Nguyễn Văn Sâm sanh tại Sài Gòn,1940. Từng dạy ở trường Nguyễn Ðình Chiểu, Mỹ Tho, Pétrus Ký, Ðại Học Văn Khoa (Sài gòn) và các trường Ðại Học Vạn Hạnh, Cao Ðài, Hoà Hảo, Cần Thơ. Sang Mỹ từ năm 1979, vẫn sống bằng nghề dạy học. Viết cho Văn, Văn Học và các tạp chí Việt ngữ của người Việt. Trước 1975 chuyên viết về biên khảo văn học. Ở Mỹ, Nguyễn Văn Sâm viết truyện ngắn vì những thôi thúc phải nói lên sự suy nghĩ của mình về quê hương và thân phận người Việt, ngay trên quê hương, hay lạc loài tha hương. Gần đây, trở về gia tài cổ của dân tộc bằng cách phiên âm các tuồng hát bội, truyện thơ viết bằng chữ Nôm chưa từng được phiên âm mà nguyên bản hiện còn đang nằm trong các thư viện lớn ở Âu Châu. Thành viên Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn. Giáo sư Viện Việt Học, California, Hoa Kỳ. Cư ngụ tại Texas, Hoa Kỳ.
Cuối cùng thì mình cũng được nàng ban cho một câu mát ruột mát gan chờ đợi cả mấy chục năm nay…
Họ ngồi nhậu gật gà gật gù như hai người bạn thân từ đời kiếp nào. Người trung niên ở trần, bận cái quần xà lỏn hơi rộng, đầu hớt cao, bộ ốm nhom đưa bộ be sườn cách trí, ngồi một chưn buông thỏng, lâu lâu lại đánh đòng đưa như là đuổi ruồi đuổi muổi gì đó, chưn kia co lên để trên mặt ghế. Người già tròm trèm sáu mươi, mập hơn, cũng quần xà lỏn nhưng khoát thêm cái áo sơ mi màu cháo lòng, cổ quấn khăn lông, ý chừng sợ gió. Cái bàn tạp ở giữa hơi thấp, bày lủ khủ chai ly tạp nhạp không có cái nào giống cái nào. Mấy món nhậu lèo tèo, như là mua quơ quào bậy bạ ngoài quán cơm nào đó đằng chợ đem về.
Người trung niên lên tiếng:
“Anh Sáu à! Nói thiệt nghe nè, mấy tháng nay tui mới được khoái khoái khi ngồi nhậu. Thân tình biết là bao nhiêu, với ai cũng vậy chớ không phải với anh Sáu thôi đâu nha. Lúc trước hả, nói thiệt, nhậu cầm chừng cho có vì biết tỏng tòng tong là sau nầy mình hả họng mắc quai.”
Chú Sáu Cường chọt ngang:
“Mắc quai mẹ gì, mắc xương mấy món nhậu tụi nó mời mọc trước đó thì có. Ông mà còn làm chức này chức nọ thì còn nhậu dài dài và còn mắc xương hoài hoài. Thôi từ nay ông cho phép tôi kêu ông lại là chú Năm Đơ nha! Ông bí thơ nầy bí thơ kia nghe quan liêu làm sao! Tôi cũng không muốn kêu chú bằng Năm Nói Thiệt, xách mé quá nghe không được.”
Năm Đơ đập muổi cái bốp, đưa tay lên coi rồi lấy hai ngón tay cái và trỏ dí dí xác con vật tội nghiệp tới chừng tiêu hết trơn mới chịu trả lời.
“Ờ, chuyện nhỏ, vô tư đi anh! Bây giờ còn ông bà gì nữa với ai, thằng Năm Đơ trở lợi như hồi xửa hồi xưa. Vậy mà coi bộ tiện phải không anh Sáu?” Anh ta lấy đủa bươi bươi trong cái dĩa thịt rồi lựa miếng bự xộn nhứt bỏ vô chén chú Sáu, Ông nầy coi bộ cảm động, đổi thế ngồi, nói cám ơn nho nhỏ trong lỗ miệng.
Rượu đế rót tràn ly, những miếng mồi ít được chiếu cố đương làm tiệc cho bầy ruồi. Một người đàn bà khoảng chừng năm mươi trong nhà bước ra, chào lơi Năm Nói Thiệt rồi ngồi xà xuống đầu sân, đặt mâm cúng lên mặt ghế để sẵn ở đó. Mâm cúng chỉ có một dĩa đựng ba cái hột vịt và một dĩa đựng miếng thịt ba rọi mỏng dính với mấy con tôm luộc đỏ au. Nhang đèn được đốt lên. Người đàn bà xá xá rồi đứng dậy đi vô, mắt đỏ hoe. Bữa tiệc nhậu khựng lại, lặng trang với bốn con mắt theo dõi bước đi của người đàn bà.
Chú Sáu Cường tháo gỡ lớp băng giá trước:
“Thôi chú Năm nó đừng để ý tới thiên hạ nữa, mình nhậu nữa đi. Mồi mình bình dân mà an toàn chú biết không? Mồi cao cấp coi vậy mà nguy hiểm, ăn khỏi miệng bà hú liền không chừng.”
Người đối ẩm gật gù cho có:
“Thì mua bậy bạ ngoài chợ mấy món thường thường thôi, chớ nói thiệt, lúc nầy không dám cao lương mỹ vị.”
Chú Sáu Cường đổi thế ngồi:
“Chú Năm nói tôi mới dám phát biểu chớ mồi ba ba nướng muối, lẩu cá nóc… hoặc là nhộng nầy nhộng nọ là không có tui. Bữa nọ ăn có một con nhộng ve xào mà tôi bị chóng mặt, cứng hàm, may mà mới có một con thôi nên chưa bị ói mữa. Thằng con nó chở vô nhà thương, họ cho thuốc uống rồi họ giảng cho một trận để đời. Ớn quá rồi.”
Người đối ẩm hớp chút rượu, khà một tiếng lớn lỏ mắt ngạc nhiên:
“Ủa ngộ không! Mình bịnh mới đi nhà thương, giảng là giảng làm sao?
“Đau nhứt là cô ý tá trẻ cở tuổi con mình càu nhàu nào là già rồi còn ăn bậy ăn bạ, bộ thèm khát ba bốn đời gì sao. Ăn đồ quỷ đó mập béo gì mà ai ai cũng rũ nhau ăn. Nếu ngon lành bổ dưỡng thì mấy thằng Tàu đã đem vô thực đơn đám cưới rồi.”
Năm Đơ gật gù:
“Nói thiệt chú chớ dế, ve, nhộng sâu, đuông dừa, bò cạp.. tui đều ăn qua rồi. Có sao đâu, chiên vàng lên với bơ tỏi tiêu là bắt mắt và bắt rượu. Nói thiệt chú chớ có vài ba lần bị chóng mặt sơ sơ, cồn cào trong bụng chút chút, cũng có cảm thấy bủn rủn chừng độ nửa giờ nhưng chỉ nằm ngủ một giấc là hết.” Năm Đơ gật gù cười mím chi coi bộ khoái trá tiếp: “Tụi nó ói mữa tùm lum, ngã rạp hết phân nửa, may mà chưa có thằng nào bữa đó lên nóc tủ ngồi ngắm gà khỏa thân hưởng khói nhang.”
Chú Sáu cười hiền:
“May đó nha! Chắc là mấy con nhộng đó mới chết nên ít độc tố, có khi do cơ địa mấy anh em mạnh, hoặc rượu bữa đó là rượu thiệt. Côn trùng, ấu trùng ở trong đất ăn bào tử nấm độc là thường. Con nào chết thì chết, con nào sống thì sống. Người ta đào đất bắt hết đem về rữa sạch rồi chiên, biết ất giáp gì chết sống. Rửa đất cát chớ có rửa được độc tố đâu, côn trùng chết là ổ độc dược cho con người.”
“Sao kỳ vậy anh, làm sao phân biệt được con chết con sống, con nào chứa độc con nào không?”
“Ậy! Vậy mà tôi mới học được. Sách vở thôi. Đại khái là con nào còn mềm, mắt màu đen, còn cử động thì không sao, ăn được, con nào chết, mình cứng, mắt màu trắng, nằm êm rơ là lục phủ ngủ tạng của nó đương bị độc tố hoành hành, mình ăn vô là uống thuốc độc.”
Chín Đơ tròn mắt phục lăn:
“Có chữ nghĩa cũng hay ha! Tụi tui thì bằng cắp đễu biết mẹ gì.” Anh ta trầm ngâm như muốn nhớ lại thời vàng son quá khứ. “Nếu không có chuyện xui xẻo kia chừng hai năm nữa thì tui cũng có bằng Cử Nhơn chứ bộ! Cái thằng học giùm tui nó thông minh lắm, học đâu đậu đó!”
Người đối ẩm chỉ lắc đầu thương hại mà không nói gì. Gió lạnh từ biển thổi vô rì rào, chú Sáu Cường kéo cái khăn lông sát vô cổ hơn. Vài người đàn bà lựa cá xong bưng rổ đi về ngang nhà. Năm Đơ hỏi vọng ra.
“Kỳ nầy anh em về có nhiều cá không?”
Một người đàn bà đứng lại chõ miệng vô nhà:
“Cá lúc nầy mà, nhiều nhõi gì, đáy ngoài khơi đại đương bị hút đất nên cá di chuyển chỗ khác gần hết… mà hai ghe của gia đình Út Chột bị tàu lạ đâm chìm rồi. Vợ con nó đương khóc ngoài bãi đó.”
Năm Đơ đổi thế ngồi, trầm ngâm:
“Sanh giặc hoài, tàu lạ ông nội tui chứ tàu lạ!”
Chú Sau can:
“Thôi dẹp ba cái chuyện đó đi, đời là bể khổ mà. Mình lo thân chưa xong, nói nầy nọ khó lòng.”
Chừng mười lăm phút sau người đàn bà đi ra lại với cái thau nhôm cũ và hộp quẹt. Chị vừa đốt giấy tiền vàng bạc vừa vái:
“Ngày mười sáu má cúng ba đứa bây. Bây đi đường khác nhau, chết khác nhau, nhưng bây đều là con má nên má cúng chung một lần. Sống, bây không có dịp gần nhau để thương nhau nhưng chết tụi bây chắc phải xum họp và thương nhau. Cái hủ để trên bàn thờ bây biết đó, là hơi hướm chung của ba đứa, má cắt chéo áo mỗi đứa đốt bỏ vô đó. Ngó cái hủ đó má nhớ tụi bây hồi nhỏ.”
Chị ngồi bất động ngó ngọn lửa phất phơ rồi tàn lần, mắt đỏ hoe. Gió chiều thổi tung tóc tai chị lù xù dã dượi, gương mặt rám nắng của người đàn bà đã quen chịu đựng phong trần coi vậy cũng còn có nét, hồi xưa chắc chị cũng mặn mà …
Chú Sáu Cường chép miệng:
Thiệt khổ! Mỗi lần nó vái tôi đau xé lòng. Thằng Hai Biệt Động Quân, thằng Ba du kích, con Út vượt biên. Tôi thương thằng Ba nhứt, nó trái đường với tôi, nhưng lúc nhỏ tôi bồng ẳm nó mến chưn mến tay..”
“Tui biết hết ba đứa, thằng Hai hồi đó đeo theo tui xin kẹo hoài. Thằng Ba trời dung đất rũi sao mà ở chung với tui một hầm. Nó lãng mạn và thuộc nhiều thơ. Có lần Ngưng-Bắn-Tết nó hí hoáy chép bài thơ tụi ngụy bắt loa đọc, tui chữi cho một trận nên thân. Sau nầy nó bị trúng đạn tỉa chết khi mò lên khỏi hầm để hứng sương khuya, nghe gà gáy sớm... Tội nghiệp biết bao nhiêu mà kể!”
Chủ nhà triết lý:
“Chiến tranh mà! Quy luật chiến tranh không theo lại theo tiếng gọi của tình cảm cá nhân thì thiệt thòi thôi, đó là chuyện phải hiểu. Thời nào phải mang mặt nạ đó mới sống được.”
***
Đám người lựa cá xong kéo nhau về. Trên đường đi, tiếng than thở, tiếng càu nhàu chen lẫn với lời kết tội chữi rủa ỏm tỏi. Khi đi ngang qua chỗ cuộc nhậu, vài người rẽ vô chào. Năm Đơ mừng vui ra mặt:
“Vậy thì đủ mặt nhà Út Chột đây hết. Cũng hú vía há! Mừng cho tụi bây!”
Một người trả lời giọng chịu đựng:
“Thoát chết lần nầy thì có, nhưng sau nầy chắc chết đói cả nhà quá. Ghe tàu bể hết, sửa lại tiền đâu? Ai vô đó mà bồi thường cho mình! Xã nói tàu lạ biết nước nào mà thưa gỡi. Hai bác coi mặt mũi tôi nè. Tụi nó đánh thấy ông bà ông vãi. Tụi nó nói với nhau xí xô xí xào như trong phim truyện Hồng Kông mà Xã cứ nhứt định bắt mình khai tàu lạ họ mới chịu làm việc.”
Hai người bạn nhậu đổi thế ngồi rồi cùng cúi mặt xuống đất thiệt lâu, thở dài. Đoàn người đánh cá chào lầm lũi đi. Cuộc nhậu khề khà bỗng ngưng ngang, trầm lắng.
Năm Đơ quơ quơ đôi đũa, rớt nước mắt bệu bạo:
“Tôi thương họ quá! Dân mình! Khổ trăm bề! Trước đây mấy cái chuyện nầy tui coi như đồ bỏ, cho qua cầu hết! Hai năm trước đi du lịch Trung Quốc, vui chơi ở cửa Hà Khẩu mấy đêm liền, trên lầu các tiệm buôn là động chứa toàn gái Việt, có xúc động đâu, coi đó là cái số của họ phải như vậy. Bây giờ thì bỗng nhiên thấy khác trong lòng mình…”
Cặp mắt người bạn nhậu mở to vặn hỏi nguyên nhân. Năm Đơ từ tốn nuốt hơi, nuốt xuống cục nghẹn đeo đẳng lâu lắm trong mình. Anh lấy tay đùa đùa mấy dĩa chén trên bàn qua một bên, chừa một khoảnh trống. Cầm chai nước mắm lên nói đây là anh. Cầm chai nước tương nói đây là tui. Cầm xị rượu nói đây là cô Bảy, má thằng Ba, còn tất cả chai xị khác lủ khủ là dân chúng. Anh thấy đó, tất cả đều là chai, chỉ khác nhau cái nhản bên ngoài và thứ nước gì đó chứa trong chai. Khi để dưới bếp thì người ta để mỗi thứ một chỗ, không để chung, có để chung thì cũng phân biệt thứ nào ra thứ nấy. “
Cặp mắt Sáu Cường nảy giờ không nháy, đương ngạc nhiên về cử chỉ khác thường của Năm Đơ. Anh nầy hai tay chộp hai chai, lật ngược, đổ tung tóe những gì chứa trong đó xuống sàn đất. Đổ hết anh lấy hai chai khác đổ nữa, đổ nữa. Anh hằn học nắm con dao xắc trái cây cạo tất cả nhãn của những chai nầy, nói như bị kích động:
“Giờ đây không còn nhãn, không còn những thứ chứa bên trong, lũ chai nầy trở lại thành chai hết, không còn là chai rượu, chai nước mắm, chai nước tương, chai ớt dấm gì nữa hết. Chỉ toàn là chai, trần trụi là chai thôi.”
Năm Đơ ngồi xuống thở, giọng thiệt nhỏ nhẹ:
“Nói thiệt anh Sáu nghe nha! Lúc nào đó thì mình phải ngộ ra thôi. Mọi người bỏ hết những ham muốn riêng tư vị kỷ, lột quăng hết những nhản hiệu, chức tước nầy nọ thì ai cũng giống ai, cũng là người Việt Nam mình hết thảy, hỏi không thương nhau thì thương ai bây giờ? Tui ứa nước mắt khi nghe câu nói của Út Chột là vì vậy, cũng như hồi nảy ngồi lơ mơ nhớ lại tui xót xa cho thân phận của các cô gái Việt ở cửa Hà Khẩu hay những ổ động tương tợ ở mấy nước chung quanh…”
Người đàn bà trong nhà bước ra, tay xách bình nước trà, tay kia cầm hai cái tách, cười nghiêm nhưng thiệt vui:
“Anh Năm, nói thiệt anh nghe nha, hồi trước anh hùng biện kiểu nầy thì thằng Hai, Thằng Ba, con Út là con của anh rồi, đâu có tới ba xấp nhỏ nhà tui!”
Năm Đơ rạng rỡ cười, ngó thẳng mặt cô Bảy rồi đứng dậy chậm rãi quay lưng đi, bỏ lại sau lưng bữa nhậu tàn với chai lọ chỏng chơ và hai cặp mắt mở tròn…
Nguyễn Văn Sâm
Lake Charles, LA, Feb. 06/2010