Đường dẫn truy cập

Ðiện thoại di động: Công cụ thiết yếu của nhà Nông


Thưa quý vị, các nhà nghiên cứu tại Philippines đang có ý định sử dụng điện thoại di động để hướng dẫn nông dân chọn đúng liều lượng phân bón cần thiết hầu có thể tăng tối đa năng suất và hoa lợi, tiết kiệm tiền bạc và cùng lúc, bảo vệ môi trường. Thông tín viên Steve Baragona của Đài VOA tường trình thêm chi tiết trong Mục Khoa học và Đời sống tuần này.

Các nông dân đang tìm một dụng cụ mới khả dĩ có thể giúp họ tăng năng suất và sản lượng cây trồng, không cần phải tìm ở đâu xa. Rất có thể họ đã có sẵn dụng cụ ấy ở ngay trong túi áo. Đó là chiếc điện thoại di động, mà các nhà nghiên cứu sắp tới đây sẽ sử dụng để chuyển thông tin chuyên môn đến tận tay người nông dân đang làm việc ở ngoài đồng.

Đối với những nông dân luôn tìm cách tăng tối đa hoa lợi và năng xuất của các thửa ruộng, phân bón là một vật liệu thiếu yếu nhưng vô cùng tốn kém.

Nhà khoa học Roland Buresh, thuộc Viện Nghiên cứu Lúa Quốc Tế, nhận định: “Đối với nông dân, phân bón chiếm khoảng 20% chi phí đổ vào tiến trình sản xuất lúa gạo. Vì thế phân bón là yếu tố hết sức quan trọng.”

Khoa học gia Buresh đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu để tìm hiểu các điều kiện bón phân hiệu quả nhất.

Dùng quá ít phân bón sẽ giảm năng suất cây trồng, đưa đến tình trạng giảm thu nhập. Dùng quá nhiều phân bón thì phí phạm tiền bạc, và hơn nữa còn gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, mỗi thửa ruộng của mỗi nông dân đều có những đặc điểm khác nhau, khiến việc xác định liều lượng phân bón chính xác trở nên phức tạp. Hiệu quả sử dụng phân bón lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như cách bón và kết cấu đất.

Nhà khoa học Buresh và các đồng nghiệp của ông đã thiết kế một loạt câu hỏi quan trọng, mà theo ông, sẽ hướng dẫn nông dân đưa ra quyết định tốt nhất trong sử dụng phân bón.

Ông nói: “Điểm độc đáo của một số công cụ giúp ta làm quyết định, thực ra lại vô cùng đơn giản. Những câu trả lời cho những câu hỏi mà chúng tôi đặt ra, hầu như đã có sẵn.”

Để giản dị hóa vấn đề hơn nữa, trong nay mai, nông dân có thể trả lời những câu hỏi ấy qua điện thoại di động.

Chương trình dùng máy điện thoại di động giúp nông dân đi đến quyết định tốt nhất, sẽ được phát động tại Philippines trong vài tuần lễ tới. Nông dân có thể gọi một số điện thoại miễn phí và lắng nghe thông điệp bằng ngôn ngữ của mình.

Thông điệp ấy đại khái như sau: “Xin chào quý vị! Đây là quản trị viên về dinh dưỡng cho lúa. Xin trả lời mỗi câu hỏi bằng cách bấm vào số thích hợp trên điện thoại quý vị.”

Đoạn ghi âm đặt những câu hỏi về diện tích của thửa ruộng, về sản lượng gạo hồi năm ngoái là bao nhiêu, và bây giờ là mùa hạn hay mùa mưa.

“Nếu cần hướng dẫn để sử dụng phân bón vào mùa mưa, xin bấm số 1. Nếu là mùa hạn, xin bấm số 2.”

“Nếu thửa ruộng của quý vị nằm cạnh một hồ nước hoặc một con sông bị ngập lụt định kỳ, hoặc tại một vùng vịnh nơi đất sói mòn đổ xuống từ các ngọn đồi chung quanh, hãy bấm số 1. Nếu không, xin bấm số 2.”

Một khi đã trả lời xong tất cả các câu hỏi, người nông dân sẽ nhận được tin nhắn trên điện thoại di động, kèm theo câu giải đáp về liều lượng và loại phân bón nên sử dụng.

Nhà khoa học Buresh nói nhờ dịch vụ này, thu nhập của nông dân sẽ tăng đáng kể.

Ông nói: “Chỉ tính toán sơ sài, chúng ta thấy là tại Philippines, nếu tiếp cận được khoảng 5000 nông dân, sản lượng các ruộng lúa của nhóm này có thể tăng nửa tấn mỗi hecta, và như thế ước lượng mức thu nhập của nhóm nông dân có thể tăng khoảng nửa triệu đôla.”

Bà Danielle Nierenberg, một nhà nghiên cứu nhiều năm kinh nghiệm làm việc cho Viện nghiên cứu môi trường Worldwatch, nói bên cạnh các lợi lộc về tài chiùnh, bón phân đúng liều lượng còn giúp nông dân giảm mức độ ô nhiễm do phân bón gây ra cho môi trường.

Bà Nierenberg nói: “Tại Philippines và trên khắp lãnh thổ Châu Á, phân bón đã bị sử dụng quá mức, và không đúng cách, bởi vì không có ai giải thích cho nông dân biết họ cần bao nhiêu phân bón, hoặc bón phân như thế nào cho đúng.”

Bà Nierenberg nói tiềm năng của công nghệ mới vượt quá phạm vi của khu vực Châu Á. Bà cho biết đã từng du hành khắp vùng phía Nam sa mạc Sahara ở Châu Phi trong suốt 8 tháng, và bất cứ nơi nào bà đến, từ các ngôi làng xa xôi hẻo lánh ở Uganda, cho tới những nhà nông nghèo ở Niger, hầu hết ai cũng có điện thoại di động trong tay.

Bà nói: “Điện thoại cầm tay vừa dễ sử dụng, lại vừa rẻ tiền cho nên mỗi nông dân đều có thể sắm máy điện thoại di động, nếu không, họ có thể mượn điện thoại của ai đó ở cuối làng, tôi tin rằng đây là một phương tiện ngày càng phổ biến để giúp nông dân tiếp cận những thông tin mà họ không hề được tiếp cận trước đây”

Thí dụ tại Zambia, các nông dân không có trương mục ngân hàng có thể dùng điện thoại cầm tay để mua giống và phân bón. Họ có thể tìm hiểu xem các nông sản do họ sản xuất bán được bao nhiêu tại các chợ búa trên các đô thị.

Bà Danielle Nierenberg nói: “Như thế họ có thể quyết định liệu có cần lên đến tận thành phố hay không, bởi vì đôi khi đến nơi, nông dân mới biết là tại những nơi này, giá bán quá thấp.”

Điện thoại cầm tay có thể giúp nông dân tiết kiệm một chuyến du hành không cần thiết. Thế cho nên, mặc dù không phải là một công cụ thực sự có thể được dùng trong công việc đồng áng, hay trong tiến trình thu hoạch hoa quả, chiếc máy điện thoại di động nhỏ bé có triển vọng trở thành một trong các công cụ hữu ích nhất đối với nhà nông.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG