Đường dẫn truy cập

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?


Cảnh thôn Vĩ Dạ, Huế
Cảnh thôn Vĩ Dạ, Huế

1.-

70 năm trôi qua kể từ khi Hàn Mặc Tử – thi sĩ của “Trường thơ Loạn” đi vào cõi vĩnh hằng, người đời vẫn không nguôi nhắc về ông. Ông là một hiện tượng độc đáo, một tài năng kỳ lạ trong phong trào Thơ Mới.

Hàn Mặc Tử tên thật Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/9/1912 mất ngày 11/11/1940. Quê ở làng Lệ Mỹ (Đồng Hới), Quảng Bình. Ngay từ nhỏ gia đình ông chuyển vào sống tại Quy Nhơn. Nhà nghèo, cha mất sớm, học trường Quy Nhơn đến năm thứ ba. Làm việc ở Sở Đạc điền Quy Nhơn một thời gian bị đau rồi mất việc. Vào Nam làm báo ở Sài gòn ít lâu lại trở về Quy Nhơn. Sau đó bị bệnh hủi, đưa vào bệnh viện phong Quy Hoà ở Quy Nhơn rồi mất ở đó. Hàn Mặc Tử làm thơ từ năm 16 tuổi (lấy hiệu Phong Trần rồi Lệ Thanh). Đến năm 1936, khi phụ trách phụ trương văn chương báo Sàigòn mới đổi hiệu là Hàn Mặc Tử. [1; 196]

Là một tài thơ lớn của phong trào Thơ Mới, Hàn Mặc Tử sáng tạo nhiều bài thơ tuyệt hay như “Mùa xuân chín”, “Đây thôn Vĩ dạ”… Bên cạnh những vần thơ hết sức trong sáng, là một thế giới hình tượng kỳ lạ đầy ghê sợ, thể hiện một hồn thơ đau đớn, điên loạn, những dòng thơ viết bằng máu và nước mắt. Hàn Mặc Tử chết sớm năm 28 tuổi. Thơ ông là bằng chứng của một chàng trai trẻ tài hoa có tâm hồn luôn yêu đời, khao khát cuộc sống, nhưng cuộc đời cay nghiệt đã bắt ông phải lìa bỏ sớm. Cho nên trong thơ Hàn Mặc Tử, ta có thể cảm và nghe được cả một thế giới bên trong vô hình đang lâm vào niềm tuyệt vọng, là tiếng nói vô vọng của một thân phận bị dồn đẩy đến cùng cực, chới với bên bờ miệng vực của thần chết mà ngoái nhìn, nuối tiếc cuộc đời.

Sinh thời, Hàn mặc Tử đã từng được Phan Bội Châu khen ngợi: “Từ về nước đến nay được xem nhiều thơ văn quốc âm song chưa gặp được bài nào hay đến thế. Hồng Nam nhạn Bắc ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau cười to một tiếng ấy là thoả hồn thơ đó”. Có lẽ ông già bến ngự là người đầu tiên giới thiệu Hàn Mặc Tử với công chúng, động viên nhà thơ trẻ tự tin trên con đường sáng tạo.[16; 76]

Năm 1936, với tập “Gái quê”, thi nhân họ Hàn đã làm xôn xao dư luận trong phong trào Thơ Mới, đặc biệt khi Trường thơ Loạn và tập Thơ Điên xuất hiện, giới phê bình lắm kẻ khen chê. Ta hãy xem tác giả Thi nhân Việt Nam nhận xét: “Tôi đã nghe người ta mạt sát Hàn Mặc Tử nhiều lắm. Có người bảo Hàn Mặc Tử, thơ với thẩn gì! Toàn nói nhảm. Có người nghiêm khắc hơn nữa: Thơ gì mà rắc rối thế! Mình tưởng có ý nghĩa khuất khúc, cứ đọc đi đọc hoài, thì ra nó lừa mình…” [1; 196]

Trong báo Ngày nay số 122 (Chủ nhật ngày 7/8/ 1938) Xuân Diệu viết bài Thơ của Người có lẽ cũng nhằm ám chỉ các thi sĩ “Trường thơ Loạn” ở Bình Định bằng một thái độ phủ nhận: “Hãy so sánh thái độ can đảm kia, thái độ của những nhà chân thi sỹ, với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: tôi điên đây! Tôi điên đây! Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống”. [1; 197]

Nhưng cũng lắm người ca tụng. Nhận xét về Hàn Mặc Tử, tài năng lạ của một thời, Chế Lan Viên viết: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan và còn lại của các thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử.” [1; 197]

Tỉnh táo và sâu sắc, Trần Tái Phùng đã không ngần ngại phô bày vẻ đẹp tuyệt mỹ của thơ ca Hàn Mặc Tử: “Nghệ thuật chàng tựa một con sông dài đi xuyên qua thế kỷ chúng ta và hai bờ sông dàn bày không biết bao nhiêu cảnh sắc khác nhau đẹp đẽ đến say ngợp, đến tê liệt cả lòng người”[2]. Trần Tái Phùng đã ví thơ Tử với những khung cảnh thần tiên của thời thượng cổ theo hội họa của Poussin, Millet và Murillo…[16; 77]

Bước vào thơ Hàn Mặc Tử, người đọc không khỏi có cảm giác phân tâm, bởi mạch thơ ông luôn là một mạch kết cấu của một dòng thơ bất định, tuôn chảy theo niềm cảm xúc phản ảnh một tâm trạng luôn bất ổn trong cuộc sống. Bài thơ “Đây thôn Vĩ dạ” trong tập Thơ Điên là một tác phẩm nổi bật phần nào tiêu biểu cho dòng thơ ông.

Vĩ dạ là một thôn gần sát ngay cố đô Huế, làng ấy ngày xưa là nơi các vương hầu hoàng tộc và các gia đình quyền quí cư trú. Vĩ dạ là một làng khá tiêu biểu cho phong cách sống trầm mặc khép kín của xứ Huế. Nhà nào cũng có hàng rào dâm bụt, cắt xén gọn, tươm tất. Vào sân vườn là những chồi cây cảnh, xen kẽ hoa trái. Sau vườn là các khóm rau, có khi cả vạt bắp, và bậc cấp xuống mé sông Hương. Nhà vườn và tính chất an nhiên là một nét tiêu biểu của thôn Vĩ dạ.

Hồi ở Quy Nhơn những năm 32 – 33 Hàn Mặc Tử có một mối tình với cô Hoàng Thị Kim Cúc. Cha cô Cúc làm ở Sở Đạc Điền và Hàn Mặc Tử cũng làm việc ở đó, thời gian sau ông bỏ vào Sài Gòn làm báo, khi trở về Quy Nhơn thì gia đình cô Cúc đã chuyển về Huế, ở thôn Vĩ dạ. Ít lâu sau, biết Hàn Mặc Tử mắc bệnh nan y, đang đau đớn và cô đơn tại bệnh viện phong Quy Hoà, người em họ gợi ý cô Cúc gửi một bưu thiếp thăm hỏi sức khoẻ cho Mặc Tử. Hàn Mặc Tử làm bài thơ này đáp lại như một lời cảm ơn.[3]

Đây thôn Vĩ dạ

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa.
Áo em trắng quá nhìn không ra.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà!

Toàn bài thơ là những câu hỏi phiếm chỉ, thể hiện tâm trạng bất an, bất định của tác giả, làm cho không khí bài thơ mang âm hưởng buồn.

Ngay đầu đề bài thơ, thi nhân đã cho người đọc một cảm giác lạ. Tại sao không gọi bài thơ là “Thôn Vĩ dạ”, mà phải là “Đây thôn Vĩ dạ”. Từ “đây” có một cái gì đó giới thiệu rất trân trọng. Hàn Mặc Tử trân trọng một làng quê mà ở đó có người con gái ông hết lòng yêu mến. Ở đây, thi nhân muốn thể hiện tình cảm của mình với cô gái qua cách giới thiệu. Trân trọng làng quê của người mình yêu cũng là trân trọng người yêu.

Mở đầu bài thơ là một câu hỏi nhưng cũng có thể là lời hờn trách của cô gái “Sao anh không về chơi thôn Vĩ”. “Sao anh…” đại từ nhân xưng “anh” ngọt ngào đã biểu lộ được mối quan hệ thân mật giữa thi nhân và cô gái. Sao anh không về chơi quê em, hay là sao anh không về đây thăm em. Dường như có một thôn Vĩ mà chỉ cần một lời mời đầu môi thì nó đã đủ cho hai người ngầm hiểu nhau rồi. Cả một câu thơ bảy chữ thì đã có sáu chữ đầu là thanh bằng, tạo nên một âm hưởng dịu êm mang đậm phong cách nhẹ nhàng của các cô gái Huế.

Về đây thăm quê em để ngắm hàng cau vươn mình trong nắng mai, để thả hồn chan hoà trong thiên nhiên xanh ngát, để ngắm nhìn ai tha thướt, thấp thoáng dưới hàng cây. Cảnh vật chỉ đơn sơ vậy thôi, nhưng đã đủ làm xôn xao, sầu nặng hồn ai. Cũng là cảnh làng quê, nhưng có người thích ngắm trong nắng trưa, hay buổi chiều tà, ở đây Hàn Mặc Tử muốn ngắm làng quê dưới ánh nắng ban mai của một ngày mới. “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên”, câu thơ tả cảnh của ông có một nhịp điệu khác thường, hai từ “nắng” trong cùng một câu thơ tạo nên cái tâm trạng xôn xao, háo hức của một thanh niên trẻ trung yêu đời. Và cuối cùng là một lời reo “ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”, vườn ai mà đẹp quá như vậy, có phải là vườn nhà nàng chăng? Người ta có thể nói xanh biếc, xanh mơn mởn, xanh mướt để tả màu xanh. Ở đây, Hàn Mặc Tử rất tài tình khi không dùng hai từ “xanh mướt” đi kề nhau, bởi “xanh mướt” có một vẻ gì đó yếu ớt, ít sinh khí. Vì thế, Hàn Mặc Tử đã tách ra, hoán đổi trật tự từ và thay bằng lời reo “mướt quá” rõ ràng câu thơ cũng tả về màu xanh nhưng lại tràn đầy sức sống, dồi dào sinh khí hơn. Do vậy, từ “xanh như ngọc” gieo vào lòng người đọc một cảm nhận đầy ấn tượng. Vườn của ai mà đẹp quá, quí giá quá, xanh quá, trong suốt như ngọc. Đứng trước thiên nhiên đầy sức sống như thế, ai lại không thấy yêu đời, yêu cuộc sống. Và kìa, thấp thoáng sau những khóm tre, khóm trúc là khuôn mặt của một người. “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Thơ xưa thường ca ngợi cái đẹp “thanh mai trúc mã”, nét mảnh mai của cô gái bên cạnh cái cứng cỏi của một chàng trai. Hàn Mặc Tử muốn tả trong một khoảnh khắc nào đó, hình ảnh của một “ai đó” qua khóm trúc đã gây cho Hàn một ấn tượng mạnh, nên đã in dấu trong hồn thi sĩ và khi đặt bút đề thơ ông đã tạo ra một hình tượng thơ bí ẩn.[4]

Ở đây, chúng ta không cần phải tách bạch, “khuôn mặt chữ điền” ấy là của ai. Bởi lẽ, đó cũng là một chi tiết thoáng qua, một đường nét đẹp nằm trong cái tổng thể.

Trên toàn cảnh của khổ thơ đầu là bút pháp tả thực của Hàn Mặc Tử về một miền quê xanh tươi tràn đầy sức sống, và đó cũng chính là lòng ham sống, lòng yêu đời của thi nhân. Vì nếu không ham sống, không yêu đời thì làm sao có thể tả được một khung cảnh bình dị mà đắm say lòng người đến thế.

Nhưng sang khổ thơ thứ hai, người đọc đột ngột rơi vào một tâm trạng buồn, chia cách khi nghe một nhạc điệu khác thường, lạnh lẽo, vô tình đến nghiệt ngã.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thiên nhiên cũng có gió, có mây, có nước, có hoa, nhưng sao rời rạc, nhạt nhẽo. Gió mây chia đường, tách ngã, và sông thì lặng im không buồn chảy trong khi đó hoa bắp lại vô tình lay. Mới vừa đây, thi nhân đang rạo rực trước sự sống thì nay tâm trạng bỗng buồn bã, nát tan. Bởi vì Hàn Mặc Tử có yêu đời mãnh liệt như thế nào, cũng bằng không - khi bản thân ông biết mình đang tan rữa từng ngày. Từng ngày là từng ngày bước dần vào cõi chết. Đó chính là mâu thuẫn trong tâm hồn của Hàn. Yêu đời nhưng tuyệt vọng.

Cuộc đời đã ngoảnh mặt quay lưng, nắng hình như đã tắt, trời đã chuyển hoàng hôn. Thi nhân tan nát cõi lòng, tuyệt vọng có thể chấm dứt hy vọng nhưng không thể chấm dứt tình yêu. Đối với Hàn Mặc Tử giờ đây tình yêu là lối thoát cuối cùng mà ông đang cố bám víu để hy vọng sống.

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

Trong thơ ca dân gian Việt Nam, hình tượng thuyền và bến thường xuất hiện trong những bài ca về tình yêu để bộc lộ nỗi lòng và tâm trạng đôi lứa. Con thuyền là sự vật chuyển động không ngừng trên sông biển và thuyền mang ý nghĩa biểu trưng cho hình ảnh người con trai. Còn bến, bờ là điểm đến hay rời đi của thuyền thường biểu trưng cho hình ảnh người con gái. Sự kết hợp giữa thuyền và bến được khai thác bởi các yếu tố động – tĩnh, bởi hành trình và yên nghĩ… qua đó biểu hiện hoặc gợi lên những trạng thái tình cảm tương ứng.

Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

Tuy nhiên, cũng có lúc trong ca dao hình ảnh thuyền lại được ví như thân phận long đong của người con gái:

Tròng trành như nón không quai
Như thuyền không lái, như ai không chồng

hay thân gái lênh đênh mười hai bến nước:

Thân em như chiếc thuyền tình
Mười hai bến nước biết gửi phận mình nơi nao

Cũng giống như thơ ca dân gian, Hàn Mặc Tử kế thừa truyền thống dân tộc lấy hình ảnh thuyền và bến làm biểu trưng cho tình yêu đôi lứa. Hồn thơ Hàn tuyệt đẹp khi liên tưởng thuyền trăng, bến trăng, sông trăng. Trong đêm trăng kỳ ảo tràn ngập ánh vàng, thuyền em có kịp chở trăng về với anh trong đêm nay. Anh đang cô độc, đang cô đơn, đang tuyệt vọng, làm sao em đến được với anh trong lúc này. Câu hỏi “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó. Có chở trăng về kịp tối nay?” là một câu hỏi khẩn thiết của một người đang quằn quại trong đau đớn. Lúc này đây, ngay “ tối nay” đây, em có kịp về không? Tình yêu của em có đến kịp không? Anh cần em, tình yêu là niềm tin cuối cùng anh đang bấu víu để sống. Còn yêu là còn sống. (Còn tiếp một kỳ).

  • 16x9 Image

    Ban Mai

     

    Tiểu sử:

    Ban Mai, bút  hiệu của thạc sĩ văn chương Nguyễn Thị Thanh Thúy, hiện làm việc tại trường Đại học Quy Nhơn.

    Đã có bài viết trên các tạp chí Văn học, Hợp lưu, Quán Văn; các trang web talawas, damau, hopluu, baotre, vanchuongviet…

    Đã xuất bản tập chuyên luận Trịnh Công Sơn Vết Chân Dã Tràng, NXB Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ ĐôngTây; Hà Nội 2008; Tái bản tại Hoa Kỳ năm 2010.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG