Đường dẫn truy cập

Super Sad True Love Story (Truyện Tình Có Thật 'Siêu' Buồn) - Gary Shteyngart


Super Sad True Love Story (Truyện Tình Có Thật 'Siêu' Buồn) - Gary Shteyngart
Super Sad True Love Story (Truyện Tình Có Thật 'Siêu' Buồn) - Gary Shteyngart

Gary Shteyngart nhân kể một truyện tình khốn khó giữa hai di dân trên đất Mỹ xảy ra trong tương lai để đưa ra cái nhìn viễn kiến về tương lai nước Mỹ đang lao nhanh xuống vực thẳm suy tàn.

Trong một chương trình đỉểm sách trước đây chúng tôi đã có dịp giới thiệu nhà văn Gary Shteyngart với tiểu thuyết Absurdistan/Nước Cộng hòa Phi lý. Vào cuối tháng 7 vừa qua nhà văn di dân gốc Nga này vừa mới cho ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ ba Super Sad True Love Story/Truyện Tình Có Thật Buồn Kinh Khủng và quyển này đã được cả giới phê bình điểm sách lẫn độc giả tiểu thuyết ở Mỹ đón nhận khá nồng nhiệt. Chẳng hạn cây bút điểm sách nổi tiếng khó tính Michiko Kakutani của tờ The New York Times cũng phải kết luận về Super Sad True Love Story như sau: “Bằng việc kể lại câu chuyện của Lenny và Eunice với một giọng văn kỳ khôi, đặc xệt chất cà phê, Steyngart đem đến cho chúng ta một quyển tiểu thuyết mãnh liệt và chân thành nhất của ông cho đến nay – một quyển tiểu thuyết trình diễn được tay nghề điêu luyện trong việc trộn lẫn sự khôi hài khải huyền với một truyện tình buồn bã cùng cực.”

Gary Shteyngart sinh năm 1972 ở Leningrad (nay là St. Petersburg), gốc Do Thái, năm 7 tuổi theo cha mẹ di dân sang Mỹ. Đến vùng đất định cư tuy cha anh trước đây là một kỹ sư và mẹ là một nhạc sĩ dương cầm nhưng gia đình đã trải qua những năm sống nghèo khổ. Cha mẹ không biết nói tiếng Mỹ và chính bản thân Gary cho mãi tới khi 14 tuổi mới phát âm tiếng Mỹ không còn nặng giọng Nga. Qua bậc trung học, lên đại học và cuối cùng tốt nghiệp thạc sĩ ngành sáng tác ở City University of New York và làm việc cho một cơ quan định cư người tỵ nạn Nga vài năm. Bị chính quyền Nga cấm không cho hồi hương nên anh làm một chuyến thăm thủ đô Prague của Tiệp khắc, lấy kinh nghiệm dựng nên thành phố giả tưởng Prava ở Âu châu nơi những nhân vật tiểu thuyết của anh sinh sống. Hiện nay Gary Shteyngart sống ở thành phố Manhattan, New York và dạy ngành sáng tác ở Đại học Columbia và Princeton.

Sự thành công của cả ba quyển tiểu thuyết Sách Hướng Dẫn Cho Người Nga Mới Nhập Cuộc, Nước Công Hòa Phi Lý, mới đây nhất, Super Sad True Love Story/Truyện Tình Có Thật Siêu Buồn đã xác định Gary Shteyngart là một trong những nhà văn di dân trẻ xuất sắc nhất ở Mỹ hiện nay.

Truyện xảy ra vào năm 2018, ở New York, Mỹ. Truyện được dàn trải với nhân vật tự sự là Lenny Abranov và những mẩu nhật ký của anh kèm theo những trích đoạn điện thư của Eunic Park. Lenny di dân Nga gốc Do Thái, nay đã 39 tuổi, sống ở New York và hiện làm điều hợp viên đại diện thương mại cho công ty Life Lovers Outreach (Đến Với Những Người Yêu Đời) là một công ty chuyên môn giúp những người muốn kéo dài tuổi thọ.

Ông chủ công ty nay đã ngoài 70, nhiệt thành cổ võ việc triệt hủy hiệu ứng tâm thần trị liệu và uống dầu cá, khuyên mọi người hãy quẳng gánh lo đi về sức khỏe thể lý. Bản thân ông chủ cứ mỗi ngày mỗi trẻ măng thêm. Như chúng ta dễ nhận thấy từ mấy năm nay người Mỹ rất quan tâm tới sức khỏe và tuổi thọ nên công ty Life Lovers Outreach xem ra đã làm thương mãi đúng hướng nhắm về tương lai.

Nhưng khốn nối công ty này chỉ phục vụ những khách hàng thuộc giới HNWIs (High Net-Worth Individuals) nghĩa là những kẻ giàu có ở Mỹ hiện là giới đang lo âu điên cuồng về sức khỏe và tuổi thọ. Điều trái khoáy là tuy Lenny làm việc cho một công ty cổ động kéo dài tuổi thọ nhưng bản thân anh lại đang bị dày vò, trăn chở vì cái thân xác càng ngày càng suy yếu của mình và bị cái chết ám ảnh nặng nề. Lenny hiện đang yêu Eunice Park, một thiếu nữ Triều Tiên xinh đẹp kém anh 15 tuổi, có hai bằng cấp đại học, một chuyên ngành Tạo Hình Ảnh, còn bằng cấp ngành phụ kia là về Xác Quyết.

Eunice tiêu biểu cho thiếu nữ hôm nay: tính cách mạnh dạn, kén ăn, thông thuộc nền văn hóa điện tử hiện đại. Lenny yêu Eunice không những vì cô ta trẻ trung xinh đẹp mà còn vì Eunice có khả năng thu hút sự chú ý. Cuộc tình của hai người gặp nhiều rào cản không những về tuổi tác mà còn về nhiều thứ khác. Chẳng hạn về thân hình Eunice không mấy hài lòng về Lenny vì anh ta không những hơi “bị” không bảnh trai mà còn “già khú đế”, có guơng mặt của một kẻ kỳ cục, lại cứ ham mê văn chương vớ vẩn. Nhưng được cái Lenny rất chân thành trong tình yêu nên Eunice cũng tỏ ra dễ thương, gần gũi thân mật săn sóc anh. Lenny khờ khạo đến nỗi Eunice phải chỉ cách anh ăn mặc sao cho gọn ghẽ, đánh răng sao cho đúng cách.

Nhưng điều xô đẩy Lenny và Eunice đi vào cuộc tình vì cả hai người đều có một tuổi thơ khổ đau và những khó khăn, những thất vọng về tình yêu. Cả hai cùng thuộc những gia đình di dân đến Mỹ, cha mẹ họ đã phải đối phó những khó khăn tưởng như không vượt qua được về ngôn ngữ, công ăn việc làm, nhất là về văn hóa. Cho nên cha mẹ của Lenny cũng như của Eunice đều là những người bảo thủ, tồn cổ, khe khắt áp chế con cái. Cả hai đều có mặc cảm đánh giá thấp bản thân. Quen Eunice, qua kinh nghiệm tuổi thơ của mình, Lenny e rằng vì tuổi thơ bị cha mẹ áp chế nên Eunice trở thành dễ dàng nổi giận và không tin người, trong khi Eunice nhiều khi phân vân về tư tưởng và niềm tin của Lenny, nhất là khi anh ta vẫn cho rằng trong tình yêu “sự dễ thương và khôn ngoan luôn luôn thắng cuộc,” như anh đã nói với Eunice với hàm ý anh ta không dễ thương và không khôn ngoan nên rốt cuộc sẽ thua cuộc.

Cuộc tình của hai người tiến triển chậm chạp từng bước nhờ cả hai cố gắng thương thảo, chia xẻ những khó khăn trở ngại về tình cảm và gia đình của cả hai phía. Cuối cùng Eunice yêu anh vì thấy Lenny tuy ngu ngơ nhưng là kẻ thực sự hết lòng với mình. Nhưng cuộc tình của họ tưởng chừng thơ mộng như một bản nhạc đồng quê không may đã xảy ra vào thời đại nước Mỹ đang đi vào sự suy xụp khủng khiếp về tinh thần.

Thế nhưng, nếu quả thực chuyện tình giữa Lenny và Eunice chỉ như đã được tóm tắt ở trên thì chưa hẳn đã “siêu” buồn vì ở đời không thiếu những truyện tình còn ngang trái hơn, và quyển truyện của Gary Shteyngart cũng chỉ là một quyển truyện tình bình thường mà thôi. Vậy cái gì đã khiến Super Sad True Love Story được coi là một tác phẩm văn chương độc đáo của thời đại?

Theo chúng tôi, trước hết sự độc đáo nằm ở chỗ tác giả đã đặt truyện tình này – một truyện tình xảy ra trong tương lai – trong khung cảnh của New York City, một đại đô thị tiêu biểu của nước Mỹ ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21 theo tác giả đang lao mạnh trên đà suy xụp về tinh thần, nước Mỹ một “đế quốc” hàng đầu trong nửa cuối thế kỷ 20 sẽ trở thành những mảnh vụn khó bề cứu chữa. Thứ nhì, quyển truyện được viết bằng một diễn ngôn phúng thế đáng yêu, và ngôn từ riễu nhại sử dụng lắp ghép những từ ngữ, lối nói của người đời - nhất là giới trẻ - đã bị “kỹ thuật số” xâm nhập cùng khắp, kể cả những bày tỏ tình cảm kín đáo giữa tình nhân với nhau.

Về nước Mỹ trong tương lai không xa Gary Shteyngart đã phóng chiếu một bức tranh bi hài dựa trên những sự kiện lịch sử đang diễn ra hôm nay. Về kinh tế, nước Mỹ đang dần dần phụ thuộc vào Trung Quốc, các sản phẩm rồi ra sẽ mang giá biểu tính bằng đồng nhân-dân-tệ. Ngay như ở New York City dân chúng nao nức đón chào cuộc viếng thăm của một nhân vật cao cấp của một Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vì vị này “một cách không chính thức được coi là kẻ quyền lực nhất thế giới.” Về chính trị, một đảng mang tên Lưỡng Đảng lên cầm quyền chính phủ liên bang, những chính sách cứng rắn của ông Bộ trưởng Quốc phòng Rubenstein (nhái tên cựu bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld dưới thời tông thống Bush con) được cha mẹ Lenny vốn là những di dân tỵ nạn cộng sản Nga hiện đang sống trong khu chung cư nghèo khổ ở Long Island và vì tuổi già không có công ăn việc làm nên suốt ngày chỉ còn biết xem hai chương trình truyền hình FoxLiberty-Prime và FoxLibertyUltra nhiệt liệt vỗ tay tán đồng.

Tác giả cũng hư cấu những cảnh ác mộng trong cuộc tranh giành quyền lực giữa hai chính trị gia nữ giới Nancy Pelosi và Sarah Palin đến nỗi Eunice phải la lên với Lenny “Trời ơi, cái gì đã xảy ra cho tụi mình hả Lenny?” Về văn hóa và đời sống hàng ngày ở đô thị, tất cả đã bị kỹ thuật số ngự trị, các nhân vật trong Super Sad True Love Story hầu hết đều kè kè bên mình những món đồ điện tử liên mạng tên là äppäräti, cái máy này không ngừng phát ra những thông tin – dù người sử dụng có muốn hay không – là những dữ kiện chẳng hạn vệ độ mỡ hay áp lực tâm thần (stress) cao bao nhiêu, thành tích tín dụng của mình được xếp vào hạng nào, tự đánh giá bản thân và lịch sử những mối quan hệ cũng như những đánh giá về thân nhân hay bạn bè. Thước đo giá trị được chia theo những phạm trù như Nhân cách, Tính tự chế, và Khả năng Làm tình. Nước Mỹ nay trở thành vùng đất được điều hành bởi bọn nắm giữ tiền bạc (LandOLakesGMFordCredit), giới trung lưu nay hoặc làm việc trong ngành Bán lẻ, Cho vay nợ, hay Truyền thông Báo chí. Báo chí suy đồi vì do bọn chỉ-biết-yêu-bản thân nắm. Và người dân lại chỉ còn biết lo chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm thần.

Cách dùng theo lối riễu nhại các từ ngữ thời thượng của Gary Shteyngart rất tài tình, vừa tục vừa thanh. Chẳng hạn một người bạn của Lenny gặp anh trong một quán rượu gợi ý hãy cùng nhau FAC để phán xét người khác cũng như để người khác phán xét mình khiến thọat đầu Lenny ngớ ra vì không hiểu FAC tức là “Form A Community/Lập ra Một Công đồng”! Trong quyển tiểu thuyết này tác giả không chỉ trào phúng thời đại mà còn biểu lộ một niềm hoài cảm quá khứ nhẹ nhàng. Đọc xong quyển sách, người đọc không khỏi bang khuâng về đời sống tương lai ở những đô thị ngày càng phát triển, không những chỉ New York City, London, Paris… mà cả Bangkok, Bắc Kinh, Saigon, và Hà Nội nữa.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG