lòng chung

Tuổi thanh niên hãy đi bằng những bước tiền phong

Từ Trung Nam Bắc chờ mong nung đốt

Những bó đuốc reo vui tự do

Đường đi đến những nơi lao tù

Ngày mai sẽ xây trường hay họp chợ,

Dân ta về cày bừa đủ áo cơm no

Bàn tay giúp nước, bàn tay kiến thiết

Những dấu căm hờn xưa nhạt mờ

(Huế - Sài Gòn - Hà Nội - Trịnh Công Sơn)


Sự thật là Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam dù khác biệt nhưng vẫn là Việt Nam. Có phải đã đến lúc người Việt đoàn kết cho một Việt Nam đoàn kết trên nền tảng pháp luật chuẩn mực? Có phải đã đến lúc gác lại quá khứ trong tình tự dân tộc cho quốc gia độc lập, dân chủ, đoàn kết, công bằng, hòa bình và phát triển?

Việt Nam không phải chỉ có con đường theo cộng hay chống cộng mà con đường đoàn kết quốc gia “nối vòng tay lớn" mới là con đường ưu việt, là con đường phía trước cho Việt Nam cất cánh bay cao. Nếu chúng ta đã thấy được con đường phía trước thì tại sao không mạnh dạn tiến bước?

Chú thích:

Tựa đề bài viết “vòng tay lớn mãi để nối sơn hà” là một câu trong tác phẩm “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
“Gia tài của mẹ” là tựa một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

“Một nước Việt buồn” là một đoạn trong bài hát “Gia tài của mẹ.”

XS
SM
MD
LG