Đường dẫn truy cập

Cảnh sát San Jose 'xử lý minh bạch' vụ đánh sinh viên người Việt


Cảnh sát San Jose 'xử lý minh bạch' vụ đánh sinh viên người Việt
Cảnh sát San Jose 'xử lý minh bạch' vụ đánh sinh viên người Việt

Thưa quý vị, mới đây, sinh viên Đại học California, Hồ Quang Phương, đã đệ đơn kiện cảnh sát thành phố San Jose lên toà án liên bang và đòi bồi thường 6 triệu đôla vì ‘bị cảnh sát đánh đập’. Sự việc mà luật sư của anh Phương gọi là ‘vụ hành hung’ từng gây phản ứng mạnh trong cộng đồng người gốc Việt tại Hoa Kỳ. Trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này, mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi của Nguyễn Trung với Đại úy Phan Ngô, Phó Cảnh sát trưởng San Jose, về vụ việc liên quan tới sinh viên người Việt cũng như nỗ lực đối thoại với cộng đồng của lực lượng thực thi pháp luật thành phố.

VOA: Một số ý kiến cho rằng việc ông được bổ nhiệm làm Phó Cảnh sát trưởng gốc Việt đầu tiên ở thành phố San Jose, và cũng là giới chức cảnh sát gốc Việt cấp cao nhất trong các sở cảnh sát ở Hoa Kỳ, là một sự kiện mang tính lịch sử. Bản thân ông nghĩ sao?

Đại úy Phan Ngô: Tôi cảm thấy vinh dự và xúc động khi được cảnh sát trưởng lựa chọn. Nhiều người nói rằng đó là một thành quả lịch sử, nhưng đối với bản thân tôi, đó chỉ là một mục tiêu mà tôi đã đạt được. Tôi đã làm việc ở sở cảnh sát 20 năm qua, và đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao khác nhau.

Với những kinh nghiệm như vậy, tôi nghĩ rằng đã đến lúc mình phải thi và cạnh tranh với các ứng viên khác cho vị trí Phó Cảnh sát trưởng của Sở Cảnh sát San Jose. Tôi thấy may mắn được Cảnh sát trưởng đặt lòng tin cũng như đánh giá tôi là một ứng viên có đủ khả năng nhất.

VOA: Là một người gốc châu Á làm việc trong một môi trường gồm phần đông là các đồng nghiệp da trắng, ông phải đối mặt với những khó khăn gì trong quá trình thăng tiến chức vụ?

Đại úy Phan Ngô: Tôi may mắn vì có nhiều người hướng nghiệp, những người thày đã chỉ dẫn tôi trong công việc ở sở. Ngoài ra, tôi cũng được các cộng đồng đa sắc tộc ở thành phố San Jose ủng hộ khi thực thi các nhiệm vụ được giao trong suốt thời gian qua. Tôi thực sự cảm thấy rất may mắn vì được hậu thuẫn cả ở trong sở lẫn trong cộng đồng.

VOA: Một số người nhận định rằng việc ông được bổ nhiệm sẽ truyền cảm hứng cho lớp thế hệ trẻ gốc Việt ở Hoa Kỳ theo đuổi nhiều hơn nghề nghiệp liên quan tới lĩnh vực thực thi pháp luật. Ông có khả năng tạo cảm hứng cho người khác không?

Đại úy Phan Ngô: Tôi hy vọng như vậy. Từ trước tới nay, các thanh niên gốc châu Á thường vấp phải những thách thức khi tham gia lực lượng thi hành pháp luật. Tôi hy vọng rằng công việc của tôi sẽ truyền cảm hứng cho một thanh niên nào đó muốn theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực thực thi pháp luật.

VOA: Ông đã được đưa khỏi Việt Nam trong Chiến dịch Không vận Cô nhi (Operation Babylift). Sự kiện đó đã thay đổi cuộc đời ông như thế nào?

Đại úy Phan Ngô: Rõ ràng việc rời Việt Nam và tới Hoa Kỳ là một sự kiện lớn, thay đổi cuộc đời tôi. Tôi may mắn vì có nhiều cơ hội. Tôi nợ đất nước Hoa Kỳ rất nhiều vì những gì tôi có được ngày hôm nay.

Đại uý Phan Ngô nói Sở Cảnh sất San Jose nỗ lực 'đối thoại' với cộng đồng gốc Việt trong thành phố.
Đại uý Phan Ngô nói Sở Cảnh sất San Jose nỗ lực 'đối thoại' với cộng đồng gốc Việt trong thành phố.

VOA: Trên cương vị hiện thời, ông nghĩ mình có thể làm được gì để tăng cường hiểu biết cũng như làm giảm bớt căng thẳng quanh một số vụ việc giữa Sở Cảnh sát San Jose và cộng đồng người Việt?

Đại úy Phan Ngô: Rõ ràng đã có những quan ngại trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại thành phố San Jose về một số việc làm của cảnh sát, nhưng tôi phải nói rằng, nhìn chung, suốt thời gian qua, cộng đồng người Việt tại đây rất ủng hộ sở cảnh sát và chúng tôi có mối quan hệ công việc tốt đẹp.

Nói như vậy để thấy rằng chúng tôi không phải là một sở cảnh sát hoàn hảo, và sẽ có những lúc các hoạt động của chúng tôi sẽ gây quan ngại và khiến cộng đồng gốc Việt đặt dấu hỏi. Tôi nhấn mạnh rằng, chúng tôi luôn sẵn sàng ngồi lại và trao đổi với đại diện cộng đồng nhằm hóa giải những quan ngại về hoạt động của sở chúng tôi.

Hiện thời chúng tôi có các khóa học kéo dài 10 tuần cho tất cả mọi người về chính sách và tiến trình hoạt động của sở cảnh sát, nhất là về các vấn đề liên quan tới cộng đồng mà họ còn thắc mắc. Đây là lần đầu tiên chương trình này được thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Việt. Hiện giờ chúng tôi đã có khoảng 30 người tham gia.

VOA: Thưa ông, vụ bắt giữ sinh viên người Việt Hồ Quang Phương đã gây ra phản ứng tức giận trong cộng đồng người gốc Việt. Ông nghĩ sao về cách xử lý vụ việc này?

Đại úy Phan Ngô: Điều chúng tôi đã làm là giao tiếp với cộng đồng. Chúng tôi muốn vụ việc này được xử lý một cách minh bạch. Thế nên, chúng tôi đã tiếp xúc với cộng đồng người Mỹ gốc Việt và giải thích cho họ toàn bộ tiến trình bắt giữ cũng như điều tra hình sự và hành chính liên quan tới vụ đó. Tôi có thể nói rằng sau một số cuộc gặp với các nhà lãnh đạo đại diện cho cộng đồng, họ hài lòng với cuộc tiếp xúc của chúng tôi.

VOA: Truyền thông Hoa Kỳ từng nhận định rằng giữa cộng đồng người gốc Việt và sở cảnh sát San Jose hiện thiếu lòng tin lẫn nhau. Đánh giá của ông như thế nào?

Đại úy Phan Ngô: Tôi không tin là chúng ta có thể nhận định chung rằng có sự thiếu tin tưởng trong mối quan hệ giữa cộng đồng người Việt ở San Jose và sở cảnh sát. Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với cộng đồng và họ đã bày tỏ sẵn sàng hợp tác với chúng tôi nhằm củng cố giao tiếp, đối thoại cũng như tăng cường quan hệ.

Trên thực tế, cũng có một số người trong cộng đồng tỏ ra quan ngại, nhưng nhìn chung, mọi người đều sẵn lòng làm việc và hợp tác với chúng tôi để giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

VOA: Thưa ông, trở thành phó cảnh sát trưởng San Jose, ông có cho rằng mình là người đầy quyền lực không?

Đại úy Phan Ngô: Hoàn toàn không. Tôi nghĩ rằng trên cương vị của mình, tôi có nhiều trách nhiệm hơn để giải quyết các vấn đề trong thành phố. Điều quan trọng đối với tôi là làm mọi điều có thể để phục vụ cộng đồng nói chung, không chỉ riêng người Mỹ gốc Việt, tại thành phố San Jose, cũng như những người đang làm việc trong sở vì chúng tôi đang trải qua giai đoạn rất khó khăn liên quan tới ngân quỹ.

Điều quan trọng là tôi phải hiểu rằng công việc của tôi là phục vụ người dân San Jose cũng như các đồng nghiệp làm trong Sở Cảnh sát.

Xin cám ơn Đại úy Phan Ngô. Chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Nếu quý vị muốn chia sẻ với các quý độc giả khác các thông tin hữu ích từ nơi mình sinh sống, xin gửi email về cho chúng tôi tại địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Xin quý vị gửi kèm các thông tin liên hệ cụ thể. Nguyễn Trung sẽ liên lạc với quý vị. Xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG